Trung Quốc thần tốc xây bệnh viện dã chiến thế nào?
Khi nói cần chưa đến hai tuần để xây hai bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán nhằm đối phó virus corona, Trung Quốc đã không phóng đại.
Bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn được thi công trong 10 ngày, từ 23/1 đến 2/2, diện tích 25.000 m2 với 1.000 giường bệnh. Sau đó, bệnh viện dã chiến Lôi Thần Sơn được thi công trong 12 ngày, từ 25/1 đến 6/2, diện tích 30.000 m2, với 1.500 giường bệnh. Các bệnh viện mới giúp giảm sức ép cho Vũ Hán khi số lượng bệnh nhân ngày càng tăng. Dịch viêm phổi do chủng virus corona mới (nCoV) đã khiến 910 người tử vong, hơn 40.000 người nhiễm bệnh.
Bệnh viện Hỏa Thần Sơn được xây dựng ngày 1/2. Ảnh: Xinhua.
Công nhân nhập cư và nhà cung cấp vật liệu trên toàn quốc được huy động để gấp rút xây dựng bệnh viện. Các biện pháp phòng ngừa an toàn được thực hiện tại nơi thi công, bao gồm kiểm tra thân nhiệt để phát hiện người nhiễn nCoV.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV mở các buổi phát trực tiếp để công chúng có thể xem công tác thi công theo thời gian thực. Khán giả trở thành những "giám sát viên" và họ đặt cho những chiếc máy xúc, máy trộn bê tông những biệt danh như "tiểu lam, tiểu hồng", dựa theo màu sắc của chúng. Ngày 28/1, chương trình phát trực tiếp đã thu hút 18 triệu lượt xem.
Giới chức Vũ Hán học hỏi bản thiết kế bệnh viện Tiểu Sương Sơn, cơ sở 1.000 giường ở ngoại ô Bắc Kinh được xây trong một tuần để đối phó dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) năm 2003. Bệnh viện này tiếp nhận 1/7 lượng bệnh nhân bị nhiễm virus trong hai tháng và không có nhân viên y tế nào bị lây nhiễm chéo, truyền thông nhà nước Trung Quốc ca ngợi đây là "phép màu y tế".
Tuy nhiên, một nguồn tin của CNN cho biết họ phải thiết kế lại toàn bộ chứ không thể sử dụng trực tiếp bản vẽ Tiểu Sương Sơn vì điều kiện địa hình và thiết kế hoàn toàn khác nhau.
Phương pháp "tiền chế" là bí quyết khiến bệnh viện được xây dựng nhanh chóng: các khối đúc sẵn được lắp ghép lại với nhau thay vì xây dựng theo cách thông thường. "Kỹ thuật xây dựng này hoàn toàn an toàn", Thorsten Helbig, đồng sáng lập công ty kỹ thuật Đức Knpers Helbig, nói. "Nó đã được sử dụng trong các tình huống khẩn cấp ở các nơi khác trên thế giới. Bộ Quốc phòng Mỹ có thể nhanh chóng dựng bệnh viện dã chiến để chẩn đoán và điều trị khẩn cấp ở hầu hết mọi nơi".
Tốc độ thi công nhanh một phần là do khả năng huy động nguồn lực của Trung Quốc. Khoảng 7.000 lao động với hơn 1.000 máy móc và phương tiện đã xây dựng bệnh viện Hỏa Thần Sơn. "Trung Quốc có kinh nghiệm thi công nhanh chóng, ngay cả đối với các dự án lớn như thế này", Yanzhong Huang, chuyên gia từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, Mỹ, nói.
Trung Quốc ra lệnh huy động "từ cấp cao xuống. Họ có thể đẩy nhanh bộ máy quan liêu, vượt qua hạn chế tài chính để huy động tất cả nguồn lực", ông nói. "Công việc kỹ thuật là những gì Trung Quốc giỏi. Họ có kinh nghiệm xây dựng các tòa nhà chọc trời nhanh chóng. Người phương Tây khó tưởng tượng được việc này nhưng nó khả thi".
"Lịch trình rất gấp. Một bệnh viện có quy mô như thế này thường mất ít nhất một tháng để xây dựng, nhưng chúng tôi chỉ mất 10 ngày", Shen Kai, quản lý thi công của Cục Xây dựng Trung Kiến 3, đơn vị xây bệnh viện Hỏa Thần Sơn cho biết. "Các công nhân của chúng tôi làm hai ca và đội ngũ thiết kế thậm chí chỉ ngủ hai giờ mỗi ngày. Nhiều người thức trắng đêm làm việc".
Bệnh viện chủ yếu được sử dụng để điều trị bệnh nhân được xác nhận nhiễm nCoV. Chúng bao gồm khu chăm sóc đặc biệt và khu phòng bệnh thường. Ngoài ra, bệnh viện còn có khu phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm, kiểm tra và chẩn đoán.
Các phòng trong bệnh viện được nâng cao 30 cm so với mặt đất. Mỗi phòng được trang bị hai giường, có một phòng vệ sinh riêng và hầu hết phòng có hệ thống áp suất âm, tức áp suất không khí trong phòng bệnh thấp hơn bên ngoài để không khí trong lành có thể tràn vào theo một chiều, ngăn các vi sinh vật trong không khí lan ra khỏi phòng.
Mỗi phòng bệnh còn có một ngăn kim loại có cửa ở mỗi bên để nhân viên giao thức ăn cho bệnh nhân. Cửa không thể mở đồng thời từ hai phía. Khi một cửa đóng, hệ thống khử trùng bằng tia cực tím kích hoạt. Cửa đối diện chỉ có thể mở sau khi khử trùng.
Tổng cộng 1.400 y bác sĩ quân y được giao nhiệm vụ điều trị bệnh nhân tại Hỏa Thần Sơn, trong đó 950 người từ các bệnh viện trực thuộc Lực lượng Hỗ trợ Hậu cần Quân đội, 450 người từ các trường đại học y của lục quân, hải quân và không quân.
Hiện chưa rõ chi phí xây dựng hai bệnh viện. Joan Kaufman, giảng viên tại trường y của Đại học Harvard, cho biết trong khủng hoảng SARS, địa phương là bên chi trả nhưng họ nhận được nhiều trợ cấp từ nhà nước, từ lương nhân viên cho đến chi phí xây dựng. "Tôi cho rằng chính quyền Vũ Hán sẽ không phải chịu gánh nặng vì đây là vấn đề được ưu tiên cao", Kaufman nói thêm.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng bệnh viện này không có giá trị sử dụng lâu dài. "Tôi sẽ không gọi cơ sở ở Vũ Hán là bệnh viện lâu bền và chắc chắn đây không phải là một cơ sở cung cấp dịch vụ đầy đủ", Scott Rawlings, từ công ty kiến trúc và kỹ thuật toàn cầu HOK nói. "Khi chúng tôi thiết kế cơ sở kiên cố, chúng tôi xem xét việc sử dụng và khả năng thích ứng của tòa nhà trong 75 năm tới, Trung Quốc không có thời gian để làm việc đó khi thiết kế bệnh viện mới ở Vũ Hán".
Khó có thể chuyển đổi cơ sở chuyên biệt như hai bệnh viện này cho mục đích sử dụng khác. Bệnh viện có thể trở nên vô dụng khi khủng hoảng đã qua đi, chung số phận với Tiểu Sương Sơn ở Bắc Kinh. Sau dịch SARS, Tiểu Sương Sơn đã "lặng lẽ bị bỏ hoang", Pan nói.
Người dân địa phương còn lo lắng bệnh viện có thể biến thành ổ dịch ảnh hưởng đến sự an toàn của cư dân xung quanh mặc dù truyền thông nhà nước khẳng định bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải và chất thải tốt. Sự thiếu minh bạch của chính quyền địa phương trong phản ứng ban đầu trước dịch đã khiến nhiều người dân mất niềm tin.
Chan Wai-keung, giảng viên khoa học xã hội của Đại học Bách khoa Hong Kong, cho rằng việc Vũ Hán xây hai bệnh viện dã chiến chống dịch viêm phổi là quá muộn màng và bày tỏ nghi ngờ về chất lượng. "Xây dựng bệnh viện dã chiến kiểu Tiểu Sương Sơn giờ đã quá muộn màng, song vẫn hơn là không làm gì. Các viện chuyên về bệnh truyền nhiễm nên được xây ở nhiều nơi tại Trung Quốc trước khi có dịch xảy ra nhằm có thể ngay lập tức hoạt động và ngăn virus lây lan khi cần".
Chuyên gia Chan lo ngại trang thiết bị tại các bệnh viện dã chiến có thể không đạt tiêu chuẩn do "chúng được chế tạo quá nhanh" nhằm đáp ứng tốc độ xây dựng. Ông cũng cho rằng với số lượng bệnh nhân nhiễm nCoV gia tăng theo cấp số nhân, các bệnh viện này sẽ sớm quá tải.
Hiện chưa thể xác định được mức độ hiệu quả của các bệnh viện mới. Tuy nhiên, nhà bình luận Jasmine Chia viết trên Diplomat rằng chúng đã có hiệu quả về mặt truyền thông khi khiến thế giới trầm trồ về khả năng xây dựng nhanh chóng của Trung Quốc. Trên trang Facebook tiếng Thái của Xinhua, buổi phát trực tiếp quá trình thi công thu hút 16.000 lượt chia sẻ và 19.000 phản ứng.
Chia nhận định chính quyền Trung Quốc rất cần màn phô diễn năng lực này, khi nCoV đang gây thiệt hại cho nền kinh tế Trung Quốc và số ca lây nhiễm chưa có dấu hiệu chững lại.
"Bằng cách phô diễn quá trình xây bệnh viện, Trung Quốc đang cố gắng gửi một thông điệp rằng họ đang hành động nhanh chóng và kiểm soát được tình hình", Chia viết. "Tuy nhiên, số người chết vẫn tiếp tục tăng và thế giới tiếp tục theo dõi trong sợ hãi".