Trong khi WHO cho rằng chiến lược "zero Covid" mà Trung Quốc đang áp dụng không bền vững, việc nới lỏng các biện pháp cứng rắn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Tổng giám đốc WHO cho rằng chiến lược "zero Covid" của Trung Quốc không bền vững, xét theo những gì đã được biết đến về loại virus này.

"Chúng tôi không nghĩ rằng chiến lược này bền vững, khi xét đến cơ chế lây lan của virus và những gì chúng ta dự đoán trong tương lai", Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong cuộc họp báo tại trụ sở ở Geneva, Thụy Sĩ hôm 10/5.

1-08444151
WHO cho rằng chiến lược "zero Covid" của Trung Quốc không bền vững

Theo người đứng đầu WHO, việc nâng cao hiểu biết về virus cùng các công cụ tốt hơn để phòng chống Covid-19 cũng cho thấy đã đến lúc phải thay đổi chiến lược.

Phát biểu của ông Tedros được đưa ra trong bối cảnh giới chức Trung Quốc quyết tâm chống dịch bằng các biện pháp cứng rắn, dù lệnh phong tỏa nghiêm ngặt và kéo dài gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Giám đốc phụ trách tình huống khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho rằng đã đến lúc phải nhấn nút khởi động lại và bất kỳ biện pháp chống dịch nào cũng cần phải thể hiện "sự tôn trọng thích đáng đối với các quyền cá nhân và con người".

Quan chức này lưu ý Trung Quốc đã ghi nhận 15.000 ca tử vong kể từ khi Covid-19 xuất hiện lần đầu ở thành phố Vũ Hán cuối năm 2019, một con số tương đối thấp so với gần một triệu người ở Mỹ, hơn 664.000 người ở Brazil và hơn 524.000 người ở Ấn Độ. Theo ông Ryan, từ đó có thể hiểu được lý do quốc gia đông dân nhất thế giới muốn thực hiện biện pháp cứng rắn để hạn chế lây lan.

Mặc dù vậy, việc loại bỏ “Zero Covid” có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nghiên cứu mới dự báo làn sóng biến chủng Omicron có thể gây ra 1,5 triệu ca tử vong ở Trung Quốc nếu không áp dụng biện pháp kiểm soát siết chặt và các liệu pháp kháng virus.

Mô hình dự báo của các nhà nghiên cứu Trung Quốc và Mỹ cho thấy với hiệu quả và mức độ bao phủ của vaccine của Trung Quốc, việc không kiểm soát đợt bùng phát bắt đầu với 20 trường hợp nhiễm Omicron vào tháng 3 có thể “tạo ra một cơn sóng thần Covid-19” giai đoạn tháng 5-7.

Đây là nghiên cứu từ Trường Y tế Công cộng tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải và Đại học Indiana ở Mỹ, cùng với cơ quan nghiên cứu tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ. Nghiên cứu đã được bình duyệt và công bố trên tạp chí Nature Medicine hôm 10/5.

Theo đó, sẽ có khoảng 112 triệu trường hợp mắc có triệu chứng trong đợt bùng phát này, tương đương tỷ lệ 80/1.000 người, với 2,7 triệu người trong số họ cần được điều trị tại cơ sở chăm sóc đặc biệt, South China Morning Post đưa tin.

china-beijing-covid-GettyImages
Việc nới lỏng các biện pháp cứng rắn có thể dẫn đến hiệu quả nghiêm trọng

Nghiên cứu ước tính những người trên 60 tuổi chưa được tiêm phòng sẽ chiếm 3/4 (74,7%) số ca tử vong. Tính đến giữa tháng 3, hơn 52 triệu người trong độ tuổi này ở Trung Quốc chưa được tiêm chủng đầy đủ.

Các nhà khoa học cho biết trong tình huống lạc quan nhất, tất cả trường hợp có triệu chứng đều được điều trị bằng thuốc kháng virus Paxlovid - loại thuốc đã được chấp thuận sử dụng ở Trung Quốc. Từ đó, tỷ lệ nhập viện chăm sóc đặc biệt và tử vong có thể giảm gần 89%.

Các nhà khoa học đã sử dụng mô hình toán học phỏng đoán làn sóng biến chủng Omicron giả định ở Trung Quốc dựa trên dữ liệu từ đợt dịch tại Thượng Hải.

 

 

Ngày đăng: 10:21 | 11/05/2022

PV (t/h) / Theo Nghề nghiệp và Cuộc sống