Lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố nước này sẽ không xây dựng các dự án nhiệt điện mới ở nước ngoài, nhằm góp phần chống biến đổi khí hậu.
Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngày 21-9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết: "Trung Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển khác trong việc phát triển năng lượng xanh và carbon thấp, và sẽ không xây dựng các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài".
Ông cũng tuyên bố sẽ đẩy nhanh các nỗ lực để Trung Quốc, đất nước phát thải lớn nhất thế giới, trở thành nước phát thải trung bình vào năm 2060. "Điều này đòi hỏi nỗ lực làm việc và chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để đạt được những mục tiêu này", lãnh đạo Trung Quốc cho hay.
Trung Quốc đang chịu sức ép ngoại giao trong việc ngừng đổ vốn vào các dự án nhiệt điện than ở nước ngoài, nhằm đảm bảo những cam kết của Bắc Kinh trong việc giảm lượng khí thải carbon, đáp ứng các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Ông Tập đưa ra tuyên bố trên sau những động thái tương tự của Hàn Quốc và Nhật Bản hồi đầu năm nay, và Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry cũng kêu gọi Trung Quốc làm theo các lãnh đạo của các đối tác châu Á.
Đặc phái viên Kerry đã hoan nghênh tuyên bố của ông Tập, gọi đó là một "đóng góp to lớn".
"Chúng tôi đã nói chuyện với Trung Quốc một thời gian dài về vấn đề này. Tôi thực sự vui mừng khi nghe Chủ tịch Tập đã có quyết định quan trọng này", ông Kerry nói thêm.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden có bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ.
Trong bài phát biểu, ông Tập không đề cập trực tiếp đến sự cạnh tranh gay gắt thường xuyên của Trung Quốc với Mỹ.
Ông Tập cũng đã lặp lại các cam kết từ năm ngoái rằng Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu cắt giảm khí thải CO2 ở mức cao nhất vào năm 2030 và đạt trung hòa carbon trước năm 2060.
Trung Quốc vẫn đầu tư vào than đá, khi là nhà tài trợ lớn nhất cho các dự án than ở những nước đang phát triển như Indonesia, Bangladesh, cùng với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong Sáng kiến Vành đai - Con đường.
Phong trào chống biến đổi khí hậu 350.org đánh giá cao tuyên bố của ông Tập, cho rằng nó sẽ "thay đổi cuộc chơi thực sự" tùy vào thời điểm có hiệu lực. Helen Mountford, phó chủ tịch các vấn đề khí hậu và kinh tế tại Viện Tài nguyên Thế giới, gọi đây là "bước ngoặt lịch sử với nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất thế giới".
"Cam kết của Trung Quốc cho thấy nguồn tài chính công quốc tế dành cho than đá đang bị cắt dần", bà nói, nhưng lưu ý các nhà đầu tư tư nhân cần đưa ra cam kết tương tự.
Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi đầu tháng, đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry cho hay việc xây dựng thêm nhiều nhà máy than "thể hiện thách thức đáng kể với nỗ lực đối phó khủng hoảng khí hậu của thế giới". Trung Quốc đã đưa nhà máy nhiệt điện mới công suất 38,4 gigawatt vào hoạt động năm ngoái.
PV (th)
Ngày đăng: 00:00 | 22/09/2021
/ Nghề nghiệp và cuộc sống