Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chỉ trích chính sách ngoại giao của Mỹ ở châu Á, cho rằng nó gây chia rẽ kích động đối đầu.
"Cái được gọi là chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ về cơ bản là một chiến lược tạo ra chia rẽ, kích động đối đầu và phá hoại hòa bình, Cho dù được che đậy hay ngụy trang thế nào, cuối cùng, chắc chắn nó sẽ thất bại", ông Vương cho hay hôm 22/5.
Ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định mục tiêu hiện tại của Washington là tạo ra các nhóm nhỏ nhân danh tự do và cởi mở trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc.
"Điều đặc biệt nguy hiểm là Mỹ dùng quân bài Đài Loan và Biển Đông để gây hỗn loạn tại khu vực", Ngoại trưởng Trung Quốc nói thêm.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có chuyến công du kéo dài 4 ngày tới Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trong chuyến thăm, nhà lãnh đạo Mỹ có cuộc gặp song phương với Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Ông cũng sẽ tham dự hội nghị với các nhà lãnh đạo Nhóm Đối thoại An ninh “Bộ tứ kim cương” (QUAD) gồm Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ.
Theo các chuyên gia, mục tiêu của công du châu Á đầu tiên của Tổng thống Biden kể từ khi nhậm chức là thể hiện sự can dự của Mỹ ở châu Á trong khi gửi một thông điệp tới Trung Quốc cũng như Triều Tiên rằng các liên minh khu vực với Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn rất mạnh mẽ.
Washington thời gian qua tăng cường quan hệ với Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm đối phó với các vấn đề cấp bách của khu vực, bao gồm sự thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu và vấn đề Đài Loan.
Thông qua chuyến thăm lần này, không chỉ với Hàn Quốc và Nhật Bản, ông BXoáiden cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ của các đồng minh và đối tác trong nhóm QUAD trong ứng phó với các vấn đề quốc tế bao gồm hạn chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Dự kiến ông Biden sẽ giới thiệu Khung Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từng được cho ra mắt hồi tháng 10 năm ngoái. Mỹ kỳ vọng Khung kinh tế này sẽ làm đối trọng với Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực của Trung Quốc, qua đó làm giảm ảnh hưởng toàn cầu của nước này.
Ngày đăng: 08:28 | 23/05/2022
SONG HY(Nguồn: AFP) / Theo VTC News