Trung Quốc vừa thực hiện bước đi quan trọng trong việc mở cửa hệ thống tài chính khi cho biết sẽ bỏ giới hạn quyền sở hữu ngân hàng, cho phép công ty ngoại lấn sâu hơn vào lĩnh vực tài chính.

Trung Quốc vừa có bước đi lớn trong việc mở cửa hệ thống tài chính

Theo Bloomberg, quy định mới vừa được công bố trong cuộc họp chính phủ hôm 10.11 sẽ cho phép nhiều doanh nghiệp tài chính toàn cầu được phép tiếp cận nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới theo cách chưa từng có trước đây. Ngoài việc bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài tối đa trong các nhà băng, Bắc Kinh còn cho phép công ty nước ngoài sở hữu cổ phần đa số trong các doanh nghiệp chứng khoán, quản lý quỹ và bảo hiểm nước nhà.

Thời điểm thông báo này được đưa ra cũng gần với chuyến công du Bắc Kinh của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thông báo là bằng chứng cho thấy những cải cách quan trọng mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang nỗ lực thực hiện sau khi củng cố vị thế là lãnh đạo mạnh nhất Trung Quốc trong nhiều thập niên.

Các hãng tài chính nước ngoài hoan nghênh động thái này. Ngân hàng JPMorgan Chase và Morgan Stanley cho biết họ cam kết với thị trường Trung Quốc. UBS Group cho biết họ sẽ tiếp tục nỗ lực để tăng vốn cổ phần trong liên doanh Đại lục.

Dù Bắc Kinh đã và đang có nhiều bước tiến lớn trong việc mở cửa thị trường cổ phần, trái phiếu cho giới đầu tư ngoại, song các ngân hàng và doanh nghiệp chứng khoán quốc tế từ lâu vẫn chưa hài lòng về hạn mức sở hữu mà họ được quy định. Lý do là vì giới hạn sở hữu khiến các doanh nghiệp ngoại trở nên yếu thế tại một trong các hệ thống tài chính đang phát triển nhanh nhất thế giới.

“Đó là một thông điệp quan trọng cho thấy Trung Quốc tiếp tục mở cửa, khiến các thị trường tài chính của họ trở nên quốc tế hơn theo định hướng thị trường hơn. Dù vậy mức độ quan trọng của các hãng tài chính ngoại vẫn là yếu tố để ngỏ”, nhà kinh tế Shen Jianguang thuộc Mizuho Securities Asia ở Hồng Kông cho hay.

Giáo sư tài chính Oliver Rui tại Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc châu Âu ở Thượng Hải cho hay các hãng nước ngoài có thể sẽ tìm cách tăng mức hiện diện trong ngành bảo hiểm, chứng khoán và quản lý quỹ. Đây là các ngành còn nhiều sức phát triển. Trong khi đó, hoạt động cho vay, mảng vốn đang được nhiều cái tên Đại lục như Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) thống trị, thì ít được chú ý hơn. Đây là lĩnh vực khá bão hòa và doanh nghiệp ngoại khó có lợi thế cạnh tranh.

Chi tiết quy định vẫn đang được giới chức Đại lục soạn thảo song đến nay, thông tin mới có ba điểm chính. Thứ nhất, doanh nghiệp ngoại được cho phép sở hữu đến 51% trong các hãng chứng khoán. Thứ nhì, Trung Quốc sẽ nâng mức sở hữu nước ngoài trong các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lên 51% trong ba năm, và bỏ giới hạn sau 5 năm. Cuối cùng, hạn chế sở hữu trong các hãng quản lý tài sản sẽ được nâng lên 51%, và được dỡ bỏ hoàn toàn trong ba năm.

Nền kinh tế kỹ thuật số sẽ chiếm 35% GDP Trung Quốc

Viện CNTT và Truyền thông Trung Quốc (CAICT) và Bộ Công nghiệp - CNTT (MIIT) dự đoán kinh tế kỹ thuật số nước này sẽ ...

Báo Mỹ đánh giá 5 nhân vật quyền lực nhất ở Trung Quốc

Những người quyền lực nhất ở Trung Quốc không chỉ bao gồm chính trị gia, mà còn cả doanh nhân, chủ doanh nghiệp, trở thành ...

\'Một vành đai, một con đường\' của Trung Quốc khiến Lào thiệt nhiều mặt

Trang Nikkei Asian Review cho biết Lào thiệt nhiều mặt khi hợp tác xây đường sắt với Trung Quốc: lao động địa phương không được ...

(https://thanhnien.vn/kinh-doanh/trung-quoc-mo-cua-he-thong-tai-chinh-898911.html)

Ngày đăng: 18:15 | 11/11/2017

/ Theo Thu Thảo/Thanh niên