Pháp và Anh sẽ điều tàu chiến tới biển Đông trong khi Mỹ xem xét hành động cứng rắn hơn gần các điểm Trung Quốc lắp đặt cơ sở trái phép

Lầu Năm Góc đang cân nhắc tăng cường tuần tra hàng hải trên biển Đông nhằm thách thức việc Trung Quốc gia tăng quân sự hóa tại đây.

Quyết đoán hơn

"Điều chúng ta đã thấy trong vài tuần qua mới chỉ là khởi đầu, những động thái đáng kể hơn đang được lên kế hoạch" - hãng tin Reuters hôm 3-6 dẫn lời một nhà ngoại giao phương Tây cho biết, trong đó đề cập việc Mỹ lần đầu sử dụng 2 tàu chiến áp sát các đảo bị Trung Quốc chiếm trái phép tại biển Đông trong cuộc tuần tra tự do hàng hải hồi tháng trước.

Theo lời 2 quan chức Mỹ cùng các nhà ngoại giao châu Á và phương Tây, Washington muốn đẩy mạnh hơn các chiến dịch tự do hàng hải gần các căn cứ Trung Quốc xây dựng phi pháp trên biển Đông. Những động thái như vậy có thể bao gồm các cuộc tuần tra dài hơn, sử dụng nhiều tàu hơn hay giám sát gần hơn các cơ sở Trung Quốc xây dựng trái phép trong khu vực (hiện đã được lắp đặt thiết bị gây nhiễu điện tử và radar quân sự tân tiến).

Các nguồn tin ngoại giao cũng khẳng định Mỹ muốn thúc đẩy các đối tác và đồng minh tăng cường triển khai hải quân trên tuyến hàng hải ở biển Đông, dù việc đó không trực tiếp thách thức các cơ sở của Bắc Kinh. Tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã thẳng thừng chỉ trích việc Trung Quốc đặt các hệ thống vũ khí trên đảo nhân tạo phi pháp ở biển Đông là nhằm hăm dọa và ép buộc trong khu vực. Ông chủ Lầu Năm Góc cảnh báo hành động quân sự hóa của Bắc Kinh ở biển Đông sẽ đối mặt với các hậu quả lớn hơn.

trung quoc trong vong vay

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson phát biểu trên tàu HMS Sutherland của Hải quân Hoàng gia Anh neo đậu ở Singapore hôm 3-6 Ảnh: AP

Tín hiệu mạnh

Theo chân Mỹ, cả Anh và Pháp cũng tuyên bố sẽ đưa tàu chiến vào biển Đông trong tuần này. Tuyên bố được bộ trưởng quốc phòng của hai quốc gia vốn là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đưa ra tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm 3-6.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly, một nhóm tàu tác chiến của Pháp cùng trực thăng và tàu chiến Anh sẽ thăm cảng Singapore trong tuần này, sau đó hạm đội di chuyển "đến một số khu vực nhất định" ở biển Đông. Không đề cập trực tiếp Trung Quốc song nữ bộ trưởng tỏ ý hạm đội sẽ đi vào vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi pháp và có khả năng chạm trán với quân đội của họ. Bà Parly khẳng định dù nước này không phải là bên có tranh chấp ở biển Đông nhưng bằng cách tiến hành các chiến dịch tuần tra thường xuyên với các nước bạn và đồng minh, Pháp đang đóng góp vào một trật tự thượng tôn pháp luật. "Tôi tin rằng chúng ta nên mở rộng nỗ lực này" - người đứng đầu Bộ Quốc phòng Pháp nói, đồng thời cho biết châu Âu đang huy động sự ủng hộ rộng rãi đối với hoạt động tuần tra biển Đông, các nhà quan sát của Đức cũng hiện diện trên hạm đội của Anh và Pháp.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết nước này sẽ cử 3 tàu chiến tới biển Đông trong năm nay để gửi các tín hiệu mạnh mẽ nhất tới những nước không tuân thủ luật lệ. Ông nhấn mạnh các nước không tuân thủ luật sẽ phải hứng chịu hậu quả.

Trong một động thái rõ ràng thách thức Trung Quốc, Ấn Độ gần đây có hàng loạt bước đi tích cực tăng cường đối ngoại và an ninh khắp Đông Nam Á. Gần nhất, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 31-5 ký thỏa thuận phát triển một quân cảng mới ở TP Sabang của Indonesia, nhìn ra eo biển Malacca (một trong những tuyến hàng hải đông đúc nhất thế giới). Ông Modi cũng thỏa thuận với Singapore về một cơ sở hậu cần cho tàu chiến, tàu ngầm và máy bay quân sự tới thăm đảo quốc sư tử… Phát biểu tại Đối thoại Shangri-la 2018, Thủ tướng Modi tuyên bố Ấn Độ sẽ làm việc với 11 quốc gia Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN) để quảng bá trật tự dựa theo luật lệ cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Giới phân tích cho rằng sự năng nổ của Ấn Độ giúp trả lời các nỗi lo ngại ở Đông Nam Á về sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

trung quoc trong vong vay

Tòa nhà mới của Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT) ở Đài Bắc Ảnh: THE NEW YORK TIMES

"Cái gai" Đài Loan

Mối quan hệ thất thường giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới có nguy cơ xấu thêm vào ngày 12-6 tới. Lý do không phải đó là ngày dự kiến diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều mà là ngày Washington khánh thành tòa nhà mới của Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT). AIT là cơ quan phi lợi nhuận nhưng hoạt động như Đại sứ quán Mỹ trên thực tế ở Đài Bắc. Đáng chú ý hơn, theo đài CNBC, một quan chức Mỹ cấp cao dự kiến tham dự sự kiện nêu trên có thể là cố vấn an ninh quốc gia John Bolton.

Có quy mô gấp đôi tòa nhà hiện nay, cơ sở trị giá 250 triệu USD tại TP Đài Bắc này tượng trưng cho sự củng cố mối quan hệ Mỹ - Đài Loan. Ngược lại, nó cũng có thể khiến quan hệ Mỹ - Trung Quốc thêm căng thẳng giữa lúc hai bên đang tranh cãi về đủ vấn đề, từ biển Đông đến thương mại. Việc Bắc Kinh phản ứng mạnh đến đâu còn phụ thuộc quan chức Nhà Trắng nào dự lễ khánh thành tòa nhà nói trên.

Chuyên gia Richard Bush của Viện Brookings (Mỹ) nhận định Trung Quốc không chỉ không vui trước quy mô quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh, mà còn phản đối những hành động của Washington cho thấy mối quan hệ giữa họ và Đài Bắc là chính thức. Theo ông Bush, có lẽ Bắc Kinh chỉ muốn Washington đặt một văn phòng thương mại đơn giản ở Đài Bắc như các nước khác. Chuyên gia này nói thêm việc Mỹ cử một quan chức cấp cao đến dự buổi lễ có thể phát đi tín hiệu Washington đang phản đối Trung Quốc có những động thái hạn chế vai trò của Đài Loan trong cộng đồng quốc tế thời gian qua.

Washington cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc năm 1979 do chính sách "Một Trung Quốc" của Bắc Kinh. Dù vậy, cũng trong năm đó, Mỹ đã thành lập AIT để duy trì mối quan hệ với Đài Loan trên cơ sở không chính thức. Theo truyền thông Đài Loan, tòa nhà AIT mới dự kiến là nơi trú đóng của Thủy quân Lục chiến Mỹ nhưng Giám đốc AIT Kin Moy đã bác bỏ trong một cuộc họp báo hồi tháng 5. Ông Moy nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ dành cho Đài Loan gia tăng không có nghĩa là Washington không còn công nhận chính sách "Một Trung Quốc"

trung quoc trong vong vay Trung Quốc và lời nói dối thập kỷ xung quanh chuyện Biển Đông

Trung Quốc lại có chiêu trò mới về “bản đồ mới của nước CHND Trung Hoa”, cho rằng tấm bản đồ này lần đầu tiên ...

trung quoc trong vong vay Cựu nhân viên tình báo Mỹ bị bắt vì làm gián điệp cho Trung Quốc

Cựu sĩ quan Cục Quân báo Mỹ (DIA) vừa bị bắt hôm cuối tuần với cáo buộc nhận "hàng trăm nghìn USD" để làm gián ...

THU HẰNG

Ngày đăng: 09:08 | 05/06/2018

/ http://nld.com.vn