Hôm 9-12, Trung Quốc đã triệu tập Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Terry Branstad để phản đối vụ Canada bắt giữ Giám đốc tài chính tập đoàn Huawei, bà Meng Wanzhou, theo yêu cầu của Washington.
Hãng tin Tân Hoa Xã cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Le Yucheng "bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ" với ông Terry liên quan đến vụ nhà chức trách Canada bắt giữ bà Meng. Giám đốc tài chính tập đoàn Huawei bị tình nghi vi phạm lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ nhằm vào Iran. Bà Meng bị bắt giữ tại Vancouver – Canada hôm 1-12.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Le Yucheng mô tả vụ bắt giữ giám đốc tài chính tập đoàn Huawei là "cực kỳ nghiêm trọng", đồng thời yêu cầu Mỹ "gỡ bỏ lệnh bắt và sửa chữa các hành động sai trái của mình ngay lập tức". Quan chức này nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ thực hiện các bước tiếp theo dựa trên phản ứng của Washington.
Trước đó, hôm 8-12, Trung Quốc cũng triệu tập Đại sứ Canada John McCallum để đưa ra phản đối tương tự.
Chính quyền tỉnh British Columbia - Canada thông báo họ đã hủy bỏ một chuyến thăm vì mục đích thương mại tới Trung Quốc trong bối cảnh Ottawa lo ngại Bắc Kinh trả đũa.
Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Terry Branstad. Ảnh: AP
Theo AP, vụ bắt giữ bà Meng có thể làm gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng như đã làm rung chuyển thị trường chứng khoán toàn cầu hồi tuần trước. Tuy nhiên, đại diện các vấn đề thương mại của Mỹ Robert Lighthizer tuyên bố trên đài CBS News rằng vụ bắt giữ bà Meng "không thực sự gây ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán thương mại giữa Bắc Kinh và Washington".
Trong khi đó, cựu cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhận định áp lực của Bắc Kinh lên Ottawa sẽ không hiệu quả.
"Tòa án có thể (ra quyết định) độc lập ở một quốc gia thượng tôn pháp luật. Không có lý do gì để gây áp lực lên chính phủ Canada. Các thẩm phán sẽ quyết định" – cựu quan chức này bình luận.
Tại phiên tòa hôm 7-12, công tố viên người Canada John Gibb-Carsley cho biết lệnh bắt giữ bà Meng được ban hành ở New York – Mỹ vào ngày 22-8. Ông Gibb-Carsley nói rằng bà Meng bị bắt trên đường từ Hồng Kông đến Mexico và cáo buộc Huawei đã kinh doanh tại Iran thông qua một công ty Hồng Kông có tên là Skycom.
Trong khi thúc giục tòa án từ chối yêu cầu bảo lãnh của bé Meng, ông Gibb-Carsley cho hay người phụ nữ phải đối mặt với án tù 30 năm tại Mỹ.
Về phía Huawei, tập đoàn cho biết họ có niềm tin rằng hệ thống pháp lý của Canada và Mỹ sẽ đưa ra kết luận đúng đắn. Phiên tòa dự kiến tiếp tục vào ngày 10-12 (giờ địa phương).
Phạm Nghĩa (Theo AP)
Ngày đăng: 19:35 | 10/12/2018
/ https://nld.com.vn