Vào thời điểm các nước khác đang bận bịu chống dịch, Trung Quốc chớp thời cơ để thúc đẩy yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông. 

Giới phân tích quân sự nói rằng mặc dù chính Trung Quốc đã phải vất vả đối phó Covid-19 kể từ khi dịch bùng lên ở Vũ Hán cuối năm ngoái, Bắc Kinh không giảm hoạt động ở Biển Đông mà còn tăng cường các hành động quyết liệt.

"Đây là chiến lược có tính toán kỹ của Trung Quốc nhằm cố gắng lợi dụng khoảng thời gian các nước khác bớt chú ý và năng lực của Mỹ suy giảm để gây áp lực với các nước láng giềng", Peter Jennings, cựu quan chức quốc phòng Australia, nói.

trung quoc loi dung covid 19 lan luot o bien dong
Tàu Địa chất Hải dương 8 hoạt động gần bờ biển Trung Quốc hồi năm 2018. Ảnh: Schottel.

Kể từ tháng một, khi Covid-19 bắt đầu diễn biến phức tạp, các tàu hải cảnh cùng dân quân biển Trung Quốc đã "khuấy đảo" các vùng có tranh chấp ở Biển Đông và quấy rối ngư dân các nước.

Đầu tháng này, tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam tại khu vực đảo Phú Lâm, vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tháng trước, Trung Quốc triển khai hai trạm nghiên cứu trên đá Chữ Thập và đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh vệ tinh chụp ngày 10/4 cho thấy Trung Quốc triển khai trái phép ít nhất một trinh sát cơ KQ-200 tại đá Chữ Thập.

Trung Quốc ngày 18/4 thông báo thành lập cái gọi là "quận Tây Sa" (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và "quận Nam Sa" (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại cái gọi là "thành phố Tam Sa".

"Có vẻ như ngay cả khi Trung Quốc đang chiến đấu với dịch bệnh, họ vẫn suy nghĩ về các mục tiêu chiến lược lâu dài", Alexander Vuving, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương Daniel K Inouye ở Honolulu nói. "Người Trung Quốc muốn tạo ra \'điều bình thường mới\' ở Biển Đông và để làm điều đó, họ trở nên hung hăng hơn".

Sau khi tàu cá Việt Nam bị đâm chìm, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố kêu gọi Trung Quốc "tập trung hỗ trợ các nỗ lực quốc tế chống lại đại dịch toàn cầu, ngừng lợi dụng lúc các nước khác bớt chú ý hoặc dễ bị tổn thương để mở rộng các yêu sách phi pháp ở Biển Đông".

Trung Quốc đơn phương vạch ra "đường lưỡi bò", yêu sách phi lý đòi chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp phản đối quốc tế. Bắc Kinh đã bồi đắp phi pháp 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, biến chúng thành đảo nhân tạo và quân sự hóa thành tiền đồn trên biển.

Mỹ nhiều lần thực hiện hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông để thách thức yêu sách chủ quyền phi lý và các động thái quân sự hóa của Trung Quốc. Mỹ tuần này điều hai chiến hạm đến Biển Đông. Ba nguồn an ninh giấu tên tiết lộ chúng xuất hiện gần nơi tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 của Trung Quốc bám theo tàu khoan West Capella do công ty dầu khí Malaysia Petronas vận hành tại vùng biển gần Malaysia.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ lo ngại về "hành động khiêu khích lặp đi lặp lại" của Trung Quốc đối với hoạt động khai thác dầu khí của nước khác trên Biển Đông, kêu gọi Bắc Kinh "chấm dứt hành vi bắt nạt và loại hoạt động khiêu khích, gây bất ổn này".

Tàu Địa chất Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống của Trung Quốc từng xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở phía nam Biển Đông hồi đầu tháng 7/2019, sau đó rời đi vào cuối tháng 10/2019. Tàu Địa chất Hải Dương 8 cùng ít nhất một tàu hải cảnh Trung Quốc hôm 14/4 xuất hiện cách bờ biển Việt Nam 158 km, trong Vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Các chính quyền khu vực lo lắng Mỹ thường chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn tại các điểm nóng rồi rời đi, bỏ lại họ đối mặt với một Bắc Kinh ngày càng quyết liệt.

"Ý định của Mỹ ở đây là gì?", Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, nói. "Có phải chỉ để nói \'chúng tôi có mặt ở đây\' không? Hay họ sẽ bám theo tàu khảo sát của Trung Quốc để cố gắng ngăn chặn nó hoạt động?"

Các chuyên gia quốc phòng giấu tên cho biết một tàu chiến Trung Quốc đã hoạt động ở ngoài khơi Malaysia. Khu trục hạm được gọi là Vũ Hán, đặt tên theo thành phố dịch đã bùng phát.

Vào thời điểm Trung Quốc đang cử các bác sĩ và gửi đồ bảo hộ cho Malaysia để chống Covid-19, chính phủ Malaysia không công khai phản đối các hoạt động của tàu khảo sát Trung Quốc hay tàu hải cảnh hộ tống nó. Malaysia cũng không công khai phản đối sự hiện diện kéo dài của dân quân biển và tàu hải cảnh Trung Quốc tại một khu vực giàu dầu mỏ khác ngoài khơi Malaysia.

Bắc Kinh đã gửi thiết bị y tế và hỗ trợ chuyên môn chống Covid-19 khắp khu vực. Họ khoe trong một ấn phẩm quân sự rằng không một quân nhân nào nhiễm nCoV, khiến nhiều người bày tỏ nghi ngờ.

Tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt, đã vào Biển Đông hồi đầu năm nay, bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19 khi một thủy thủ tử vong và hàng trăm người khác nhiễm nCoV. Virus cũng xuất hiện trên các tàu khác trong hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ.

"Vấn đề này ảnh hưởng đến hình ảnh của hải quân Mỹ trong khu vực, vào thời điểm chính quyền Trump đang cố gắng trấn an đồng minh", Storey nói.

"Trung Quốc có thể nói \'hãy nhìn xem hệ thống quản trị ưu việt của chúng tôi đã đánh bại dịch bệnh. Rồi hãy nhìn vào Mỹ xem họ lao đao thế nào", ông nói thêm.

Phương Vũ (Theo NYTimes)

trung quoc loi dung covid 19 lan luot o bien dong Hành vi ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông giữa dịch Covid-19

Trung Quốc liên tiếp có những việc làm ngang ngược và phi pháp, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền hợp pháp của Việt Nam ở ...

trung quoc loi dung covid 19 lan luot o bien dong Trung Quốc ngang ngược tự ý đặt tên cho 80 đảo, thực thể ở Biển Đông

Trung Quốc hôm 19/4 tuyên bố cái mà Bắc Kinh gọi là "tên tiêu chuẩn" cho 25 đảo và bãi đá cùng 55 thực thể ...

Ngày đăng: 13:01 | 23/04/2020

/ vnexpress.net