Việc Trump liệt tập đoàn dầu hàng đầu Trung Quốc vào danh sách đen được coi là nỗ lực để khiến Joe Biden phải duy trì lập trường cứng rắn với Bắc Kinh.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 3/12 bổ sung Tập đoàn Dầu khí Hải dương (CNOOC) và Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn quốc tế (SMIC) của Trung Quốc vào danh sách đen gồm những doanh nghiệp trong diện thuộc sở hữu hoặc bị kiểm soát bởi quân đội Trung Quốc.

CNOOC, công ty dầu khí lớn thứ ba ở Trung Quốc, "bị sốc và cảm thấy tiếc", cho rằng động thái này dựa trên "thông tin sai lệch và không chính xác".

4821 1601623666 1 org 1607143941 9876 1607144707
Tổng thống Trump tại Nhà Trắng hồi tháng 7. Ảnh: AFP.

Các doanh nghiệp trong danh sách đen chưa phải chịu biện pháp trừng phạt nào từ Mỹ, nhưng Tổng thống Trump hồi tháng 11 ký sắc lệnh cấm các nhà đầu tư Mỹ mua cổ phần tại những công ty này kể từ cuối năm sau.

Bonnie Glaser, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), chỉ ra rằng luật Mỹ năm 1999 đã quy định Lầu Năm Góc phải liệt kê danh sách các công ty "thuộc sở hữu hoặc bị kiểm soát" bởi quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ mới chỉ thực hiện điều này gần đây.

"Trong tương lai gần, một số công ty đa quốc gia hay các quốc gia có thể cảnh giác hơn khi kinh doanh với CNOOC, nhưng sẽ không có tác động tức thì nào", Glasser nói với VnExpress.

"Đây không phải là các biện pháp trừng phạt tài chính thực sự làm tổn hại đến lợi nhuận của CNOOC. Chúng ngăn cản các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào CNOOC, nhưng họ vốn đã không làm điều đó ngay từ đầu", Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại CSIS đánh giá.

CNOOC là chủ giàn khoan Hải Dương 981 đã xâm phạm vùng biển Việt Nam năm 2014. Doanh nghiệp này được cho là đóng vai trò trực tiếp trong việc thúc đẩy yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales của Australia, chỉ ra rằng có có 35 công ty Trung Quốc nằm trong danh sách đen từ các lĩnh vực hàng không vũ trụ, hóa chất, xây dựng, công nghệ năng lượng và viễn thông. CNOOC là công ty dầu khí đầu tiên được đưa vào danh sách. Tuy nhiên, "động thái sẽ có ít tác động đến các hoạt động khai thác dầu ngoài khơi của họ, bao gồm ở Biển Đông", Thayer nói.

Polling cũng cho rằng động thái của Mỹ "nhiều khả năng không ảnh hưởng lớn" đến vấn đề Biển Đông. "Nhìn vào việc Mỹ gần đây 'chạy nước rút' gia tăng lệnh trừng phạt đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, có thể thấy rõ ràng động thái này không thực sự liên quan đến Biển Đông và do đó sẽ không ảnh hưởng nhiều đến CNOOC về mặt uy tín. Đó là vấn đề của việc sử dụng quá mức các biện pháp trừng phạt. Bạn càng đưa ra nhiều thì chúng càng ít tác động hơn", ông nói.

Chỉ một ngày trước khi liệt CNOOC vào danh sách đen, Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ cho biết họ đã ra lệnh cấm nhập khẩu bông từ Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC), nơi bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức và có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc. Hồi tháng 7, Bộ Tài chính Mỹ cũng cấm tất cả giao dịch bằng đồng USD với XPCC, công ty chiếm 30% sản lượng bông của Trung Quốc hồi năm 2015.

Đầu tuần này, Hạ viện Mỹ thông qua một dự luật có thể đẩy một số công ty Trung Quốc ra khỏi Phố Wall. Dự luật chặn công ty Trung Quốc niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch Mỹ nếu không tuân thủ kiểm toán của Ban giám sát Kế toán Công Mỹ ba năm liên tục. Trump nhiều khả năng ký thông qua luật này trước khi mãn nhiệm.

Reuters hồi tháng 11 đưa tin chính quyền Trump sẽ cấm thêm 89 công ty có liên quan đến quân đội Trung Quốc mua một loạt hàng hóa và công nghệ Mỹ.

Giới chuyên gia đánh giá việc liệt CNOOC vào danh sách đen là một phần trong nỗ lực củng cố di sản cứng rắn đối với Trung Quốc của Trump.

"Năm nay, chính quyền Trump, đặc biệt là Ngoại trưởng Mike Pompeo, đã tăng cường và mở rộng phạm vi các tuyên bố cùng hành động chống Trung Quốc. Quá trình này càng diễn ra mạnh mẽ trong những ngày cuối nhiệm kỳ để cho thấy Tổng thống Trump nỗ lực bảo vệ lợi ích của Mỹ trước một Trung Quốc 'rình mồi", Thayer nói.

Động thái này được cho là nhằm khiến Biden phải duy trì lập trường cứng rắn với Trung Quốc thay vì đảo ngược đường lối. Glaser đánh giá đây là "một trong số hàng chục hành động được chính quyền Trump thực hiện trong những ngày cuối cùng tại vị để 'trói tay' chính quyền Biden sắp tới".

"Đây là động thái phủ đầu để ngăn Biden giảm nhẹ các hạn chế của Mỹ đối với Trung Quốc", Thayer bình luận.

Phương Vũ

Mỹ giáng đòn trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc Mỹ giáng đòn trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc

Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết, Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với quan chức Trung Quốc với cáo buộc “thực hiện ...

Chủ giàn khoan Hải Dương 981 và 3 công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt Chủ giàn khoan Hải Dương 981 và 3 công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt

Chính quyền Trump vừa liệt 4 công ty Trung Quốc vào danh sách liên quan đến quân đội, trong đó có chủ sở hữu giàn ...

Ngày đăng: 13:00 | 06/12/2020

/ vnexpress.net