“Bão” Covid-19 quét qua nền kinh tế Trung Quốc (TQ) thì Ấn Độ cũng không dễ bám đuổi “đại công xưởng” TQ chứ chưa nói bắt kịp và vượt qua. Song dù sao, đây là dịp để Ấn Độ cũng như các nền kinh tế khác hoạch định lại, tránh quá phụ thuộc kinh tế TQ.

trung quoc co con la dai cong xuong cua the gioi khi hung bao covid 19

Nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 trong những tháng đầu năm 2020

Kinh tế Trung Quốc lao đao vì Covid-19

Liên hiệp các phòng thương mại và công nghiệp Ấn Độ (Assocham) ngày 1-3 cho rằng, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nặng nề do sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19, Ấn Độ có thể thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường trên toàn cầu để lấp khoảng trống do Trung Quốc để lại. Theo Tổng Thư ký Assocham, ông Deepak Sood, Ấn Độ trước mắt có thể xuất các mặt hàng như da thuộc và sản phẩm từ da thuộc sang những thị trường do Trung Quốc bỏ trống.

Ông Deepak Sood cho biết thêm, Ấn Độ cũng có thể tận dụng cơ hội trong các lĩnh vực như nông sản và thảm lót sàn, cũng như cần mở rộng một số lĩnh vực để cạnh tranh hiệu quả với Trung Quốc. Tổng Thư ký Assocham cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với toàn thế giới, các nền kinh tế lớn như Ấn Độ có nhiệm vụ lấp đầy những khoảng trống trên thị trường toàn cầu và phải có chiến lược rõ ràng trong việc tiếp cận vấn đề này.

Phát biểu của quan chức Assocham diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc nói chung, sản xuất hàng hóa nói riêng, đang phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 vốn xuất phát từ quốc gia được gọi là “đại công xưởng của thế giới” và gây thiệt hại nặng nề nhất với hơn 80.000 người mắc bệnh và hơn 2.900 người tử vong. Số liệu chính thức đầu tiên của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 29-2 vừa qua cho thấy, chỉ số sản xuất quản lý thu mua (PMI) vốn được xem như là thước đo tình hình “sức khỏe” ngành sản xuất của nước này đã giảm từ 50 hồi tháng 1 xuống 35,7 trong tháng 2.

Các chuyên gia phân tích cho biết, chỉ số PMI càng thấp hơn 50 thì hoạt động sản xuất càng co lại. Trong khi đó, PMI trong tháng 2-2020 của Trung Quốc đạt mức thấp nhất mọi thời đại, thấp hơn cả trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Vào tháng 11-2008, chỉ số sản xuất PMI chính thức của Trung Quốc đã rơi xuống mức 38,8.

Không chỉ có vậy chỉ số phi sản xuất PMI, thước đo “sức khỏe” của ngành Dịch vụ và Xây dựng của Trung Quốc, cũng giảm từ 54,1 vào tháng 1 xuống 29,6 vào tháng 2. Các chuyên gia phân tích trước đó cũng từng dự đoán chỉ số phi sản xuất PMI tháng 2 của Trung Quốc là 50,5.

Kinh tế Trung Quốc được dự báo chịu thêm cú sốc nữa trong quý I năm nay khiến các nhà kinh tế dự báo GDP Trung Quốc quý này chỉ tăng 2%. Capital Economics thậm chí còn cho rằng, kinh tế sẽ tăng trưởng âm trong quý I, mức tăng trưởng âm lần đầu tiên trong gần 30 năm qua.

Nhằm giảm thiểu tối đa tác động của “cơn bão” Covid-19 với nền kinh tế, cùng với các biện pháp kích thích, nới lỏng…, Chính phủ Trung Quốc đã thúc giục giới chức địa phương, các nhà máy và công nhân tái khởi động sản xuất càng sớm càng tốt tại các vùng ít chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, các biện pháp được đưa ra khá chậm chạp. Nhiều lao động từ vùng khác, đặc biệt là tỉnh Hồ Bắc, vẫn chưa thể làm việc do bị cách ly hoặc phong tỏa.

Số liệu chính thức cho thấy đến hết tháng 2-2020 mới chỉ có hơn 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc khôi phục hoạt động kể từ khi nghỉ Tết Nguyên đán, tức là đã dừng sản xuất hơn 1 tháng liên tục. Dù vậy, nhiều công ty chỉ hoạt động dưới công suất.

Chuyển hướng để tránh phụ thuộc kinh tế Trung Quốc

Khi dịch Covid-19 tấn công ở Trung Quốc, nhiều nhà phân tích đã cảnh báo tác động của dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này lên chuỗi cung ứng toàn cầu có thể kéo tụt triển vọng hồi phục của các hãng sản xuất Trung Quốc. Nhiều nền kinh tế thế giới cũng đã phải lao đao, đình đốn vì thiếu nguyên vật liệu sản xuất do dịch bệnh làm ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc cũng như hoạt động sản xuất tại quốc gia được mệnh danh là “đại công xưởng của thế giới” này.

Chính vì thế, nhiều quốc gia trong dịp dịch Covid-19 này đã đánh giá, xem xét lại nền kinh tế để có sự tính toán, chuyển hướng để khỏi quá phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu cũng như hàng hóa từ Trung Quốc. Là một nền kinh tế đang trỗi dậy và cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc, Ấn Độ đương nhiên càng muốn thúc đẩy mạnh hơn hoạt động sản xuất để bù đắp lại những khoảng trống trong nền kinh tế thế giới do thiếu hụt nguồn cung từ “đại công xưởng” Trung Quốc.

Thực ra, với lợi thế của một quốc gia đông dân thứ 2 thế giới và nói tiếng Anh, Ấn Độ đã khởi xướng kế hoạch “Make in India” (không phải “Made in India”) vào năm 2014 để biến nước này thành một trung tâm sản xuất toàn cầu. Cụ thể, kế hoạch này nhắm tới thu hút đầu tư cho các cơ sở hạ tầng, sản xuất, thúc đẩy cải cách, tăng cường kỹ năng của người lao động, bảo vệ bản quyền trí tuệ cũng như xây dựng một hệ thống hoàn thiện cho ngành sản xuất.

Chỉ sau 3 năm triển khai kế hoạch, Ấn Độ đã nhận được 230 tỷ USD cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong đó, ngay năm đầu tiên 2015, Ấn Độ trở thành điểm thu hút vốn FDI lớn nhất thế giới với hơn 60 tỷ USD, vượt qua cả Mỹ và Trung Quốc và tiếp tục thu hút được 60 tỷ USD vốn FDI một năm sau đó.

Tuy nhiên, dù “bão” Covid-19 quét qua nền kinh tế Trung Quốc thì Ấn Độ cũng không dễ bám đuổi “đại công xưởng” Trung Quốc chứ chưa nói bắt bịp và vượt qua. Song dù sao, đây là dịp để Ấn Độ cũng như các nền kinh tế khác hoạch định lại, tránh quá phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.

trung quoc co con la dai cong xuong cua the gioi khi hung bao covid 19 Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc thấp kỷ lục

Chỉ số sản xuất (PMI) của Trung Quốc tháng 2 chỉ là 35,7 – thấp hơn rất nhiều mức 50 hồi tháng 1.

Ngày đăng: 09:45 | 03/03/2020

/ anninhthudo.vn