Bắc Kinh đang tiếp tục sử dụng “chiến thuật vùng xám” nhằm mở rộng kiểm soát không gian biển, mưu đồ thâu tóm Biển Đông, thực tế Trung Quốc không có quyền này.

Philippines công bố hình ảnh cho thấy khoảng 220 tàu Trung Quốc neo đậu gần rạn san hô đá Ba Đầu từ ngày 7/3.

Đá Ba Đầu là một rạn san hô hình chữ V có tổng diện tích khoảng 10km2, chỉ nổi lên khỏi mặt nước khi triều xuống thấp. Bãi Ba Đầu nằm trên cụm đảo Sinh Tồn trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Philippines gọi bãi này là Julian Felipe. Ba Đầu nằm cách thị trấn Bataraza ở tỉnh Palawan, miền Tây Philippines, khoảng 324km về phía Tây.

Hàng loạt quốc gia lên tiếng bày tỏ quan ngại về hành động gây bất ổn của Trung Quốc, cho rằng động thái có thể làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.

Trả lời VTC News, GS. Nguyễn Cảnh Toàn, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho rằng chiến thuật mà Trung Quốc đang áp dụng ở đá Ba Đầu là chiến thuật vùng xám vốn được Trung Quốc áp dụng nhiều năm qua.

"Chiến thuật vùng xám hiện nay ở đá Ba Đầu là hoạt động có chủ đích của Trung Quốc nhằm “lách luật” quốc tế để tránh bị lên án. Chiến thuật này đang được Bắc Kinh sử dụng để mở rộng kiểm soát không gian biển, hiện thực hoá yêu sách đường lưỡi bò trên Biển Đông, biến khu vực không tranh chấp thành tranh chấp", ông Toàn chia sẻ.

Còn theo lý giải của chuyên gia Hoàng Việt - nhà nghiên cứu Biển Đông (Đại học Luật TP.HCM), chiến thuật vùng xám hiểu một cách đơn giản là việc Trung Quốc áp dụng các hành vi gây căng thẳng chưa đạt tới mức sử dụng các biện pháp quân sự nhưng vẫn đạt được mục đích của mình.

Trong nhiều năm qua, chiến thuật vùng xám được Trung Quốc áp dụng với nhiều hình thức, nhưng chung quy vẫn là "bình cũ, rượu mới". Bắc Kinh luôn tìm cách thay đổi phương thức áp dụng theo từng giai đoạn và đẩy chiến thuật này phát triển hơn.

Một phần của chiến thuật vùng xám là sử dụng các lực lượng nửa quân sự, nửa không quân sự để thực hiện các nhiệm vụ quân sự. Trung Quốc hiện có một lượng đông đảo các tàu hải giám, tàu hải ngư chính hiện đại. Nhiều trong số này được hoán cải từ tàu hải quân cũ. Đây là những lực lượng hung hăng, hiếu chiến nhất trong việc ngăn cản tàu các quốc gia khác hoạt động trong vùng biển của mình. Đặc biệt, những tàu này là lách luật để tiếp cận các khu vực mà tàu hải quân Trung Quốc không được phép hoạt động, thực hiện các nhiệm vụ mà tàu hải quân không được thực hiện trên lãnh hải các nước khác.

Trung Quốc không có quyền lộng hành 'chiến thuật vùng xám' ở đá Ba Đầu - 1
Một số tàu trong số 220 tàu Trung Quốc neo đậu đáng ngờ tại Đá Ba Đầu ngày 7/3.

Năm 2009, một nhóm tàu Trung Quốc, trong đó có hai tàu cá nhỏ hung hăng áp sát tàu nghiên cứu USNS Impeccable của hải quân Mỹ. Trong thông báo về vụ việc mà Bộ Quốc phòng Mỹ thuật lại, các tàu Trung Quốc vẫy quốc kỳ và hò hét yêu cầu tàu Mỹ rời đi.

Năm 2012, Trung Quốc điều động một loạt tàu cá, tàu hải cảnh, hải giám, hải quân bủa vây các tàu Philippines ở khu vực bãi cạn Scarborough do Manila kiểm soát. Khi Manila bắt đầu tỏ ra kiệt sức và rút các tàu còn lại của mình với lý do tránh bão, Trung Quốc điều tàu hải giám duy trì hiện diện ở khu vực này và dần giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough.

Tới năm 2014, Trung Quốc liên tục gây hấn, gây thiệt hại lớn cho phía Việt Nam suốt hơn hai tháng hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981.

Trong ba tháng năm 2019, Bắc Kinh ngang ngược đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm sâu vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính.

Có thể thấy, các hành động của Trung Quốc làm leo thang căng thẳng nhưng lại luôn ở dưới ngưỡng tạo xung đột. Điều này khiến các nước khác không có cớ can thiệp quân sự chính thức.

Mưu đồ của Trung Quốc

Không chỉ chiến thuật vùng xám áp dụng trên thực địa, Trung Quốc đang đồng thời sử dụng các chiến thuật khác trong “tam chủng chiến pháp”.

"Tam chủng chiến pháp bao gồm ba cuộc chiến không phải là cuộc chiến tranh quân sự. Trung Quốc né tránh chiến tranh quân sự bởi điều này có thể châm ngòi cho Thế chiến III, khiến nhiều nước khác nhảy vào và gây bất lợi cho Trung Quốc", ông Hoàng Việt cho hay.

Ba cuộc chiến mà ông Hoàng Việt nhắc đến là chiến tranh tâm lý, chiến tranh truyền thông và chiến tranh về pháp lý. Hiểu một cách đơn giản, các cuộc chiến này nhằm tạo ra lượng thông tin dày đặc, át lại các thông tin chỉ trích, gây bất lợi cho Trung Quốc.

Trung Quốc sử dụng chiến tranh về tâm lý, đe dọa nhiều quốc gia, kể cả mặt ngoại giao cũng như truyền thông. Các tờ báo có quan điểm hiếu chiến như Hoàn cầu Thời báo thường xuyên hăm dọa các quốc gia có ý định chống lại hành vi sai trái của Bắc Kinh.

Quốc gia tỷ dân thường xuyên đánh tiếng về các cuộc diễn tập trên Biển Đông, trong đó có cả các cuộc tập trận dùng đạn thật, tên lửa thật.

Với chiến tranh pháp lý, Trung Quốc sử dụng đội ngũ học giả của mình để tuyên truyền các luận điệu sai trái, bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2016.

Thời gian gần đây, Trung Quốc cũng đẩy mạnh áp dụng "ngoại giao chiến lang", đưa ra các phát ngôn hung hăng, khiêu khích với thái độ không kiêng dè nhằm chỉ trích các quốc gia vạch trần, tố cáo các hành vi sai trái của Bắc Kinh. Các nhà ngoại giao của nước này sẵn sàng đấu khẩu với các quốc gia khác trên mọi mặt trận từ mạng xã hội, truyền thông cho tới các bàn đàm phán.

Cùng với việc ngang nhiên đối đầu với luật pháp quốc tế, Trung Quốc còn đặt ra cơ sở pháp lý của mình, trong đó luật hải cảnh là ví dụ rõ ràng nhất.

Theo luật này, lực lượng hải cảnh Trung Quốc được phép sử dụng "mọi phương tiện cần thiết" để ngăn ngừa hoặc ngăn chặn các mối đe dọa từ tàu nước ngoài.

Ngoài ra, lực lượng hải cảnh Trung Quốc cũng sẽ được phép phá hủy các công trình do những nước khác xây dựng trên các bãi đá ngầm mà Bắc Kinh có yêu sách chủ quyền cũng như lên tàu nước ngoài kiểm tra. Luật Hải cảnh mới cho phép Bắc Kinh tạo ra các vùng cấm tạm thời trên biển "khi cần thiết" để ngăn chặn tàu bè và công dân nước khác đi vào các khu vực đó.

Theo ông Hoàng Việt, điều mà các nhà nghiên cứu lo ngại nhất ở Luật Hải cảnh là Trung Quốc không giải thích rõ ràng về những cái vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc là vùng biển nào.

Trong khi đó, GS. Nguyễn Cảnh Toàn phân tích, việc Bắc Kinh trao cho lực lượng hải cảnh quyền được sử dụng vũ lực trong nhiều trường hợp hơn trước, kèm theo đó là mức độ bạo lực cao hơn, chắc chắn sẽ tiềm ẩn rủi ro gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, thậm chí có thể dẫn tới xung đột vũ trang.

"Luật Hải cảnh sẽ giúp Trung Quốc răn đe các bên tranh chấp khác và tạo cơ sở pháp lý cho các hành vi ngang ngược hơn của Trung Quốc trên các vùng biển mà họ yêu sách, và là cái cớ Trung Quốc có thể dùng để biện minh cho các hành vi vũ lực của mình. Luật Hải cảnh của Trung Quốc căn cứ vào việc tàu lạ "rơi vào khu vực có quyền tài phán" của Bắc Kinh, trong khi đây là thứ chưa ai công nhận. Điều này nhằm mục đích giúp Trung Quốc có "cơ sở pháp lý trong nước" để có thể dùng vũ lực chống lại hoặc răn đe các nước khác trong các vùng biển mà họ coi là của mình", ông Toàn nhận định.

Trung Quốc không có quyền lộng hành 'chiến thuật vùng xám' ở đá Ba Đầu - 2
Giàn khoan Hải Dương 981.

Điều 3, Chương 1 trong cái gọi là "quy tắc chung" của Luật Hải cảnh Trung Quốc nêu rõ "luật này có thể áp dụng với việc hải cảnh triển khai hoạt động chấp pháp, bảo vệ quyền trên biển trong vùng biển thuộc quản lý của Trung Quốc".

Giáo sư Toàn nhận định đây là khái niệm mập mờ vì Trung Quốc đang biến nhiều vùng biển không chấp thành vùng biển có tranh chấp. Ngoài ra, vùng biển mà Trung Quốc khẳng định thuộc quyền tài phán của nước này không chỉ là vùng biển quanh Trung Quốc mà còn là cả các vùng biển nằm trong đường chín đoạn (hay còn gọi là đường lưỡi bò).

Dù bị Tòa Trọng tài Quốc tế bác bỏ năm 2016 vì trái với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), Trung Quốc vẫn không từ bỏ đường chín đoạn do nước này tự vẽ ra, chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông và chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước khác.

Luật Hải cảnh của Trung Quốc cũng nhiều lần nhắc tới việc sử dụng vũ khí, với từ "vũ khí" được nhắc 15 lần. Chương nhắc nhiều nhất tới từ "vũ khí" là chương 6, nêu ra những trường hợp mà hải cảnh Trung Quốc có thể sử dụng vũ khí.

Điều 46 nêu rõ, nhân viên hải cảnh có thể sử dụng vũ khí hoặc các thiết bị, công cụ tại hiện trường trong trước trường một số trường hợp. Theo điều 47, một trường hợp mà hải cảnh Trung Quốc có thể sử dụng "vũ khí cầm tay" nếu cảnh cáo đã đưa ra vô hiệu là khi tàu bè nước ngoài xâm nhập vào "vùng biển thuộc quản lý của Trung Quốc" và tham gia phi pháp hoạt động sản xuất, từ chối tuân theo lệnh dừng tàu và những hoạt động mà theo họ là phi pháp.

Còn điều 49 ghi: "Khi nhân viên hải cảnh sử dụng vũ khí theo luật, họ có thể sử dụng trực tiếp vũ khí nếu cảnh báo không kịp hoặc sau khi cảnh cáo có thể dẫn tới hậu quả nguy hại nghiêm trọng hơn".

Trung Quốc không có quyền lộng hành 'chiến thuật vùng xám' ở đá Ba Đầu - 3
Tàu hải quân Indonesia chạm trán tàu hải cảnh Trung Quốc hồi tháng 1/2020. (Ảnh: Reuters)

Các chuyên gia nhìn nhận với các điều khoản này, Trung Quốc không chỉ trao cho hải cảnh quyền hạn sử dụng vũ khí nếu tàu nước ngoài tiến hành các hoạt động mà Bắc Kinh cho là bất hợp pháp mà còn cho phép lực lượng này bắn các tàu của các nước có tranh chấp trên Biển Đông dù chúng đang di chuyển trong chính vùng biển của nước mình.

Vị Giáo sư tới từ Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phân tích, với việc tự đặt ra Luật Hải cảnh bất chấp sự lên tiếng phản đối dữ dội của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc thời gian tới sẽ triển khai "ngay và luôn" luật này.

Giống như những năm trước, cùng với việc gia tăng các hành vi hung hăng, gây áp lực với các bên có tranh chấp trên Biển Đông, Bắc Kinh sẽ nghe ngóng với nhiều động thái thăm dò phản ứng các nước và dư luận quốc tế để đưa ra các điều chỉnh có lợi nhất cho mình.

Ngoài ra, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục triển khai các đội tàu dân quân với số lượng lớn núp bóng ngư dân, sẵn sàng chiến đấu và hỗ trợ tàu hải cảnh và tàu quân sự.

"Trung Quốc chỉ đang hợp thức hóa những việc mà nước này làm và nói rằng luật cho phép việc này", ông Toàn nhận định.

Trong khi đó, tiến sĩ Hoàng Việt cho rằng giống như các năm trước, Trung Quốc sẽ đơn phương áp cái gọi là cấm đánh bắt cá vào tháng 5.

Dự báo Trung Quốc sẽ điều tàu cá, tàu thăm dò, khai thác hải sản đi vào các khu vực thuộc quyền đặc quyền kinh tế của các nước ASEAN, ông Việt cảnh báo Việt Nam và các nước Đông Nam Á cần hết sức cẩn trọng trước động thái tới đây của Bắc Kinh.

Trung Quốc không có quyền lộng hành 'chiến thuật vùng xám' ở đá Ba Đầu - 4
Tàu hải quân của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines trong một cuộc tập trận ở Biển Đông. (Ảnh: Lực lượng phòng vệ Nhật Bản)

Trách nhiệm của ASEAN và cộng đồng quốc tế

Cho tới nay, Trung Quốc và ASEAN vẫn đang trong quá trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Bộ quy tắc này khiến tình hình căng thẳng giảm bớt, không leo thang thành các xung đột quân sự trên Biển Đông.

Tuy nhiên, ông Việt chỉ ra rằng đang có những chia rẽ trong ASEAN.

"Một số quốc gia ASEAN trực tiếp có liên quan đến vấn đề Biển Đông thì tích cực. Trong khi một số quốc gia do không có lợi ích trực tiếp liên quan đến Biển Đông nên họ đặt vấn đề lợi ích kinh tế với Trung Quốc lên cao hơn", ông phân tích.

Việc bị chia rẽ về quan điểm khiến sức mạnh của ASEAN giảm sút đi rất nhiều. Ông Hoàng Việt cho rằng nếu ASEAN muốn duy trì một khối thống nhất thì các quốc gia trong khối phải thống nhất và đặt lợi ích của khối ASEAN lên trên lợi ích quốc gia của riêng mình.

Đồng tình với quan điểm này, ông Toàn khẳng định 10 quốc gia ASEAN phải đoàn kết chặt chẽ với nhau, tránh để Trung Quốc lợi dụng, mua chuộc.

"Trung Quốc dễ dàng bẻ gãy một đôi đũa nhưng cả bó đũa ASEAN thì không thể", ông nói.

Cũng theo ông Toàn, cùng với ASEAN, tất cả các quốc gia dù trực tiếp hay gián tiếp có quyền lợi ở Biển Đông phải đoàn kết lại thành một mặt trận, lấy luật pháp quốc tế nói chung và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) nói riêng làm căn cứ pháp lý. Đồng thời phải thống nhất cao về cách hiểu và hành động.

Ông Hoàng Việt nhận định thời gian qua, dù Trung Quốc gia tăng hành động khiêu khích nhưng sự lên tiếng của quốc tế vẫn còn rất dè dặt.

"Nếu tất cả các quốc gia tiến bộ trên thế giới này đều lên tiếng phản đối hành động sai trái của Trung Quốc, chắc chắn nước này sẽ phải dè chừng", ông kết luận.

Philippines gửi công hàm phản đối mỗi ngày nếu tàu Trung Quốc chưa rời đá Ba Đầu Philippines gửi công hàm phản đối mỗi ngày nếu tàu Trung Quốc chưa rời đá Ba Đầu

Bộ Ngoại giao Philippines mới đây tuyên bố sẽ gửi công hàm phản đối mỗi ngày nếu Trung Quốc không rút các tàu neo đậu ...

Trung Quốc ra tuyên bố ngang ngược vụ 200 tàu dàn đội hình ở đá Ba Đầu Trung Quốc ra tuyên bố ngang ngược vụ 200 tàu dàn đội hình ở đá Ba Đầu

Trung Quốc ngang ngược tuyên bố các tàu của nước này neo đậu ở đá Ba Đầu là tàu đánh cá trú ẩn tại cái ...

Dân quân biển - "vòi bạch tuộc" trong chiến thuật vùng xám Trung Quốc Dân quân biển - "vòi bạch tuộc" trong chiến thuật vùng xám Trung Quốc

Trung Quốc thường xuyên tung dân quân biển len lỏi tới các khu vực trên Biển Đông, tạo bàn đạp để nêu yêu sách chủ ...

"Trung Quốc đang dùng chiến thuật vùng xám ở Biển Đông" "Trung Quốc đang dùng chiến thuật vùng xám ở Biển Đông"

Trung Quốc dùng tàu cá do dân quân biển chỉ huy, với sự hộ tống của tàu hải cảnh, từng bước thực hiện tham vọng ...

Ngày đăng: 08:11 | 13/04/2021

/ vtc.vn