4 trái tim, 4 lá gan, 8 quả thận từ 4 người chết não hiến ghép cho 16 người, trung tâm ghép mô tạng làm việc quá tải. 

Ngày 20/6, Giáo sư Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, từ ngày 16/5 đến 13/6, có đến 4 bệnh nhân chết não hiến tạng trong khi trước đây một năm mới có một người hiến tạng. Đây là lần đầu tiên trong một tháng Việt Nam có nhiều người hiến tạng như vậy.

16 người được cứu nhờ ghép các tạng hiến này, trong đó 4 bệnh nhân ghép tim, 4 ghép gan, 8 ghép thận. Ngoài ra, các bác sĩ còn tiếp nhận giác mạc, mạch máu, gân được hiến để phục vụ cho các ca ghép. Sức khỏe của các bệnh nhân sau ghép đều tiến triển tốt.

Theo ông Giang, do nhiều người hiến tạng, gần một tháng qua trung tâm ghép mô tạng làm việc quá tải. Có những ca phải mổ ghép vào ban đêm. Mỗi ca ghép tạng thông thường có khoảng 100 y bác sĩ làm việc xuyên đêm, triển khai cùng một lúc 5 bàn mổ để lấy tạng và ghép tạng.

Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức tiến hành ghép tạng từ người chết não vào năm 2010. Đến nay mới có 40 người chết não được gia đình đồng ý hiến tạng cứu người. "Hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều bệnh nhân được cứu sống từ những người hiến tạng", ông Giang nói.

trung tam ghep tang qua tai boi mot thang co 4 nguoi chet nao hien tang
Một bệnh nhân được ghép tạng từ người cho chết não. Ảnh bệnh viện cung cấp.

Do đã có kinh nghiệm, bác sĩ làm chủ kỹ thuật, các ca ghép tạng diễn ra rất nhanh và suôn sẻ. Trước đây các ca ghép phải chuẩn bị rất kỹ, bệnh nhân nằm viện lâu, thở máy kéo dài. Đặc biệt, hiện những bệnh nhân ghép thận hầu như không phải truyền máu. Bệnh nhân ghép gan thì số lượng máu truyền chỉ 1-2 đơn vị. Thời gian bệnh nhân phải thở máy chỉ còn 3-4 giờ so với 24 đến 48 tiếng đồng hồ như trước.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã ký hợp đồng chuyển giao ghép tạng cho Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM, Bệnh viện Quân y 108, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ và đang chuẩn bị triển khai tiếp cho Thanh Hóa.

Việt Nam đã thực hiện ca ghép thận từ năm 1992, ghép gan từ năm 2004, ghép tim từ năm 2010, ghép phổi từ người cho còn sống năm 2017 và năm 2018 ghép phổi từ người cho chết não lần đầu tiên. Đến nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã ghép 600 ca thận, 60 trường hợp ghép gan và 20 bệnh nhân ghép tim.

Từ nay đến năm 2020, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ tiến hành ghép ruột, tử cung, chi thể, mặt cho người bệnh.

Lê Nga

trung tam ghep tang qua tai boi mot thang co 4 nguoi chet nao hien tang Giám đốc viện nghỉ họp Quốc hội chuyển tim hiến tặng về Huế ghép

Tim được người chết não ở Hà Nội hiến, chuyển bằng máy bay ra Đà Nẵng và ôtô đưa đến Bệnh viện Trung ương Huế ...

trung tam ghep tang qua tai boi mot thang co 4 nguoi chet nao hien tang Bệnh nhân ghép tim từ người hiến chết não trở về cuộc sống đời thường

Sau một tháng được ghép tim, người phụ nữ nghèo ốm yếu nay đã khỏe mạnh trở về cuộc sống đời thường.

Ngày đăng: 23:03 | 20/06/2018

/ VnExpress