Việc hàng trăm tàu dân binh biển của Trung Quốc tập trung bất thường tại một vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang khiến dư luận quan tâm, lo ngại sâu sắc về toan tính mới của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh đưa ra những yêu sách chủ quyền phi lý và phi pháp.
Hàng trăm tàu dân binh Trung Quốc neo đậu tại một khu vực ở Biển Đông |
Hàng trăm tàu dân binh Trung Quốc giở trò gì?
Hãng tin quốc tế Reuters ngày 21-3 dẫn thông tin từ Lực lượng đặc trách quốc gia biển Tây Philippines (NTF-WPS, cách Philippines gọi Biển Đông) cho biết, Lực lượng tuần duyên Philippines đã có báo cáo về việc hàng trăm tàu dân binh của Trung Quốc xuất hiện tại khu vực đá Ba Đầu (Whitsun) trong cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Lực lượng tuần duyên Philippines cho biết, khoảng 220 tàu vỏ sắt dạng tàu cá được cho thuộc lực lượng dân binh biển Trung Quốc đã xuất hiện, dàn đội hình hàng ngang tại vùng biển này từ ngày 7-3.
Theo báo cáo của NTF-WPS, dù thời tiết thuận lợi song hàng trăm tàu dạng tàu đánh cá của Trung Quốc vẫn không hề có một hoạt động đánh bắt hải sản nào, mà chỉ bật nhiều đèn sáng trắng lên vào ban đêm. NTF-WPS cáo buộc, sự việc này gây lo ngại về khả năng Trung Quốc đánh bắt hải sản quá mức và hủy diệt môi trường biển, đồng thời gây nguy cơ đối với an toàn hàng hải ở khu vực.
Ngay sau khi có báo cáo của Lực lượng tuần duyên Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Delfin Lorenzana đã chỉ trích việc Trung Quốc đưa hàng trăm tàu dân binh biển đến Biển Đông, cho rằng đây là “hành động khiêu khích rõ ràng của việc quân sự hóa khu vực”. Ông Delfin Lorenzana yêu cầu Trung Quốc lập tức rút hơn 200 tàu dân binh biển khỏi khu vực đang triển khai, cảnh báo sẽ có “hành động thích hợp”.
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin cho biết, nước này đã có công hàm chính thức để phản đối sự hiện diện của tàu dân binh Trung Quốc. Ngoại trưởng Teodoro Locsin nêu rõ, chính sách đối ngoại là “nắm đấm trong găng tay bọc sắt” của lực lượng vũ trang.
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc triển khai lực lượng lớn tàu được cho thuộc lực lượng dân binh biển tới một vùng biển ở Biển Đông. Năm 2020, hàng trăm tàu dân binh Trung Quốc cũng hiện diện tại đá Ba Đầu và đã Én Đất thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Khi đó, trả lời các phóng viên tại buổi họp báo ngày 14-5-2020, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Chúng tôi luôn theo sát các hoạt động trên Biển Đông và cho rằng hoạt động của các nước cần tuân thủ các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và quyền lợi hợp pháp của các quốc gia ven biển”.
Nhận định về sự xuất hiện của hàng trăm tàu dân binh Trung Quốc tại Biển Đông, Giáo sư Alexander Vuving thuộc Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương ở Honolulu (Mỹ) cho rằng, Trung Quốc có thể đang dùng thủ đoạn ở bãi cạn Scarborough nhằm ngang nhiên giành quyền kiểm soát trên thực tế tại đá Ba Đầu vốn có vị trí chiến lược ở Biển Đông. Vị Giáo sư này chỉ rõ, Trung Quốc từng tìm cách dùng sức mạnh quân sự cưỡng chiếm đá Ba Đầu vào thập niên 1990 nhưng không thành công.
Tuy nhiên, Giáo sư Alexander Vuving cảnh báo rằng, “lần này có thể khác”. Giáo sư Alexander Vuving nhắc lại việc Việt Nam cách đây hai thập kỷ là bên đầu tiên lên tiếng về sự việc tại đá Ba Đầu, phản đối việc Trung Quốc cho các binh lính đổ bộ lên đó vào năm 1992, vì thế Trung Quốc sau đó đã thay đổi cách thức trong việc tìm cách cưỡng chiếm các thực thể ở Biển Đông.
Thực chất là tàu vũ trang trá hình
Vị Giáo sư thuộc Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương ở Honolulu không nêu rõ sự thay đổi chiến lược của Trung Quốc là thế nào, tuy nhiên giới phân tích cho rằng việc cho hàng trăm tàu dân binh tới vùng biển này nhằm toan tính dùng lực lượng này để hiện thực hóa tham vọng chủ quyền. Việc sử dụng lực lượng quân sự để cưỡng chiếm một thực thể nào đó ở Biển Đông có thể gây ra sự phản ứng dữ dội ở khu vực và thế giới, song dùng một lực lượng vũ trang trá hình, như lực lượng dân binh biển vẫn có thể giúp Trung Quốc đạt mục đích.
Đó cũng chính là lý do Trung Quốc thời gian qua, bên cạnh phát triển lực lượng hải quân đã đổ tiền đổ của để phát triển các lực lượng khác như cảnh sát biển, kiểm ngư, dân binh biển… để làm xung kích trong hoạt động dùng sức mạnh áp đặt chủ quyền phi pháp ở Biển Đông. Những tàu thuộc lực lượng dân binh biển Trung Quốc vẻ ngoài giống tàu cá nhưng có sức mạnh vượt trội.
Theo các chuyên gia quốc tế, từ năm 2000, Trung Quốc đã đầu tư đóng mới, lắp đặt trang thiết bị hiện đại và nhất là được huấn luyện bài bản cho lực lượng dân binh tàu vỏ sắt. Những tàu này có có lượng giãn nước từ 200 - 750 tấn, công suất từ 200 - 500 mã lực và có thể đạt tốc độ lên tới 20 hải lý/giờ. Thiết bị trên tàu, ngoài máy định vị màu, dò cá, máy báo thời tiết, còn có các thiết bị thông tin hiện đại sóng ngắn, sóng cực ngắn...
Các tàu dân binh biển của Trung Quốc có thể nằm lẫn trong đội ngũ tàu cá vỏ sắt đánh bắt xa bờ do các địa phương quản lý, nhưng cũng có thông tin cho rằng khi thực hiện các nhiệm vụ, chiến dịch đòi chủ quyền thì các tàu dân binh biển nằm dưới sự kiểm soát và chỉ huy của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), trực tiếp là lực lượng hải quân. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, xung đột trên biển ở khu vực, các tàu thuộc lực lượng dân binh biển này có thể được sử dụng để hỗ trợ cho một số nhiệm vụ quân sự của Trung Quốc.
Do vậy, theo giới chuyên gia, lực lượng dân binh biển của Trung Quốc giữ vai trò quan trọng trong việc “thiết lập sự hiện diện đã rồi của Trung Quốc ở những khu vực tranh chấp” trên biển. Toan tính của Trung Quốc là dùng lực lượng này, với số lượng vô cùng đông đảo, để có thể giành “chiến thắng mà không cần giao chiến” tại các vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền với sự hậu thuẫn, hộ tống của các tàu vũ trang như Lực lượng hải cảnh (Cảnh sát biển) và có thể cả tàu chiến nếu cần.
Trên thực tế, vào đầu những năm 1990, các tàu khảo sát thăm dò - giàn khoan Trung Quốc xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền các nước ở Biển Đông thường được hộ tống bảo vệ bởi các tàu hải quân, hải cảnh. Tuy nhiên, khi đội tàu dân binh biển phát triển, đội hình bảo vệ các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông còn có sự tham gia đắc lực của các tàu cá dân binh vỏ sắt, điển hình là sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam năm 2014, tàu khảo sát Hải Dương 8 từ tháng 7 đến tháng 10-2019.
Nhìn thấu toan tính nguy hiểm của Trung Quốc trong việc phát triển và sử dụng đội tàu dân binh biển, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ hồi năm 2019 là Đô đốc John Richards đã cảnh báo rằng, Mỹ đã biết việc Trung Quốc sử dụng một đội tàu cá dân binh biển để thúc đẩy các yêu sách phi pháp ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Đô đốc John Richards cảnh báo, Hải quân Mỹ sẽ đáp trả các hành động gây hấn của những tàu đó vì chúng được coi là một phần của lực lượng vũ trang.
Hơn 200 tàu neo đậu bất thường ở Biển Đông, Trung Quốc nói chỉ là tàu cá trú ẩn
Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định các tàu nước này tập trung tại Đá Ba Đầu chỉ là "tàu đánh cá" đang trú ẩn ... |
Hàng trăm tàu quân sự Trung Quốc xuất hiện trên Biển Đông
Philippines quan ngại khi thấy 220 tàu quân sự Trung Quốc xuất hiện trong vùng biển tranh chấp trên Biển Đông trong tháng này. |
Ngày đăng: 09:00 | 23/03/2021
/ anninhthudo.vn