Hàng trăm tàu vỏ sắt được cho là tàu dân binh biển của Trung Quốc đang có dấu hiệu điều chỉnh, thay đổi chiến thuật là tản rộng ra hơn chứ không tập trung co cụm ở bãi đá Ba Đầu nằm trong cụm Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hàng trăm tàu dân binh biển của Trung Quốc ở bãi đá Ba Đầu đang tản rộng ra, không còn tập trung như trong tháng 3-2021 |
Áp lực ngày càng lớn lên toan tính nguy hiểm ở đá Ba Đầu
Theo thông tin mới nhất, hàng trăm tàu hình dáng tàu cá vỏ sắt được cho là tàu dân binh biển của Trung Quốc đã bắt đầu di chuyển ra một khu vực rộng hơn quanh bãi đá Ba Đầu nằm trong cụm Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Lực lượng phụ trách Biển Tây Philippines (cách Philippines gọi Biển Đông) của Philippines dẫn thông tin tình báo cho biết, chỉ còn 44 tàu Trung Quốc hiện diện ở đá Ba Đầu, trong khi khoảng 200 tàu khác cũng được cho đã di chuyển rộng ra những khu vực khác thuộc quần đảo Trường Sa, bao gồm cả gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc quân sự hóa phi pháp.
Việc hàng trăm tàu dân binh biển của Trung Quốc tản rộng ra chứ không tập trung dày đặc, kết thành bè ở bãi đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là một sự thay đổi đội hình đáng chú ý. Trước đó, trong suốt cả tháng 3 vừa qua, sự tập trung dày đặc, tràn ngập của hơn 200 tàu dân binh biển này ở đá Ba Đầu đã khiến dư luận và giới chuyên gia cảnh báo về việc Trung Quốc đang có toan tính nguy hiểm đối với bãi cạn hình chữ V có tổng diện tích khoảng 10 km2 thuộc lãnh hải cụm Sinh Tồn Đông của Việt Nam.
Hiện chưa rõ đằng sau sự thay đổi chiến thuật, đội hình của hàng trăm tàu dân binh biển của Trung Quốc ở khu vực đá Ba Đầu, song điều này diễn ra khi mà Trung Quốc bị chỉ trích cũng như chịu áp lực về động thái gây căng thẳng thêm ở Biển Đông. Không chỉ các quốc gia khu vực liên quan mà cộng đồng quốc tế, những cường quốc trên thế giới đều phản ứng, chỉ trích, lên án hành động gây căng thẳng, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa tự do hàng hải, tự do hàng không ở Biển Đông.
Là một bên liên quan trong cuộc “tranh chấp 5 nước, 6 bên” ở Biển Đông (6 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Brunei, Đài Loan, Malaysia, Philippines, Trung Quốc và Việt Nam) và từng bị Trung Quốc dùng chiến thuật “vùng xám” cưỡng chiếm bãi cạn Scaborough vào năm 2012, Philippines đã phản ứng quyết liệt, mạnh mẽ với việc Trung Quốc đưa hàng trăm tàu dân binh biển tới đá Ba Đầu. Quốc gia ASEAN này đã cho máy bay chiến đấu bay qua các tàu dân binh biển Trung Quốc, điều tầu chiến tới để cảnh báo, răn đe bất kỳ toan tính nào muốn tái lặp lại chiến thuật “vùng xám” ở bãi cạn Scaborough đối với bãi đá Ba Đầu.
Chính quyền Philippines đã yêu cầu Trung Quốc lập tức rút các tàu dân binh biển về nước, đồng thời tuyên bố: “Cả Philippines và cộng đồng quốc tế đều sẽ không bao giờ chấp nhận yêu sách của Trung Quốc về cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” trên gần như toàn bộ Biển Đông”. Đây được xem là tuyên bố mạnh mẽ nhất từ trước tới nay của Manila trong vấn đề Biển Đông kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte nhậm chức vào năm 2016 tới nay.
Trong tuyên bố thể hiện sự ủng hộ và hậu thuẫn mạnh mẽ cho Philippines, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định, Washington sẽ “sát cánh với đồng minh Philippines khi đối diện lực lượng dân binh biển của Trung Quốc ở Biển Đông”. Nhiều cường quốc khu vực và thế giới như Nhật Bản, Australia, Canada, Anh… cũng đồng loạt chỉ trích những hành động “sử dụng dân binh biển để dọa dẫm và khiêu khích các nước khác”, gây leo thang căng thẳng ở Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao ta nhấn mạnh, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành động xâm phạm; tôn trọng chủ quyền của Việt Nam; thiện chí thực hiện Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; nghiêm chỉnh tuân thủ Tuyên bố về ứng xử các bên trên Biển Đông (DOC), đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình; tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán DOC; đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực.
Tham vọng phi pháp bất biến ở Biển Đông
Hàng trăm tàu dân binh biển của Trung Quốc đang tản ra, không còn tập trung dày đặc ở đá Ba Đầu thuộc chủ quyền của Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc đang bị dư luận, các quốc gia khu vực và cộng đồng quốc tế phản ứng và chỉ trích ngày càng mạnh mẽ. Cho dù đội tàu dân binh biển đông đảo của Trung Quốc đổi chiến thuật vì lý do gì thì có điều cốt lõi vẫn không thay đổi đó là toan tính sâu xa, tham vọng chủ quyền phi pháp của nước này ở Biển Đông.
Trung Quốc kể từ khi dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam năm 1974 đã luôn nhất quán tham vọng phi pháp đòi chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông. Tham vọng này được chính thức công khai bằng yêu sách “đường lưỡi bò” (hay còn gọi là “đường lưỡi bò 9 đoạn”) và thuyết “Tứ Sa” sau này, theo đó Bắc Kinh đòi chủ quyền đối với khoảng 80% diện tích Biển Đông, điều mà Tòa trọng tài thường trực (PCA) căn cứ vào luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS năm 1982, đã ra phán quyết bác bỏ trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines.
Song bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp chủ quyền hợp pháp của các quốc gia liên quan ở Biển Đông, Trung Quốc dùng mọi cách để hiện thực hóa tham vọng chủ quyền hòng biến vùng biển chiến lược này thành “ao nhà” của mình. Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, cưỡng chiếm một số thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào năm 1988 và sau đó bồi đắp, cải tạo trái phép thành các đảo nhân tạo quy mô lớn.
Trong chiến lược xuyên suốt hiện thực hóa tham vọng chủ quyền ở Biển Đông, Trung Quốc đã thực thi chiến thuật “vùng xám”, biến vùng không có tranh chấp thành vùng tranh chấp rồi ngang nhiên đưa tàu khảo sát, thăm dò tới hoạt động như việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 hoạt động trái phép sâu trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014 rồi tái lặp lại chiêu trò này bằng đội tàu khảo sát Hải Dương 8 vào năm 2019.
Cũng bằng chiến thuật “vùng xám”, Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh đông đảo của đội tàu cá vỏ sát trá hình - tàu dân binh biển hàng trăm với sự hậu thuẫn của các tàu vũ trang để chiếm quyền kiểm soát các thực thể như bãi cạn Scaborouth do Philippines kiểm soát năm 2012, đá Vành Khăn (cách đá Ba Đầu khoảng 50 hải lý) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1995. Sự tập trung bất thường của hàng trăm tàu dân binh biển của Trung Quốc ở đá Ba Đầu cho thấy tham vọng chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông chưa bao giờ thay đổi mà ngày càng ráo riết hơn và sẽ tìm đủ mọi cách thức để hiện thực hóa tham vọng này.
Philippines điều chiến đấu cơ bay trên đầu tàu Trung Quốc ở đá Ba Đầu mỗi ngày
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines thông báo nước này điều thêm lực lượng hải quân và dự định điều chiến đấu cơ đến Đá Ba ... |
Ngày đăng: 13:00 | 02/04/2021
/ anninhthudo.vn