Ngày 21/7, Trung Quốc đã làm lễ động thổ tiến hành khoan lỗ siêu sâu vào lớp vỏ Trái đất nhằm đẩy mạnh tìm kiếm tài nguyên thiên nhiên ẩn sâu dưới lòng đất.

Theo Tân Hoa Xã, lỗ khoan này dự kiến sẽ có độ sâu lên tới 10.520 mét so bề mặt trái đất tại bồn địa Tứ Xuyên ở tây nam Trung Quốc. Đây là khu vực chính để sản xuất khí đốt và các kỹ sư dự kiến sẽ tìm thấy trữ lượng khí đốt tự nhiên ở độ sâu này.

Thông báo được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Trung Quốc bắt đầu khoan một lỗ khoan siêu sâu khác, tại bồn địa Tarim ở khu tự trị Tân Cương phía tây bắc của Trung Quốc. Hố này dự kiến có độ sâu 11.100 mét.

khoan-14555213
Công nhân dầu mỏ giương cao biểu ngữ tại mỏ dầu Tarim ở sa mạc Taklimakan tại khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc. (Ảnh: Getty)

Nếu hoàn thành, hai lỗ khoan này sẽ trở thành hai trong số những lỗ khoan nhân tạo sâu nhất thế giới. Tuy nhiên vẫn chưa thể vượt qua kỷ lục hố khoan sâu nhất thế giới.

Kỷ lục đó thuộc về siêu lỗ khoan Kola (Kola Superdeep Borehole) hay còn được mệnh danh là Lỗ Địa ngục (Hell Hole) nằm ở bán đảo Kola của Nga. Lỗ khoan có độ sâu 12.262 mét và từng là một phần của dự án khoan khoa học thời Liên Xô từ năm 1970 đến năm 1995.

Siêu hố sâu Kola là một công trình tuyệt vời, được người dân Liên Xô thời bấy giờ đánh giá rất cao. Tuy nhiên, đến năm 1992, khi đội khoan chỉ còn cách mục tiêu 15.000 mét của họ khoảng gần 3.000 mét, dự án buộc phải dừng đột ngột do nhiệt độ tại điểm khoan sâu nhất đã tăng lên 315 độ C. Nếu tiếp tục khoan, mũi khoan sẽ hỏng. Mặc dù việc khoan đã dừng hẳn, nhưng toàn bộ dự án chỉ chính thức đóng cửa vào năm 2005. Đến năm 2008, tất cả các cơ sở và cấu trúc thượng tầng đã bị tháo dỡ.

Những hố siêu sâu này đều có độ sâu cao hơn cả chiều cao của đỉnh Everest - đỉnh núi cao nhất hành tinh với độ cao khoảng 8.800 mét.

Con người tuy đã đến được mặt trăng và các hành tinh nằm ngoài vũ trụ nhưng khi nói về việc khám phá những vùng đất nằm sâu dưới chân mình, chúng ta mới chỉ dừng lại ở gần lớp vỏ Trái đất.

Bởi vậy, việc khoan sâu cho phép các nhà khoa học tìm hiểu thêm về sự hình thành của Trái đất với lớp vỏ đóng vai trò như một dòng thời gian địa chất. Ngoài ra, điều này cũng đem lại những lợi ích về thương mại mạnh mẽ, giúp khai thác nguồn dự trữ năng lượng sinh lợi tiềm tàng nằm sâu bên dưới lòng đất.

Cả hai công ty thực hiện các dự án khoan lỗ sâu của Trung Quốc đều là các tập đoàn dầu khí lớn của nhà nước. Dự án gần đây nhất tại lòng chảo Tứ Xuyên được điều hành bởi tập đoàn PetroChina Southwest Oil and Gasfield Co, công ty con của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc và là một trong những công ty năng lượng nhà nước lớn nhất Trung Quốc.

Theo Tân Hoa Xã, những dự án này là những nỗ lực “có ý nghĩa to lớn” nhằm mục đích khám phá các nguồn tài nguyên bị chôn vùi sâu dưới lòng đất, đồng thời “thúc đẩy sự phát triển của công nghệ cốt lõi và năng lực thiết bị của ngành kỹ thuật dầu khí Trung Quốc”.

Chen Lili, phó kỹ sư trưởng của PetroChina Southwest Oil, nói với Tân Hoa Xã rằng họ sẵn sàng đương đầu và vượt qua một loạt “thách thức tầm cỡ thế giới” trong quá trình khoan.

Tiết lộ về dự án tại khu tự trị Tân Cương trước đây, Tân Hoa Xã gọi công trình là “kính thiên văn” đi vào nơi sâu nhất của trái đất với thiết kế nặng 2.000 tấn có nhiệm vụ xuyên qua hơn 10 địa tầng lục địa. Tờ báo cũng cho biết thiết lập dàn khoan trong dự án này có thể chịu được nhiệt độ 200 độ C dưới lòng đất và lực lớn hơn 1.700 lần so với áp suất khí quyển.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nước phát thải carbon lớn nhất thế giới, có nhu cầu về năng lượng khổng lồ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tuyên bố an ninh năng lượng trong tương lai là ưu tiên an ninh quốc gia.

Theo một báo cáo gần đây, Trung Quốc đã trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về năng lượng tái tạo và đang trên đà tăng gấp đôi công suất năng lượng gió và mặt trời, đồng thời đạt được các mục tiêu năng lượng sạch vào năm 2025 - sớm hơn 5 năm so với dự kiến đề ra.

Ngày đăng: 15:07 | 25/07/2023

Phương Thảo / VTC News