Theo Ủy ban về Đánh cắp Tài sản Trí tuệ Mỹ, hành vi đánh cắp và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ khiến giới doanh nghiệp Mỹ mất 600 tỉ USD/năm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong ảnh chụp ngày 7/4. Ảnh: REUTERS |
Theo tờ Financial Times, hiện nay, hệ thống cấp bằng sáng chế và tài năng Mỹ đang bị tấn công nghiêm trọng. Con số 600 tỉ USD bằng hơn 3% GDP Mỹ. Trung Quốc là thủ phạm chính của các hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ và gián điệp khi 87% số hàng giả bị phát hiện ở biên giới đến từ nước này.
Song thống kê gây sốc trên không thể hiện mối nguy hiểm lớn hơn trong cách mà các doanh nghiệp và chính quyền Trung Quốc ứng xử với tài sản trí tuệ của Mỹ. Đại lục công bố kế hoạch “Made in China 2025” để chi phối việc sản xuất chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, các loại phương tiện tự lái, công nghệ sinh học và nhiều ngành công nghệ cao khác có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau năm 2025. Mỹ, nước có tính đổi mới nhất thế giới, đang đứng rất vững chắc trên con đường của Trung Quốc.
Song thay vì xây dựng một nền kinh tế thị trường tự do cạnh tranh toàn cầu, Trung Quốc đã chọn cách buộc các doanh nghiệp Mỹ muốn hoạt động ở nước này chuyển giao công nghệ độc quyền và sở hữu trí tuệ.
Trung Quốc thực hiện điều này bằng cách đặt yêu cầu liên doanh với các doanh nghiệp nước nhà là điều kiện tiên quyết để công ty ngoại tiếp cận thị trường. Họ cũng thực hiện điều này bằng cách hạn chế quyền sở hữu của Mỹ trong công ty Trung Quốc ở mức bằng hoặc dưới 50% và trong một số trường hợp, yêu cầu chuyển giao công nghệ như một phần của hợp đồng bán sản phẩm.
Trong bốn năm qua, các công ty sản xuất chip lớn nhất Mỹ đã bước vào một mạng lưới quan hệ đối tác \'không giống ai\' mà họ chưa từng trải qua ở bất cứ thị thường nào khác ngoài Trung Quốc. Chính phủ Đại lục và doanh nghiệp Trung Quốc cũng theo đuổi chiến lược đầu tư. Theo đó, họ xác định những hãng khởi nghiệp Mỹ có bước đột phá khoa học và đổ tiền vào đó với những điều khoản có lợi hơn so với mức trung bình của thị trường. Mục tiêu chính của các khoản đầu tư này không phải là lợi nhuận mà là việc nắm bắt công nghệ mới, những gì Đại lục sẽ dùng cho các mục đích khác.
Thông qua các khoản đầu tư trên, doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận được với công nghệ đột phá có thể giúp đem về hàng tỉ USD doanh thu trong tương lai mà không phải trả thêm tiền. Khoản chi trước vài triệu USD là rất quan trọng với dàn start-up công nghệ cao của Mỹ, song chẳng đáng bao nếu so với các mục tiêu đứng đầu công nghệ dài hạn của Trung Quốc vốn sẽ làm tiêu tốn hàng tỉ USD.
Người Trung Quốc tích cực tìm kiếm doanh nghiệp Mỹ đi đầu trong công nghệ mà họ thiếu. Sau đó, họ cẩn thận đặt mục tiêu ở những doanh nghiệp này để thâu tóm chuyên môn. Trong khi đó, các hãng đang tìm cách tiếp cận thị trường Trung Quốc hoặc vốn Trung Quốc thì chịu áp lực đánh đổi bằng sáng chế, nghiên cứu tiên tiến nhất và bí quyết kinh doanh.
Cuộc tấn công vào sở hữu trí tuệ Mỹ không dừng ở đó, nó còn diễn ra ở tòa án Đại lục, nơi những luật sư Trung Quốc nỗ lực khởi xướng hành vi chống độc quyền, cho rằng việc cấp bằng sáng chế hỗ trợ hành vi độc quyền bất hợp pháp.
Hôm 14/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện một lời cam kết trong chiến dịch tranh cử là xem xét tất cả công cụ thích hợp nhắm đến nhiều hoạt động thương mại của Trung Quốc có thể gây tổn hại cho lợi ích kinh tế Mỹ. Ông là tổng thống Mỹ đầu tiên thực hiện những bước đi có ý nghĩa trong việc giải quyết vấn đề cực kỳ quan trọng này.
Theo tờ Financial Times, động thái của ông Trump là chiến lược cần thiết để bảo vệ nền tảng của sự đổi mới vốn giúp Mỹ tăng năng suất và bảo vệ an ninh quốc gia trong nhiều thập niên.
Trung Quốc cảnh báo \'chiến tranh thương mại\' với Mỹ
Trung Quốc cảnh báo sẽ có "chiến tranh thương mại" với Mỹ và không ai chiến thắng nếu Washington điều tra hoạt động sở hữu ... |
Mỹ: Cuộc điều tra nhằm vào Trung Quốc có thể dẫn tới trừng phạt
Theo giới chức Mỹ, cuộc điều tra nhằm vào các cáo buộc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ có thể ... |
Ngày đăng: 16:01 | 16/08/2017
/ Thu Thảo/Thanh Niên