Nhu cầu vàng bùng nổ của Trung Quốc khiến người mua vàng ở khắp mọi nơi tự tin đầu tư vào kim loại quý này bởi cho rằng giá sẽ còn tăng hơn nữa.

 

china

Việc giá vàng năm nay cao nhất mọi thời đại, trên 2.400 USD/ounce, đã thu hút thị trường toàn cầu, và Trung Quốc – nhà sản xuất và tiêu thụ kim loại quý lớn nhất thế giới - là tâm điểm của giá tăng phi thường.

Căng thẳng địa chính trị ngày càng tồi tệ, bao gồm cả xung đột ở Trung Đông và Ukraine, và triển vọng lãi suất của Mỹ sẽ giảm, tất cả đều đốt cháy vàng như một khoản đầu tư. Nhưng thúc đẩy đà tăng này còn có nhu cầu không ngừng từ Trung Quốc, khi những người mua bán lẻ, quỹ đầu tư, nhà giao dịch hợp đồng tương lai và thậm chí cả ngân hàng trung ương đều coi vàng thỏi như một phương tiện lưu trữ giá trị tài sản trong những thời điểm bất chắc.

Trung Quốc và Ấn Độ thường thay nhau giành danh hiệu thị trường mua vàng nhiều nhất thế giới. Nhưng từ năm 2023, Trung Quốc dường như đã nắm chắc ngôi vị này, khi mức tiêu thụ vàng trang sức, thỏi và tiền xu của người Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục. Nhu cầu trang sức bằng vàng tại nước này đã tăng 10% trong năm 2023, trong khi ở Ấn Độ giảm 6%. Trong khi đó, đầu tư vào vàng xu và vàng miếng của Trung Quốc tăng 28%.

Đáng chú ý hơn nữa là vẫn còn dư địa cho thị trường này tăng trưởng. Trong bối cảnh các lựa chọn đầu tư ở Trung Quốc còn hạn chế, cuộc khủng hoảng kéo dài trong lĩnh vực bất động sản, thị trường chứng khoán biến động và đồng nhân dân tệ suy yếu đều khiến các dòng tiền đổ vào những tài sản được cho là an toàn hơn.

Philip Klapwijk, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Precious Metals Insights có trụ sở tại Hồng Kông cho biết: “Lượng tiền có sẵn trong những trường hợp này rất đáng kể đối với một tài sản như vàng, nhất là đối với những khách hàng mới tham gia vào thị trường vàng”. “Không có nhiều lựa chọn thay thế ở Trung Quốc.”

202404220125321
Du khách xem đồ trang trí bằng vàng tại Triển lãm Sản phẩm Tiêu dùng Quốc tế Trung Quốc lần thứ tư ở Hải Khẩu, thủ phủ tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc vào ngày 17/4/2024 (Ảnh: Tân Hoa Xã).

Mặc dù Trung Quốc khai thác nhiều vàng hơn bất kỳ quốc gia nào khác nhưng nước này vẫn cần nhập khẩu rất nhiều và khối lượng nhập ngày càng tăng. Trong hai năm qua, lượng mua từ nước ngoài đạt tổng cộng hơn 2.800 tấn - nhiều hơn tất cả số vàng đổ vào các quỹ giao dịch trao đổi (ETF) trên toàn thế giới, hay tương đương khoảng 1/3 lượng dự trữ vàng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Nhập khẩu vàng của Trung Quốc đã tăng mạnh trong thời gian sắp đến Tết Nguyên, mùa cao điểm của thị trường quà tặng, với nhập khẩu trong hai tháng đầu năm 2024 tăng 53% so với cùng kỳ năm 2023. Kể quả qua mùa cao điểm như thông lệ, tốc độ tăng nhập khẩu vàng vào Trung Quốc đến nay vẫn chưa dừng lại.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã tăng cường mua vàng suốt 17 tháng liên tiếp, đợt mua dài nhất từ trước đến nay, nhằm đa dạng hóa nguồn dự trữ của mình khỏi đồng USD và phòng ngừa sự mất giá của tiền tệ. Họ trở thành khách mua vàng nhiệt tình nhất trong số các ngân hàng trung ương đang mua vàng, với nhập khẩu năm 2023 đạt kỷ lục và dự kiến sx tiếp tục duy trì lượng mua trong năm 2024.

Điều này cho thấy sức hấp dẫn của vàng khi nhu cầu của Trung Quốc vẫn rất cao, bất chấp giá kỷ lục và đồng nhân dân tệ yếu đi làm giảm sức mua của các khách hàng.

Kể cả dòng chảy vàng ra – vào các quỹ ETF cũng đổi chiều. Theo Bloomberg Intelligence, kể từ tháng 6/2023, hầu như hàng tháng tiền đều chảy ròng vào các quỹ ETF vàng ở Trung Quốc đại lục hầu. Điều đó trái ngược với dòng vốn chảy ra mạnh mẽ của các quỹ vàng ở các nơi khác trên thế giới. Nguyên nhân của hiện tượng trái ngược này cũng được cho là bởi người Trung Quốc có ít lựa chọn hơn ở các nước khác, ngoài tài sản và cổ phiếu trong nước.

Dòng tiền đổ vào các quỹ ETF vàng ở Trung Quốc đã đạt tổng cộng 1,3 tỷ USD trong năm nay, so với 4 tỷ USD dòng tiền chảy ra từ các quỹ ở nước ngoài.

Là nước nhập khẩu lớn nên người mua vàng trên thị trường nội địa Trung Quốc thường phải trả giá cao hơn so với giá quốc tế. Mức chênh lệch này đã tăng lên 89 USD/ounce vào đầu tháng 4/2024. Hiện tại, các đại lý ở Trung Quốc bán vàng với giá cao hơn 30 – 50 USD/ounce so với giá tham chiếu trên thị trường quốc tế. Trong khi đó, mức chênh lệch trung bình trong năm 2023 là 35 USD so với mức trung bình lịch sử chỉ là 7 USD.

Việc giá vàng trong nước tăng quá mạnh đã khiến truyền thông Trung Quốc phải cạnh báo các nhà đầu tư không nên theo đuổi đà tăng, trong khi cả Sàn giao dịch vàng Thượng Hải và Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) đều tăng yêu cầu ký quỹ đối với một số hợp đồng để ngăn chặn việc nhà đầu tư chấp nhận rủi ro quá mức. Động thái của SHFE diễn ra sau khi khối lượng giao dịch hàng ngày tăng vọt lên mức cao nhất trong 5 năm.

Joseph Stefans, Trưởng bộ phận giao dịch của MKS PAMP cho biết, nhu cầu của Trung Quốc vẫn mạnh bất chấp giá tăng và chúng tôi kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục do các nhà giao dịch Trung Quốc lo lắng về việc nội tệ tệ tiếp tục mất giá và căng thẳng địa chính trị gia tăng. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc suy yếu xuống mức thấp nhất trong 5 tháng so với đồng USD.

Peter Fung, người phụ trách bộ phận giao dịch tại Wing Fung Precious Metals ở Hồng Kông, cũng cho biết: “Nhu cầu vàng hàng thực ở Trung Quốc vẫn đang rất mạnh. Mọi người vẫn quan tâm và vẫn muốn mua một ít vàng như một nơi trú ẩn an toàn, bao gồm cả những nhà đầu tư nhỏ”.

Thông thường, mức giá cao ngất trời có thể sẽ làm giảm bớt sự nhiệt tình của người mua đối với vàng miếng, nhưng thị trường đang chứng tỏ khả năng phục hồi một cách bất thường. Người tiêu dùng Trung Quốc thường mua vàng khi giá giảm, điều này giúp thiết lập mức sàn cho thị trường trong thời kỳ suy thoái. Lần này thì không như vậy, vì nhu cầu của Trung Quốc đang góp phần đắc lực đẩy giá lên cao hơn nhiều.

Tóm lại, nhu cầu bùng nổ của Trung Quốc khiến người mua vàng ở khắp mọi nơi tự tin hơn khi đầu tư vào kim loại quý này. Điều đó có thể là căn cứ cho thấy đà tăng giá sẽ bền vững.

https://markettimes.vn/trung-quoc-da-lam-gi-khien-gia-vang-tang-phi-ma-55208.html

Ngày đăng: 17:53 | 22/04/2024

Ngọc Diệp / Markettimes.vn