Theo SCMP, mẫu đạn thông minh do Trung Quốc phát triển có khả năng tấn công chính xác mục tiêu ở tốc độ siêu thanh.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin các nhà khoa học hải quân Trung Quốc tuyên bố đã tạo ra mẫu đạn thông minh hoàn toàn mới có khả năng tấn công chính xác mục tiêu ở tốc độ siêu thanh.

SCMP cho biết, loại đạn pháo thông minh được Trung Quốc phát triển có thể di chuyển với tốc độ Mach 7 - gấp 7 lần tốc độ âm thanh (hơn 8.300 km/h). Không những thế nó còn có thể thay đổi mục tiêu theo yêu cầu thông qua hệ thống định vị vệ tinh.

dan-phao-sieu-thanh-11445015
Mẫu đạn thông minh do Trung Quốc phát triển có khả năng tấn công chính xác mục tiêu ở tốc độ gấp 7 lần âm thanh.

Mẫu đạn pháo mới được giới thiệu có thể tấn công chính xác mục tiêu với sai số dưới 15m. Về cơ bản dùng đạn pháo thông minh đánh chặn các mục tiêu nhỏ như xe tăng, xe bọc thép thường khó thành công tuy nhiên nó có thể được sử dụng để tấn công những mục tiêu lớn như tàu chiến, bến cảng, căn cứ quân sự, trận địa pháo binh.

SCMP cho biết, hải quân Trung Quốc bắt đầu phát triển đạn pháo thông minh sau khi quân đội Mỹ phát triển chương trình vũ khí tương tự. Mẫu đạn pháo của Mỹ về lý thuyết có thể bay với vận tốc Mach 5 (hơn 5.900 km/h) và được dẫn đường bằng GPS.

Quân đội Mỹ lần đầu tiên đề xuất khái niệm đạn pháo siêu thanh vào năm 2012 và đặt ra mục tiêu thử nghiệm vũ khí này vào năm 2017. Tuy nhiên sau 5 năm, chương trình gần như dậm chân tại chỗ và bị hủy bỏ vào năm 2021.

Đội ngũ phát triển đạn Mach 7 của Trung Quốc cũng cho biết, tuy Mỹ bắt đầu phát triển công nghệ này trước nhưng bản thân họ lại không nhận được sự hỗ trợ nào từ các nhà khoa học phương Tây.

Ông Feng Junhing thuộc Đại học kỹ thuật hải quân Trung Quốc viết trên một tạp chí kỹ thuật vào tháng 11 rằng: “Chúng tôi không có tài liệu hướng dẫn, thậm chí chưa từng tiếp cận được phần giới thiệu về hệ thống đạn pháo thông minh dẫn đường của Mỹ, đặc biệt là thành phần định vị vệ tinh”.

Công nghệ đạn pháo thông minh dự kiến ​​sẽ được sử dụng rộng rãi trong các tình huống chiến trường vì nó tương đối tiết kiệm chi phí để sản xuất nhưng vẫn duy trì khả năng tấn công tầm xa, chính xác và có thể được kết hợp với tên lửa.

Tuy nhiên, trong quá trình bắn các quả đạn tạo ra một trường điện từ đáng kể và có thể làm hỏng các bộ phận điện tử của hệ thống vũ khí bắn như vi mạch hoặc ăng-ten, thậm chí làm hỏng hệ thống định vị vệ tinh của chính nó.

Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết họ đã khắc phục được vấn đề này bằng cách phát triển một ăng-ten có thể chịu được tín hiệu điện từ trong khi vẫn duy trì khả năng định vị vệ tinh chính xác.

Hải quân Trung Quốc gần đây cũng cho biết họ đã đạt được một loạt bước đột phá trong phát triển vũ khí, đặc biệt là trong lĩnh vực vũ khí điện từ.

Ngày đăng: 12:57 | 23/01/2024

Trà Khánh / VTC News