Sau cuộc hội đàm Mỹ - Trung tại Alaska, People's Daily đăng hình ghép để so sánh sự kiện này với buổi ký một hiệp ước từ thời nhà Thanh.
Năm 1901, nhà Thanh của Trung Quốc phải ký Hiệp ước Tân Sửu, hay còn gọi là Nghị định thư Bắc Kinh, với liên minh gồm 8 quốc gia. Theo các điều khoản của thỏa thuận mà Bắc Kinh coi là bất công, nhà Thanh buộc phải trả các khoản bồi thường lớn sau phong trào Nghĩa Hòa Đoàn, cuối cùng dẫn đến triều đại sụp đổ.
Việc ký kết Hiệp ước Tân Sửu bị coi là chương muốn quên nhất trong lịch sử Trung Quốc. Nhưng giờ đây, nơi từng bị các cường quốc phương Tây "xâu xé" cách đây 120 năm đã trở lại đầy khí thế.
Nhà ngoại giao Dương Khiết Trì (phải) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến cuộc gặp với phía Mỹ tại thành phố Anchorage, Alaska, Mỹ, hôm 18/3. Ảnh: AFP. |
Cảnh nhà ngoại giao hàng đầu Bắc Kinh Dương Khiết Trì "khẩu chiến" với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc hội đàm tại thành phố Anchorage, bang Alaska, Mỹ, được phát lại nhiều lần trên các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc.
"Trung Quốc có nền dân chủ kiểu Trung Quốc. Nhiều người tại Mỹ thực sự không mấy tin tưởng vào nền dân chủ của Mỹ. Họ cũng có quan điểm đa dạng về chính phủ Mỹ", ông Dương nói trong cuộc gặp đầu tiên với đội ngũ của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Theo bình luận viên Mikio Sugeno và Tetsushi Takahashi của Nikkei, thông điệp của Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc rất rõ ràng. Đó là chính quyền dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Tập Cận Bình đã kiềm chế Covid-19 thành công, hệ thống của họ ưu việt hơn nền dân chủ kiểu Mỹ, vốn đã thất bại đau đớn trước đại dịch.
Những phát ngôn đầy tự tin của ông Dương được đánh giá là minh chứng cho thay đổi cơ bản trong quan hệ Mỹ - Trung, điều mà Bắc Kinh đã kiên nhẫn chờ đợi suốt 120 năm qua. Chuyến đi vượt 6.000 km đến đất Mỹ của quan chức này, cùng Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, dường như hoàn hảo cho lễ kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc năm nay.
Với một Trung Quốc đầy khí thế trước cách tiếp cận chính sách đối ngoại mới của Biden, thế đối đầu giữa hai siêu cường giờ đây bước sang giai đoạn mới. Cuộc cạnh tranh đã phát triển từ lĩnh vực kinh tế bao trùm sang các quan điểm toàn cầu rộng lớn hơn.
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump từng cố gây áp lực lên Trung Quốc, nhằm buộc nước này nhượng bộ trong hoạt động thương mại và mua nông sản, đồng thời đe dọa đánh thuế cao hơn và áp lệnh trừng phạt với các sản phẩm công nghệ cao.
Trong khi đó, Biden hướng đến "bao vây" Trung Quốc bằng cách thành lập một "mặt trận thống nhất" với các đồng minh cùng chí hướng. Chính quyền của ông đã lên án Bắc Kinh về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan.
Washington cũng chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc gặp tại Alaska. Đầu tiên, họ tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với nhóm Đối thoại An ninh Tứ giác, hay còn gọi là Bộ Tứ, lần đầu tiên quy tụ lãnh đạo các nước Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.
Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sau đó bay đến Đông Á để gặp những người đồng cấp ở Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh quan trọng giúp đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực.
Thành phố Anchorage được đánh giá là một địa điểm được lựa chọn cẩn thận cho hội nghị, khi nằm giữa Washington và Bắc Kinh.
Theo các bình luận viên của Nikkei, sự "tái sinh" của cuộc đối đầu Đông - Tây đặt ra thách thức nghiêm trọng với thế giới. Nó có khả năng cản trở hợp tác trong những lĩnh vực mà hai bên có thể "bắt tay" vì lợi ích toàn cầu, như chống lại Covid-19 và ứng phó biến đổi khí hậu.
Daniel Russel, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết hình thức hợp tác có chọn lọc giữa Washington và Bắc Kinh, một điều khả thi trong quá khứ, giờ đây trở nên khó khăn hơn nhiều.
"Trung Quốc đã mạnh mẽ và tự tin hơn. Người lãnh đạo đất nước cũng quyết liệt hơn nhiều. Còn Mỹ đang ở vị thế yếu hơn so với cách đây 5 năm", ông nhận xét.
Trong số 8 quốc gia ký Hiệp ước Tân Sửu với nhà Thanh có một nước châu Á mà dường như Trung Quốc vẫn chưa quên, là Nhật Bản.
"Nhật Bản, với mục đích ích kỷ là ngăn cản sự hồi sinh của Trung Quốc, sẵn sàng hạ mình để hành động như một chư hầu chiến lược của Mỹ", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, phát biểu trong cuộc họp báo hôm 17/3. Đây dường như là lời cảnh báo rằng Nhật không nên bắt tay với phương Tây, như 120 năm trước.
Trong văn bản được công bố sau cuộc gặp giữa các lãnh đạo ngoại giao và quốc phòng Mỹ - Nhật, hai nước đều bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc chắc chắn sẽ nỗ lực gây sức ép lên Nhật Bản, quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc lớn vào nước này, từ đó đặt ra thử thách ngoại giao với Tokyo.
Ánh Ngọc (Theo Nikkei)
Trung Quốc và Mỹ bất ngờ hợp tác sau cuộc đàm phán căng thẳng ở Alaska |
Biden cứng rắn bất ngờ với Nga, Trung |
Ngày đăng: 07:56 | 22/03/2021
/ vnexpress.net