Nếu Trung Quốc mong mỏi quan hệ với Mỹ được thiết lập lại nếu ông Biden thắng cử, họ không nên kỳ vọng quá nhiều.
Ít ai có thể ngờ quan hệ Mỹ-Trung vốn tương đối ổn định trong nửa thế kỷ trở nên bấp bênh chỉ trong 4 năm.
Khi Tổng thống Trump tới Tử Cấm Thành vào tháng 11/2017, mọi thứ dường như vẫn êm đềm. Nhưng chỉ vài tháng sau đó, ông khơi mào cho cuộc chiến thương mại kéo dài cho tới hiện nay.
Sự thay đổi trong chính sách Trung Quốc của Mỹ là một trong những di sản chính của chính sách đối ngoại của chính quyền Trump.
"Washington không thay đổi Donald Trump, Donald Trump đã thay đổi Washington", ái nữ nhà Trump - Ivanka Trump nói.
Từ đối tác chiến lược tới đối thủ cạnh tranh
Mặc dù sự trỗi dậy của Trung Quốc từng là mối lo ngại của chính quyền Bush và Obama, chính quyền Trump đã biến toàn bộ câu chuyện về Trung Quốc từ đối tác chiến lược thành "đối thủ cạnh tranh". Bắt đầu từ báo cáo Chiến lược Quốc phòng Quốc gia được công bố chỉ 1 tháng sau chuyến công du tới Trung Quốc của ông Trump.
"Trung Quốc và Nga muốn định hình một thế giới đối lập với các giá trị và lợi ích của Mỹ. Trung Quốc đang tìm cách thay thế Mỹ ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, mở rộng phạm vi hoạt động của mô hình kinh tế do nhà nước quản lý và sắp xếp lại khu vực có lợi cho mình", báo cáo có đoạn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters) |
Trước Tổng thống Trump, Mỹ tìm cách khuyến khích Trung Quốc trở thành 1 bên liên quan có trách nhiệm đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Nhưng chính quyền Trump tin rằng Trung Quốc đã khai thác thái độ thiện chí của Mỹ để đẩy mạnh chiến dịch dài hạn của nước này nhằm khẳng định sức mạnh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ông Trump và cấp dưới nhất trí rằng Trung Quốc theo đuổi chính sách "kinh tế ăn cắp" trong thương mại và công nghệ, ép buộc các quốc gia nhỏ hơn và tăng cường hiện đại hóa quân đội trong khu vực.
Bằng hàng loạt các động thái mạnh tay, nhà lãnh đạo Mỹ tin ông có thể giảm thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ với Trung Quốc thông qua 1 thỏa thuận thương mại. Ông cũng coi nó như viên đạn bạc cho nền kinh tế cũng như triển vọng tái đắc cử của mình.
Theo tiến sĩ Hui Feng, nhà nghiên cứu của Viện châu Á Griffith, chính sách về Trung Quốc của ông Trump bị sa lầy bởi các cạnh tranh lợi ích trong nội các của ông.
Theo cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton, đội ngũ của ông Trump bị chia rẽ nghiêm trọng trong việc xử lý cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc cũng như các chính sách lớn hơn với Bắc Kinh.
Những người như Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin hay con rể của ông Trump - Jared Kushner có quan điểm khá ôn hòa. Trong khi nhiều người khác theo đuổi quan điểm hết sức cứng rắn như Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Phó Tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo.
Khi ông Trump ngày càng thất vọng với việc Trung Quốc không chịu xuống nước để đạt được thỏa thuận thương mại vào giữa năm 2019 và mới đây nhất là đại dịch COVID-19, phe diều hâu với Bắc Kinh giành được ưu thế.
Mặc dù điều này dẫn tới một cách tiếp cận chặt chẽ hơn để giải quyết các thách thức chiến lược do Trung Quốc đặt ra, nhưng kết quả là căng thẳng giữa 2 nước ngày càng gia tăng.
"Chính quyền Biden" vẫn sẽ cứng rắn với Trung Quốc
Thời gian vừa qua đánh dấu mức thấp nhất trong quan hệ giữa 2 nước với những hành động ăn miếng trả miếng trên hàng loạt các mặt trận. Từ hàng loạt lệnh trừng phạt của Mỹ với các công ty công nghệ Trung Quốc, đóng cửa các đại sứ quán, hạn chế thị thực với nhà báo, sinh viên học giả của nhau tới các chỉ trích gay gắt của Washington về các động thái của Bắc Kinh ở Biển Đông, Hong Kong, Đài Loan.
Bắc Kinh đã sai lầm trong việc đối phó với một người khó đoán như Trump. Họ cho rằng một người thiếu hụt kinh nghiệm chính trị như ông Trump sẽ dễ đối phó như những người tiền nhiệm.
Ông Joe Biden bắt tay Chủ tịch Tập Cận Bình tại Trung Quốc hồi năm 2013. (Ảnh: AP) |
Theo ông Hui, ông Trump có thể đã không thành công trong việc thay đổi hoàn toàn Washington, nhưng chính quyền của ông ít nhất đã thay đổi quan điểm công khai và chiến lược về Trung Quốc trong giới tinh hoa Mỹ.
Việc cứng rắn với Trung Quốc trở thành vấn đề hiếm hoi là lưỡng đảng Mỹ có được tiếng nói chung.
Ông Hui tin rằng, ngay cả khi ông Trump có thua trong cuộc bầu cử tới đây, "chính quyền Biden" cũng vẫn sẽ tiếp tục duy trì chính sách cứng rắn với Trung Quốc.
Cương lĩnh của Đảng Dân chủ công bố cách đây vài tháng cũng tràn ngập những lời chỉ trích gay gắt với Bắc Kinh.
Ông Biden từng khẳng định: "Nếu Trung Quốc đi tiếp con đường đang đi, họ sẽ tiếp tục cướp công nghệ và tài sản trí tuệ của Mỹ và công ty Mỹ".
Tuy nhiên, ứng viên đảng Dân chủ gợi mở rằng ông sẽ dỡ bỏ thuế quan để đảm bảo một thỏa thuận thương mại công bằng hơn. Ông bày tỏ mong muốn xây dựng mặt trận thống nhất với các đồng minh và đối tác Mỹ để đối đầu với các hành vi ngang ngược của Trung Quốc.
Vì vậy, ông Hui cho rằng Bắc Kinh không nên hy vọng quá nhiều vào khả năng "chính quyền Biden" sẽ dễ đối phó hơn chính quyền đương nhiệm.
"Ông Trump đã thay đổi mạnh mẽ quan hệ Mỹ-Trung. Điều này sẽ không dễ dàng đảo ngược", ông Hu nhận định.
Trung Quốc muốn làm mờ nhạt thế thượng phong của Mỹ chứ không muốn thay thế Mỹ? |
Biden khó lay chuyển "di sản Trung Quốc" của Trump |
Ngày đăng: 22:04 | 22/10/2020
/ vtc.vn