Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, Mỹ và các quốc gia phương Tây khác đang phá vỡ sự ổn định khu vực ở Biển Đông.
Trong cuộc họp báo thường niên kéo dài hơn 90 phút hôm 7/3, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị liên tục cảnh báo Mỹ can thiệp vào công việc đối nội của nước này, mặc dù ông vẫn kêu gọi đối thoại và hợp tác.
"Các quốc gia trong khu vực và trên thế giới trong những năm gần đây đều có thể thấy, các yếu tố gây mất ổn định và rủi ro an ninh ở Biển Đông chủ yếu đến từ bên ngoài khu vực", The Straits Times dẫn lời ông Vương Nghị tại buổi họp báo.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. (Ảnh: AP) |
Theo Ngoại trưởng Vương Nghị, Trung Quốc và ASEAN đã đạt được hiểu biết chung về duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, nhưng "Mỹ và một số nước phương Tây khác muốn thấy sự bất ổn trong khu vực". Ông Vương Nghị cho rằng, Mỹ và phương Tây đã sử dụng nguyên tắc tự do hàng hải để "khuấy động tình hình" và tạo ra sự chia rẽ giữa các quốc gia ở Biển Đông.
Mỹ và các đồng minh như Australia và Anh đã thường xuyên tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ phi lý của Trung Quốc ở vùng biển này.
Động thái quyết đoán, ngang ngược của Bắc Kinh trên Biển Đông vấp phải chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Kể từ tháng 12/2019, loạt quốc gia như Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Đức và Anh đã đệ trình công hàm lên Liên hợp quốc bác bỏ các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bên cạnh đó, tại buổi họp báo, Ngoại trưởng Trung Quốc cũng hối thúc các nước ASEAN “thúc đẩy các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) trong nhằm xây dựng sự đồng thuận, tăng cường tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác và duy trì ổn định chung ở Biển Đông".
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng điều này sẽ khó có thể xảy ra sớm, vì các cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử giữa Trung Quốc và các nước ASEAN đang bế tắc - một phần do đại dịch. Tiến sĩ Collin Koh đến từ trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore (RSIS) nhận định, tiến trình COC chậm trễ trong năm 2020 có lý do khách quan là do đại dịch COVID-19 khiến việc đàm phán trực tiếp không thể thực hiện.
Trong khi đó, Phó giáo sư Li Mingjiang từ RSIS cho rằng, Bắc Kinh sẽ đặc biệt cảnh giác về chuyển biến mới trong chính sách của Washington nhằm lôi kéo, thu hút các quốc gia ASEAN. "Đây là điều mà Trung Quốc sẽ theo dõi rất chặt chẽ - chính sách mới của Washington đối với Đông Nam Á và cách họ gắn kết với khu vực”, ông Li Mingjiang nhấn mạnh.
KÔNG ANH (Nguồn: Straits Times)
Trung Quốc nêu điều kiện hợp tác với Mỹ |
30.000 nạn nhân bị tấn công mạng, Mỹ nghi liên quan đến Trung Quốc |
40 người Trung Quốc bị phát hiện ở Sài Gòn thế nào |
Ngày đăng: 08:25 | 08/03/2021
/ vtc.vn