Sau khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, Mỹ liên tục “vũ khí hóa” đồng USD và hệ thống thanh toán bằng USD, dẫn đến uy tín của đồng USD bị suy giảm, xu hướng “phi USD hóa” ngày càng nổi bật. Về mặt khách quan, “phi USD hóa” mang lại cơ hội quốc tế hóa đồng nhân dân tệ (NDT). Hiện nay, quá trình quốc tế hóa đồng NDT đang có những thuận lợi nhất định, nhưng cũng phải đối mặt với những thách thức không dễ dàng.
Thuận lợi
Trong những năm gần đây, mức độ quốc tế hóa NDT không ngừng được nâng cao, bởi sự lớn mạnh của nền kinh tế tỉ dân. Xét về chức năng thanh toán tiền tệ, đến năm 2022, tỷ trọng thanh toán quốc tế của NDT đã đạt 2,3%, trở thành đồng tiền thanh toán lớn thứ 5 thế giới. Xét về chức năng đồng tiền dự trữ, đến cuối năm 2022, đồng NDT chiếm 2,7% dự trữ ngoại hối toàn cầu, đứng thứ 5 trong số các đồng tiền dự trữ thế giới. Xét về chức năng đầu tư tiền tệ, tính đến cuối năm 2021, tổng kim ngạch tài chính bằng đồng NDT do các tổ chức ở nước ngoài nắm giữ là 1,083 tỷ NDT, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tháng 5/2022, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tăng tỷ trọng của đồng NDT trong Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) từ 10,92% lên 12,28%, đứng thứ 3 trong SDR.
Thị trường nước ngoài của đồng NDT cũng đang phát triển ổn định. Tính đến cuối năm 2021, số dư tiền gửi đồng NDT tại các thị trường nước lớn ở nước ngoài đã vượt quá 1,5 nghìn tỷ. Sự phát triển nhanh chóng của quá trình quốc tế hóa đồng NDT đã đặt nền móng cho quốc tế hóa nhiều hơn nữa. Hiện tại, đồng NDT có điều kiện thuận lợi để tăng cường quốc tế hóa. Sự kết hợp giữa khả năng sinh lời và sự an toàn của đồng NDT khiến nhiều quốc gia phân bổ nhiều tài sản bằng đồng NDT. Nguồn tài chính bằng đồng NDT có tỷ lệ hoàn vốn tương đối cao. Trong năm 2022, lãi suất trái phiếu bằng đồng NDT kỳ hạn 10 năm về cơ bản ở mức trên 3%, cao hơn lãi suất trái phiếu có cùng kỳ hạn ở các nước phát triển như Mỹ. Tính đến cuối năm 2022, các tổ chức nước ngoài nắm giữ 3,39 nghìn tỷ NDT trái phiếu trên thị trường liên ngân hàng của Trung Quốc, chiếm khoảng 2,7% tổng lượng lưu ký trái phiếu trên thị trường trái phiếu liên ngân hàng. Địa vị của đồng NDT trong tài sản dự trữ của một số quốc gia cũng đang tăng lên. Tháng 3/2023, Ngân hàng Trung ương Brazil tuyên bố đồng NDT trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế lớn thứ 2 của quốc gia này. Tháng 7/2022, Ngân hàng Trung ương Belarus đưa đồng NDT vào giỏ tiền tệ của mình với tỷ trọng tương đương đồng euro.
Việc Trung Quốc tham gia sâu hơn vào hợp tác kinh tế và thương mại khu vực và quốc tế đã thúc đẩy quá trình quốc tế hóa đồng NDT trong khu vực. Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) được thúc đẩy nhanh chóng. Tháng 11/2020, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết làm sâu sắc thêm sự tham gia của Trung Quốc vào hợp tác kinh tế và thương mại khu vực, khiến quá trình quốc tế hóa đồng NDT có tiến triển nhanh chóng.
Năm 2021, số tiền thanh toán bằng đồng NDT xuyên biên giới giữa Trung Quốc và các quốc gia dọc theo tuyến BRI là 5,42 nghìn tỷ, chiếm 14,8% tổng lượng thanh toán bằng đồng NDT xuyên biên giới trong cùng giai đoạn. Đến cuối năm 2021, Trung Quốc đã ký các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với 22 quốc gia và thiết lập cơ chế thanh toán bằng đồng NDT ở 8 quốc gia dọc theo tuyến đường.
Việc số hóa thanh toán tiền tệ cũng thúc đẩy quá trình quốc tế hóa đồng NDT. Số hóa thanh toán tiền tệ có chi phí thấp, thời gian thanh toán ngắn, vừa hiệu quả vừa an toàn nên đã được cơ quan quản lý tiền tệ của nhiều quốc gia coi trọng. Theo báo cáo khảo sát của Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS), đến cuối năm 2022, khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đã triển khai nghiên cứu và thực hành về tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (CBDC). Bắt đầu từ năm 2014, Trung Quốc đã thành lập một cơ quan đặc biệt để nghiên cứu về đồng NDT kỹ thuật số và thực hiện một loạt công việc cơ bản như thiết kế thượng tầng và xây dựng tiêu chuẩn. Tính đến tháng 7/2022, Trung Quốc đã triển khai thí điểm đồng NDT kỹ thuật số ở 23 khu vực thuộc 15 tỉnh. Trung Quốc tích cực triển khai hợp tác quốc tế về tiền kỹ thuật số, đã nâng cao quyền phát ngôn tài chính của nước này trong thời đại kỹ thuật số và tạo điều kiện cho việc quốc tế hóa hơn nữa đồng NDT.
Sự phát triển kinh tế và tăng cường mở cửa của Trung Quốc đã đảm bảo cho quá trình quốc tế hóa đồng NDT. Sự gia tăng thực lực kinh tế tổng hợp của Trung Quốc và phát triển nhanh chóng của ngoại thương, đầu tư tài chính sẽ thúc đẩy quốc tế hóa hơn nữa đồng NDT. Trong báo cáo công bố năm 2020, tổ chức tài chính Mỹ Morgan Stanley ước tính đến năm 2030, 3 nghìn tỷ USD đầu tư sẽ chảy vào Trung Quốc, nâng tỷ lệ đồng NDT lên 5 đến 10% trong tài sản dự trữ toàn cầu, trở thành đồng tiền dự trữ lớn thứ 3 thế giới sau đồng USD và đồng euro.
Những thách thức
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, do vị thế mạnh của đồng USD, sự non nớt của thị trường tài chính trong nước và thị trường nước ngoài của đồng NDT, chức năng định giá và thanh toán của đồng NDT còn nhiều bất cập, môi trường quốc tế phức tạp, quá trình quốc tế hóa đồng NDT không phải là không gặp những khó khăn.
Một là với sự phụ thuộc vào lộ trình khiến vị thế của đồng USD khó bị lung lay. Hiện tại, đồng USD vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối trong kho dự trữ ngoại hối toàn cầu, thanh toán và định giá xuyên biên giới, trong khi địa vị của đồng NDT thấp hơn nhiều. Cuối năm 2022, tỷ trọng của đồng NDT trong dự trữ ngoại hối toàn cầu thấp hơn nhiều so với tỷ trọng trong giỏ tiền tệ SDR của IMF. Mặc dù việc thanh toán hàng hóa số lượng lớn được định giá bằng đồng NDT có tiến triển khá mạnh, nhưng quyền định giá của đồng NDT vẫn rất nhỏ.
Thị phần của đồng NDT trong các loại tiền tệ thanh toán toàn cầu không tương xứng với vai trò của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu. Năm 2022, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Trung Quốc vượt 42 nghìn tỷ NDT, chiếm gần 20% tổng lượng thương mại toàn cầu, cao hơn nhiều so với tỷ trọng đồng NDT trong thanh toán toàn cầu (2,3%). Các chỉ số này phản ánh rằng đồng NDT vẫn còn một khoảng cách lớn so với các loại tiền tệ quốc tế truyền thống như USD.
Hai là cơ sở hạ tầng tài chính và bố cục thể chế cần thiết cho quá trình quốc tế hóa đồng NDT là chưa hoàn hảo. Xét từ tình hình sử dụng Hệ thống thanh toán xuyên biên giới đồng NDT (CIPS), tính đến cuối năm 2022, tổng cộng có hơn 1.300 tổ chức Trung Quốc và nước ngoài kết nối trực tiếp hoặc gián tiếp với CIPS, trong khi phạm vi dịch vụ của Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) bao trùm hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, cung cấp dịch vụ cho hơn 11 nghìn tổ chức tài chính. Cả số lượng tổ chức tham gia cũng như khối lượng nghiệp vụ và kim ngạch cần xử lý trung bình hàng ngày, CIPS vẫn có khoảng cách khá lớn so với SWIFT. Ngoài ra, tỷ lệ sử dụng của thỏa thuận hoán đổi tiền tệ đồng NDT không cao và tỷ lệ sử dụng thực tế chỉ chiếm khoảng 10% trong thỏa thuận hoán đổi tiền tệ đối với đồng NDT.
Thứ ba là tính chất chín muồi và mở cửa của thị trường tài chính Trung Quốc còn có khiếm khuyết. Thị trường chứng khoán và thị trường chứng khoán phái sinh của Trung Quốc vẫn chưa phát triển, mức độ mở cửa thị trường tài chính khá thấp. Theo số liệu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), năm 2020, chỉ số hạn chế đầu tư trực tiếp (FDI) của Trung Quốc là 0,21, thuộc quốc gia có mức độ hạn chế khá cao. Trong đó, chỉ số hạn chế ngành tài chính là 0,05, cao hơn mức trung bình 0,03 của các nước OECD. Năm 2020, chỉ số mở cửa tài chính của Trung Quốc là 0,16, thấp hơn nhiều so với mức 1,0 của những nước như Anh, Mỹ… Ngoài ra, việc quốc tế hóa đi kèm với dòng vốn ngắn hạn có quy mô lớn hơn và tần suất cao hơn, hình thức rủi ro tài chính sẽ phức tạp hơn, điều này đặt ra yêu cầu cao hơn đối với việc giám sát tài chính của Trung Quốc.
Bốn là cơ chế cung ứng đồng NDT ra nước ngoài cũng như thị trường nước ngoài của đồng NDT còn chưa phát triển. Do tài khoản tài chính đồng NDT chưa được mở cửa hoàn toàn nên nguồn cung đồng NDT ra nước ngoài chủ yếu thông qua ngoại thương, thặng dư thương mại lớn của Trung Quốc khiến nguồn cung đồng NDT khó đáp ứng nhu cầu của thị trường nước ngoài. Lại thêm sản phẩm tài chính của đồng NDT ở nước ngoài chưa phong phú, hệ thống sản phẩm không được kiện toàn, tính thanh khoản của các sản phẩm ngắn hạn và trung hạn không cao, thiếu sự đa dạng của những sản phẩm dài hạn, điều này hạn chế nhất định nguyện vọng và khả năng của những nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tài sản đồng NDT. Ngoài ra, các cuộc thương chiến cũng như chủ nghĩa đơn phương hay bảo hộ thương mại của các nước phương Tây cũng làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế Trung Quốc và đồng NDT.
Nỗ lực thúc đẩy quốc tế hóa đồng NDT
Việc quốc tế hóa đồng NDT có thể đạt được sự phát triển hơn nữa hay không phụ thuộc vào việc liệu Trung Quốc có thể duy trì sự phát triển kinh tế bền vững hay không, thị trường tài chính trong nước và nước ngoài phát triển hay không, liệu cơ chế tài chính của Trung Quốc có thể kiện toàn hơn và phù hợp hơn với các quy tắc quốc tế hay không.
Một trong những việc đó là phải hoàn thiện hệ thống hỗ trợ chính sách và sắp xếp cơ sở hạ tầng. Trong đó có việc tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho thanh toán xuyên biên giới bằng đồng NDT, hoàn thiện việc xây dựng hệ thống thông tin nhận và thanh toán xuyên biên giới bằng đồng NDT, phát triển hơn nữa tiền kỹ thuật số, công nghệ chuỗi khối và điện toán đám mây, nâng cao tính an toàn, hiệu quả và mức độ phổ biến của hệ thống thanh toán xuyên biên giới bằng đồng NDT.
Cùng với đó là việc nâng cao hơn nữa chức năng định giá và dự trữ đồng NDT. So với lĩnh vực thương mại, mức độ quốc tế hóa của đồng NDT trong lĩnh vực tài chính thấp hơn, điều này đòi hỏi phải cải thiện hơn nữa chức năng định giá và dự trữ của đồng NDT. Phát triển hơn nữa thị trường nước ngoài thanh toán bằng đồng NDT. Phải hoàn thiện cơ chế cung ứng đồng NDT ở thị trường nước ngoài, vừa có thể thông qua con đường thương mại, vừa có thể thông qua những biện pháp khác như thỏa thuận hoán đổi tiền tệ, thỏa thuận đầu tư, đầu tư quỹ tài sản công… Thúc đẩy phát triển và mở cửa thị trường tài chính trong nước. Phải mở rộng quy mô thị trường tài chính trong nước, làm phong phú thêm các loại sản phẩm tài chính, mở rộng kênh đầu tư, nâng cao tính thanh khoản của thị trường tài chính.
Tăng cường phòng ngừa và kiểm soát rủi ro quốc tế hóa đồng NDT. Trong tiến trình quốc tế hóa đồng NDT, tính liên kết giữa thị trường trong nước và quốc tế sẽ tăng lên, dòng vốn ngắn hạn xuyên biên giới cũng cần có tần suất cao hơn, việc làm này đòi hỏi phải kiện toàn khuôn khổ quản lý dòng vốn xuyên biên giới một cách thận trọng, nâng cao năng lực phân tích kiểm tra tính thanh khoản dòng vốn xuyên biên giới, khả năng cảnh báo sớm và khả năng ứng phó với các tác động dòng vốn ngắn hạn, giữ vững giới hạn đỏ là không có rủi ro mang tính hệ thống. Thúc đẩy quốc tế hóa đồng NDT là một công trình có hệ thống, vừa cần nhà nước thiết kế thượng tầng, vừa cần có động lực thị trường.
Trung Quốc và nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ - Báo An ninh thế giới (cand.com.vn)
Ngày đăng: 09:55 | 04/09/2023
Ngọc Lan / CAND