Việc lực lượng hải cảnh Trung Quốc gia tăng hoạt động ở Biển Đông thời gian qua, đặc biệt là sau khi nước này công bố dự thảo luật có điều khoản trao quyền sử dụng vũ khí cho các tàu hải cảnh của Trung Quốc trên biển, đã gây lo ngại sâu sắc trong khu vực.

Trung Quốc dùng “hung thần” hải cảnh để áp đặt chủ quyền phi pháp ở Biển Đông ảnh 1
Tàu hải cảnh hạng nặng số hiệu 5204 của Trung Quốc được trang bị pháo 76mm liên tục thực hiện các hoạt động mang tính đe dọa quấy rối ở Biển Đông

“Múa võ giương oai” để phục vụ cho các yêu sách vô lý

Báo cáo công bố mới đây của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, có trụ sở tại Mỹ) cho thấy, lực lượng hải cảnh (Cảnh sát Biển) của Trung Quốc liên tục có những hoạt động ở Biển Đông suốt trong tháng 11 vừa qua và đầu tháng 12 này. Trong đó, dựa trên dữ liệu thu thập được từ nguồn mở MarineTraffic (một chuyên trang theo dõi tàu thuyền thế giới), CSIS chỉ đích danh tàu hải cảnh số hiệu 5204 của Trung Quốc suốt thời gian qua đã lảng vảng, quấy nhiễu ở khu vực bãi Tư Chính nằm trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.

Tàu hải cảnh 5204 với tải trọng 2.700 tấn, dài hơn 100m, được trang bị pháo 76mm, thậm chí có lúc còn đi sát vào khu vực nhà giàn DK của Việt Nam ở bãi Tư Chính với khoảng cách chỉ có 5 hải lý. Có thể nói, hành vi quấy rối mang tính hăm dọa này là không thể chấp nhận trong khu vực biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và vì thế càng làm gia tăng thêm căng thẳng trên biển.

Dựa Hệ thống nhận dạng tự động (AIS), CSIS chỉ ra là hoạt động của lực lượng hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông không hề giảm sút bất chấp ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19). Các tàu hải cảnh Trung Quốc đã liên tục hiện diện, hoạt động ở các bãi cạn mang tính biểu tượng nằm trong vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền theo yêu sách “đường lưỡi bò” 9 đoạn phi lý và phi pháp.

Thông thường các tàu vũ trang thường ít khi bật AIS dù đây là quy ước các tàu lớn nên bật để tránh va chạm khi lưu thông trên biển và các tàu vũ trang, nhất là tàu chiến của Trung Quốc cũng vậy, song các tàu hải cảnh Trung Quốc khi “múa võ giương oai” tại vùng biển mà nước này đòi chủ quyền theo yêu sách “đường lưỡi bò” thời gian qua lại liên tục mở AIS. Vì thế, CSIS nhận định, việc hải cảnh Trung Quốc chủ động bật AIS khi di chuyển trên Biển Đông là một động thái “chứng tỏ sự hiện diện” nhằm phục vụ cho các yêu sách vô lý của nước này.

Để đi tới nhận định trên, CSIS đã dựa trên dữ liệu AIS thu thập trong 12 tháng, tính từ ngày 1-12-2019 đến ngày 1-12-2020, để chỉ ra rằng, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã tăng mạnh tần suất xâm nhập và thời gian hiện diện ở các vùng biển thuộc các bãi cạn như bãi Cỏ Mây, bãi Tư Chính của Việt Nam, bãi Luconia ở phía Nam Biển Đông, bãi Scarborough do Philippines kiểm soát cho tới khi bị Trung Quốc cưỡng chiếm năm 2012.

CSIS cũng chỉ rõ, hành vi của tàu hải cảnh 5204 thời gian qua ở Biển Đông giống với các tàu hải cảnh khác của Trung Quốc đã xuất hiện ở bãi cạn Luconia mà Malaysia tuyên bố nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Theo đó, các tàu hải cảnh Trung Quốc khi đi vào bãi cạn Luconia thường áp sát các tàu dịch vụ và giàn khoan dầu khí của Malaysia gần đó.

Khi phân tích trên, CSIS nhận định, đây là một chiến thuật tuần tra hẳn hoi của lực lượng tàu hải cảnh Trung Quốc. Trung Quốc rõ ràng đã dùng lực lượng tàu hải cảnh như một thứ công cụ sức mạnh để quấy rối, hăm dọa, bắt nạt… hòng áp đặt đòi hỏi chủ quyền ở những vùng biển mà họ đưa ra yêu sách song đã bị các nước khu vực, cộng đồng quốc tế bác bỏ bởi phi lý và phi pháp theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc tế về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Thượng tôn pháp luật trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông

Một điểm rất đáng quan tâm với sự lo ngại sâu sắc khác là lực lượng tàu hải cảnh Trung Quốc, thời gian qua điển hình là tàu 5204, gia tăng bất thường hoạt động ở Biển Đông, chủ yếu trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trong bối cảnh Trung Quốc vừa công bố dự thảo luật có điều khoản trao quyền sử dụng vũ khí cho các tàu hải cảnh trên biển. Dự thảo luật cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc dùng vũ lực xua đuổi các tàu nước ngoài xâm nhập cái gọi là lãnh hải Trung Quốc hoặc thẩm vấn các thuyền viên, cũng như cho phép sử dụng vũ khí chống lại các tàu không tuân thủ những quy định về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Dự thảo sửa đổi luật này được cho là mở đường cho việc thêm “móng vuốt” cho lực lượng tàu hải cảnh Trung Quốc vốn đang gia tăng hiện diện ở nhiều vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền, đặc biệt là ở Biển Đông. Không chỉ có vậy, các tàu hải cảnh to lớn của Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng, liên tục có những hành động phi pháp, gây hấn đối với tàu thuyền của một số nước trong khu vực, trong đó có tàu của ngư dân Việt Nam, cũng như các hoạt động hợp pháp khác của các bên liên quan trong vùng biển thuộc chủ quyền của mình.

Việc lực lượng tàu hải cảnh, trong đó có tàu 5204, gia tăng những hoạt động tại các vùng biển Trung Quốc đòi chủ quyền song đã bị bác bỏ theo luật pháp quốc tế, đồng thời với việc công bố dự luật trao quyền sử dụng vũ khí cho lực lượng được xem là thứ “hung thần” mới ở Biển Đông này cho thấy Bắc Kinh coi đây là công cụ quan trọng nhằm hiện thực hóa đòi hỏi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông. Toan tính này vì thế là một mối đe dọa đối với chủ quyền hợp pháp của các bên liên quan ở Biển Đông cũng như hòa bình, ổn định và an ninh trên vùng biển chiến lược.

Sự hiện diện cùng hành vi hung hăng của lực lượng hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông đang làm trầm trọng thêm các mâu thuẫn giữa các bên ở Biển Đông, phức tạp hóa các tranh chấp tại đây, đi ngược lại hoàn toàn với tinh thần hòa bình và kiềm chế được nêu ra tại Tuyên bố ứng xử tại Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc luôn lớn tiếng kêu gọi các bên tôn trọng. Lên tiếng tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 15 diễn ra trung tuần tháng 11 vừa qua, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã kêu gọi hạ nhiệt căng thẳng trên Biển Đông.

Nhà lãnh đạo Philippines cảnh báo, đừng để Biển Đông là một nơi của trò chơi sức mạnh, “đó là một trò chơi nguy hiểm và không có người chiến thắng”. Tổng thống Duterte nêu rõ, UNCLOS là một hướng đi để giải quyết tranh chấp và nhấn mạnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần duy trì một khu vực hòa bình, thượng tôn pháp luật.

Australia và Mỹ ủng hộ các dự án khai thác dầu khí hợp pháp ở Biển Đông Australia và Mỹ ủng hộ các dự án khai thác dầu khí hợp pháp ở Biển Đông

Australia và Mỹ bày tỏ sự ủng hộ ủng hộ quyền của các nước trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên ngoài khơi, bao ...

Châu Âu ngày càng quan tâm tới Biển Đông Châu Âu ngày càng quan tâm tới Biển Đông

Tháng 9/2020, Đức, Anh và Pháp đã gửi công hàm chung lên LHQ chính thức thể hiện lập trường chung nhằm bảo vệ luật pháp ...

Ngày đăng: 13:59 | 15/12/2020

/ anninhthudo.vn