Những diễn biến mới nhất ở Biển Đông cho thấy, bất chấp dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) đang diễn biến phức tạp, Trung Quốc vẫn đẩy mạnh các hoạt động gây hấn và quân sự hóa Biển Đông, cho dù các hành động này vi phạm luật pháp quốc tế và các thỏa thuận mà Bắc Kinh cam kết.
Một cuộc tập trận của Hải quân Trung Quốc ở Biển Đông
Liên tục gây hấn, ngang nhiên quân sự hóa Biển Đông
Cuối tháng 3-2020, Trung Quốc gửi công hàm lên Liên hợp quốc khẳng định nước này “có chủ quyền với Tứ Sa gồm bốn nhóm đảo Đông Sa, Trung Sa, Tây Sa (tức Hoàng Sa) và Nam Sa (tức Trường Sa) và vùng biển gần kề”, “có quyền chủ quyền và quyền tài phán với các vùng biển liên quan, với đáy biển và lòng đất”. Bắc Kinh cũng cho rằng mình “có quyền lịch sử” ở Biển Đông, dựa trên “bằng chứng lịch sử và pháp lý”, cho dù điều này không được ai chấp nhận.
Đầu tháng 4-2020, Trung Quốc cho tàu cảnh sát biển đâm chìm tàu cá Việt Nam và bắt giữ 8 người trên tàu. Giữa tháng 4-2020, Trung Quốc tuyên bố thành lập hai đơn vị hành chính trên vùng biển Nam Trung Hoa, một trên quần đảo Trường Sa và một trên quần đảo Hoàng Sa. Tiếp đó, Trung Quốc tự tiện đặt tên cho 25 đảo, rạn san hô và đá ngầm, gồm cả đảo nhân tạo mà họ xây dựng, và 55 cấu trúc địa hình khác dưới Biển Đông.
Cũng trong thời gian này, Trung Quốc sử dụng các tàu chiến của quân đội cũng như lực lượng cảnh sát biển để gây sức ép đối với các quốc gia trong khu vực. Họ công khai treo cờ Trung Quốc ở các vùng biển mà Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia tuyên bố chủ quyền. Các tàu cá Trung Quốc còn ngang nhiên đánh bắt cá trái phép gần quần đảo Natuna ở cực Nam Biển Đông, thuộc về Indonesia và cách lãnh thổ Trung Quốc hàng nghìn km.
Để bảo đảm hậu cần cho các hoạt động gây rối này, Trung Quốc dựa vào hệ thống các đảo đá mà nước này tôn tạo cũng như quân sự hóa trái phép trên Biển Đông. Mùa thu 2016, trong cuộc họp báo chung ở Nhà Trắng với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa sẽ không quân sự hóa các đảo ở Biển Đông. Vào thời điểm đó, ngôn từ của ông Tập Cận Bình về Biển Đông đầy tính hòa nhã, mang tính trấn an và xây dựng.
Ấy vậy nhưng sau khi tôn tạo ồ ạt các đảo đá chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa các đảo này. Các bức ảnh vệ tinh cho thấy cho đến nay, Trung Quốc đã hoàn thiện nhiều hạ tầng với đường băng, nhà chứa máy bay, lắp đặt hệ thống radar, triển khai nhiều loại tên lửa ở các bãi đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn. Sau đó, Bắc Kinh điều động nhiều loại máy bay tiêm kích, máy bay trinh sát, máy bay vận tải đến khu vực này. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở quần đảo Hoàng Sa, đặc biệt là ở đảo Phú Lâm.
Chính những đảo đá nhân tạo này nay trở thành bàn đạp để Trung Quốc tiến hành các hoạt động quấy rối trong vùng biển các nước khác trong khu vực. Các tàu Trung Quốc từng cản trở hoạt động của các tàu thăm dò khai thác dầu khí của Việt Nam và Malaysia trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước này.
Bổn cũ soạn lại với yêu sách “Tứ Sa”
Mặc dù tỏ ra ngang ngược trong các tuyên bố và hành động động trên thực địa nhưng Trung Quốc lại hoàn toàn đuối lý trong các lập luận giải thích yêu sách chủ quyền của mình. Từ tháng 12-2019 đến nay, Trung Quốc bắt đầu nhắc đến rộng rãi khái niệm “Tứ Sa” trong các công hàm mà nước này gửi lên Liên hợp quốc, đồng thời coi đây là cơ sở để giải thích cho các hành động của mình ở Biển Đông trong thời gian gần đây.
Trên cơ sở “Tứ Sa”, Trung Quốc tuyên bố các nhóm đảo nêu trong khái niệm này phải có vùng nước nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Thậm chí Trung Quốc còn đưa ra khái niệm “các quyền lịch sử” tại Biển Đông, khẳng định chủ quyền của Trung Quốc với “Tứ Sa” cùng các quyền và lợi ích biển của chúng đã được thiết lập trong quá trình thực tiễn lịch sử lâu dài và nhất quán với luật quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982...
Tuy nhiên, không khó khăn gì để có thể thấy yêu sách “Tứ Sa” thực chất chỉ là bổn cũ soạn lại. Nó cũng mù mờ không kém gì “đường lưỡi bò” 9 đoạn trước đây. Việc đưa ra yêu sách lãnh hải lịch sử và vùng đặc quyền kinh tế cho Tứ Sa một lần nữa thể hiện sự đánh tráo các khái niệm của UNCLOS về quần đảo, đường cơ sở quần đảo, đường cơ sở thẳng, lãnh hải, danh nghĩa lịch sử, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa.
Đây là chiến thuật Trung Quốc sử dụng nhằm tạo ra “vỏ bọc” tuân thủ UNCLOS nhưng thực chất là tìm cách hợp pháp hóa yêu sách phi pháp “đường lưỡi bò” vốn đã bị Tòa trọng tài bác bỏ trong vụ kiện của Philippines với Trung Quốc năm 2016. Với cách giải thích cực đoan về các vùng biển từ đường cơ sở quần đảo vẽ cho Tứ Sa, Trung Quốc muốn mở rộng quyền lực ra cả các vùng nước bên ngoài “đường lưỡi bò”.
Mục đích của Trung Quốc là biến vùng không tranh chấp thành tranh chấp; cố tình tạo quan điểm mù mờ, không giải thích nhằm kích động đối phương; tạo vấn đề mới, tạo cơ sở pháp lý cho việc hiện thực hóa sự hiện diện và thiết lập hai khu vực hành chính mới trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Các hành động này đều trái với Hiến chương Liên hợp quốc và UNCLOS.
Mỹ chỉ trích Trung Quốc quân sự hoá Biển Đông, leo thang căng thẳng với Ấn Độ
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chỉ trích Trung Quốc leo thang căng thẳng biên giới với Ấn Độ cũng như lên án hàng loạt hành ... |
Indonesia gửi công hàm lên LHQ bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông
Công hàm đề ngày 12/6 của Indonesia gửi lên Liên Hợp Quốc tái khẳng định lập trường của nước này về vấn đề Biển Đông ... |
Những hành vi gây hấn đáng lên án của tàu Trung Quốc ở Biển Đông
Chỉ trong nửa đầu năm 2020, các tàu Trung Quốc đã liên tục có các hành vi gây hấn nhằm vào tàu cá của Việt ... |
Ngày đăng: 14:42 | 23/06/2020
/ anninhthudo.vn