Trung Quốc có thể đóng biên thêm ít nhất một năm do lo ngại về biến chủng nCoV mới, dù họ đã tiêm hơn một tỷ liều vaccine.

Một nguồn tin cho biết trong một cuộc họp với các quan chức Bộ Ngoại giao, Ủy ban Y tế Quốc gia cùng các cơ quan chính phủ khác hồi giữa tháng 5, Quốc vụ viện Trung Quốc đã tạm ấn định rằng nước này sẽ không mở cửa cho đến nửa cuối năm 2022.

Trung Quốc e dè mở biên

Người dân xếp hàng tiêm vaccine tại trường đại học ở Vũ Hán hồi tháng 4. Ảnh: AFP.

Thái độ thận trọng này được cho là do Bắc Kinh mong muốn hai sự kiện sẽ diễn ra suôn sẻ vào năm tới: Thế vận hội Mùa đông vào tháng hai và Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 vào cuối năm 2022.

Trung Quốc đã cố gắng ngăn chặn ca nCoV ngoại nhập bằng cách chỉ cấp thị thực mới cho những người đã tiêm vaccine Trung Quốc và duy trì yêu cầu cách ly tại khách sạn ít nhất 14 ngày sau khi nhập cảnh.

Sau khi Covid-19 bùng phát ở thành phố Vũ Hán vào năm ngoái, giới chức Trung Quốc ban đầu lên án các quốc gia như Mỹ đã áp đặt hạn chế đi lại với nước này. Nhưng khi Trung Quốc kiểm soát được dịch trong nước và tình hình trở nên tồi tệ hơn ở nước ngoài, Bắc Kinh là một trong những quốc gia duy trì các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt. Họ tích cực dập các ổ dịch mới thông qua các biện pháp phong tỏa cục bộ, xét nghiệm hàng loạt và cách ly tập trung.

Trong vài tuần gần đây, Trung Quốc đã tăng tốc chiến dịch tiêm chủng. Cuối tuần trước, họ vượt mốc một tỷ mũi tiêm. Theo Our World in Data, tính đến ngày 10/6, 16% dân số nước này đã được tiêm chủng đầy đủ.

Chiến dịch tiêm chủng có thể sẽ giảm xuống từ đỉnh điểm 20 triệu liều mỗi ngày vào đầu tháng 6 xuống 10 triệu liều mỗi ngày vào đầu tháng 8, khi vaccine đến được những khu vực xa xôi hơn. Vào tháng 12, ước tính 80% dân số Trung Quốc sẽ được tiêm ít nhất một liều, các nhà kinh tế của Goldman Sachs viết trong một ghi chú gửi khách hàng vào ngày 6/6.

Nếu Trung Quốc quyết định mở cửa, họ trước hết sẽ nới lỏng hạn chế đi lại giữa đại lục với Hong Kong và Macau, hai đặc khu hành chính giáp ranh với tỉnh Quảng Đông.

Hong Kong và Macau đã không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng nào trong vài tuần, nhưng một số ca mới đã xuất hiện ở Quảng Đông trong tháng qua, khiến giới chức khó có thể dỡ bỏ các hạn chế trong tương lai gần.

Trung Quốc sau đó sẽ nới lỏng quy định kiểm dịch đối với người đến từ các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao và đã kiểm soát được dịch. Những nước công nhận vaccine của Trung Quốc rất có thể sẽ được xem xét trước.

Trung Quốc chưa phê duyệt bất kỳ loại vaccine phương Tây nào được WHO cấp phép, mặc dù Bắc Kinh được cho là đang có kế hoạch phê duyệt vaccine do BioNTech SE của Đức phát triển vào tháng 7. Trong khi đó, các cơ quan quản lý Mỹ chưa cấp phép bất kỳ loại vaccine nào của Trung Quốc.

Đầu tháng này, Phùng Tử Kiện, cựu phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, cho biết tại một hội nghị rằng thời điểm Trung Quốc chuyển đổi từ chiến lược dập dịch triệt để sang chiến lược mở cửa biên giới sẽ phụ thuộc phần lớn vào tỷ lệ tiêm chủng. Đồng thời họ phải xem xét liệu xã hội có chấp nhận nguy cơ có thêm ca tử vong vì Covid-19 sau khi mở cửa hay không.

Các quốc gia như Anh và Chile có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới nhưng vẫn phải chiến đấu với tình trạng gia tăng ca nhiễm, phần lớn trong bộ phận dân số chưa tiêm chủng, làm trì hoãn kế hoạch nới lỏng hạn chế.

Ngoài ra, dữ liệu lâm sàng chỉ ra rằng vaccine Trung Quốc, mặc dù có thể giúp người tiêm tránh có triệu chứng nặng và nhập viện, ít hiệu quả hơn trong việc giảm lây nhiễm.

"Điều này khiến virus vẫn có thể lây lan, dẫn đến bùng phát dịch trong nhóm dân chưa được tiêm chủng hoặc khiến virus đột biến thành biến thể mà các loại vaccine hiện tại không có hiệu quả", Jin Dong-Yan, giáo sư virus học phân tử tại Đại học Hong Kong, nói.

Các quan chức y tế Trung Quốc cho biết vaccine do Trung Quốc phát triển đã chứng minh được hiệu quả chống lại các biến thể hiện tại, bao gồm biến thể Delta từ Ấn Độ. Họ nói rằng mặc dù một số người tiêm chủng đầy đủ vẫn nhiễm nCoV, họ không bị ốm nặng. Họ cũng đang thử nghiệm độ hiệu quả của vaccine với các chủng mới.

CDC Trung Quốc cho biết họ đang nghiên cứu mức độ hiệu quả của việc tiêm bổ sung, bao gồm việc tiêm nhắc lại bằng vaccine nội hay vaccine của BioNTech.

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất e dè mở cửa biên giới. Hồi tháng 5, Australia nói rằng đến giữa năm 2022 họ mới bắt đầu quá trình này.

Ban tổ chức Thế vận hội Bắc Kinh, dự kiến khai mạc ngày 4/2/2022, chưa cho biết liệu khán giả nước ngoài có được phép vào Trung Quốc hay không. Các nhà tổ chức Thế vận hội mùa hè vào tháng tới ở Tokyo sẽ cho phép khán giả Nhật Bản vào xem, nhưng không đón khách nước ngoài.

Trong khi các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ của Trung Quốc đã ngăn chặn được virus và tạo điều kiện cho nền kinh tế trong nước phục hồi, "việc các ổ dịch vẫn liên tục xuất hiện và các hạn chế kéo dài đang 'kìm chân' sự phục hồi đó", Cui Ernan, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, nói.

Điều đó cũng có nghĩa là các doanh nghiệp quốc tế ở Trung Quốc sẽ không thể hoạt động như bình thường trong hơn một năm, khi các giám đốc điều hành bị mắc kẹt ở nước ngoài và các cuộc gặp trực tiếp gần như không thể xảy ra, Alan Beebe, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc, cho biết.

Phương Vũ (Theo WSJ)

Ca mắc COVID-19 đầu tiên có thể xuất hiện ở Trung Quốc từ tháng 10/2019 Ca mắc COVID-19 đầu tiên có thể xuất hiện ở Trung Quốc từ tháng 10/2019
Trung Quốc cảnh báo chiến tranh với đảo Đài Loan Trung Quốc cảnh báo chiến tranh với đảo Đài Loan
Căng thẳng leo thang, ngoại trưởng Trung Quốc - Mỹ không giáp mặt tại G20 Căng thẳng leo thang, ngoại trưởng Trung Quốc - Mỹ không giáp mặt tại G20

Ngày đăng: 11:00 | 26/06/2021

/ vnexpress.net