Việc Trung Quốc nhanh chóng mở cửa trở lại sau gần 3 năm áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đại dịch Covid-19 mang lại một động lực rất cần thiết cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cũng lo ngại khi Bắc Kinh gia tăng nhập khẩu dầu thô và các tài nguyên năng lượng khác kéo theo giá cả các mặt hàng này sẽ tăng lên, có thể gây ra nguy cơ thúc đẩy lạm phát đang trên đà giảm quay đầu tăng trên toàn thế giới.

Người dân Trung Quốc đi mua sắm ở trung tâm thương mại tại Quế Lâm (tỉnh Quảng Tây).

Có những dấu hiệu cho thấy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang lấy lại đà tăng trưởng. Theo CNN, kể từ đầu tháng 1-2023, giá các nguyên liệu đồng, nhôm và kẽm đều có khởi đầu năm tốt nhất trong 11 năm qua, tăng trung bình 13%. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể làm tăng nhu cầu đối với hàng hóa nông nghiệp, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại.

Đặc biệt, việc mở cửa trở lại của Trung Quốc được cho là sẽ làm gia tăng nhu cầu về dầu mỏ. Để đáp ứng nhu cầu này, đầu tháng 1 vừa qua, Bắc Kinh đã tăng hạn ngạch nhập khẩu năm 2023 thêm 20% so với năm trước. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu dầu toàn cầu dự báo sẽ đạt 101,9 triệu thùng/ngày trong năm 2023, tăng 2 triệu thùng/ngày so với năm trước và là mức cao nhất trong vòng 3 năm qua. Tại Trung Quốc, nhu cầu có thể sẽ tăng 900.000 thùng/ngày, chiếm gần một nửa mức tăng dự kiến của toàn thế giới. Nhu cầu dầu mỏ trở lại mức cao hơn có thể khiến giá dầu tăng đáng kể và góp phần gây áp lực về lạm phát. Hãng cung cấp các chỉ số và nguồn dữ liệu tín dụng độc lập S&P tin rằng nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc có thể vượt quá 15,7 triệu thùng/ngày vào năm 2023.

Trưởng bộ phận Kinh tế hàng hóa tại Capital Economics Caroline Bain dự đoán trên CNN rằng, giá dầu sẽ tăng vào cuối năm nay khi hoạt động đi lại và tiêu dùng tăng. Goldman Sachs ước tính giá dầu Brent sẽ dần tăng lên mức 100 USD/thùng vào tháng 12-2023 và duy trì quanh mức này trong năm 2024. Nhiều chuyên gia cũng dự báo, giá dầu tăng mạnh do thiếu nguồn cung vào nửa sau của năm 2023. Giá dầu tăng có thể đẩy lạm phát toàn cầu lên hoặc ít nhất là giữ cho lạm phát ở mức cao, ngay khi việc tăng giá tiêu dùng có dấu hiệu chững lại.

Đáng chú ý là nhu cầu năng lượng của Trung Quốc có thể gây khó khăn đặc biệt đối với châu Âu khi lục địa này đang cố gắng bổ sung các kho dự trữ khí đốt tự nhiên trước mùa đông tới, trong điều kiện hạn chế nhập khẩu từ Nga. Giá khí đốt tự nhiên chuẩn của châu Âu đã giảm 84% kể từ khi đạt mức cao nhất mọi thời đại là 343 euro mỗi megawatt/giờ vào tháng 8 năm ngoái. Xu hướng đó có thể bắt đầu đảo ngược nếu Trung Quốc cạnh tranh với châu Âu để giành được một số lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cố định từ Mỹ và Qatar, những nhà cung cấp lớn nhất của khối.

“Lượng LNG mà Trung Quốc sẽ mua từ phần còn lại của thế giới sẽ cao hơn những gì chúng ta từng thấy. Vì vậy, sẽ có nhiều áp lực lạm phát hơn do nhu cầu gia tăng đối với hàng hóa, đặc biệt là năng lượng”, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nhận định, đồng thời cho biết thêm rằng ECB có kế hoạch “duy trì lộ trình” tăng lãi suất để giúp chế ngự lạm phát.

Bloomberg dự báo, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng tốc, từ 3% năm ngoái lên 5,8% trong năm nay. Mô hình hóa mối quan hệ giữa tăng trưởng của Trung Quốc với giá năng lượng và lạm phát toàn cầu cho thấy, lạm phát toàn cầu có thể bị kéo lên thêm 1% trong quý IV-2023. Còn nếu Trung Quốc tăng trưởng cao hơn nữa, như với mức tăng 6,7%, lạm phát sẽ nhích thêm gần 2%. Điều này có thể khiến các ngân hàng trung ương ở nhiều quốc gia phải duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ lâu hơn dự kiến.

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/The-gioi/1056779/trung-quoc-mo-cua-tro-lai-sau-dai-dich-covid-19-nguy-co-thuc-day-lam-phat-toan-cau

Ngày đăng: 08:40 | 28/02/2023

THÙY DƯƠNG / HNM.com.vn