“Kỷ nguyên Donald Trump” trong quan hệ Mỹ-Nga sẽ không phải là Washington sẽ “cải thiện” hay “hợp tác” mà là đối đầu ngày một quyết liệt với Matxcơva. Nghiên cứu Đạo luật H.R.3364, giới phân tích chính trị quốc tế nhận định, văn kiện này là “lời tuyên chiến với nước Nga”, hoặc “là hành động chuẩn bị châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thế giới mới”...
Quốc hội Mỹ đã làm khó tổng thống Donald Trump trong việc cải thiện quan hệ với Nga |
Ngày 1/8/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức phê chuẩn Đạo luật H.R.3364 với tên gọi “Chống lại sự xâm lược của chính phủ các nước Nga, Iran và Triều Tiên” đã được Hạ viện và Thượng viện thông qua trước đó. Bằng chữ ký phê chuẩn Đạo luật H.R.3364, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không còn cách nào khác là phải tự trói mình, bởi trong chiến dịch tranh cử năm 2016 cũng như sau khi đắc cử ông chủ trương sẽ cải thiện quan hệ và hợp tác với Nga [1,2].
Trong thời gian diễn ra chiến dịch tranh cử tổng thống ở Mỹ năm 2016, dư luận ở Nga tỏ ra phấn khích trước những tuyên bố của ứng cử viên Donald Trump rằng nếu trở thành chủ nhân Nhà Trắng ông sẽ cải thiện quan hệ với Nga, rằng sẽ hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống khủng bố. Thậm chí, trên Twitter cá nhân, ông Donald Trump viết: "Quan hệ tốt đẹp với Nga là điều tốt chứ sao. Chỉ có những kẻ ngốc mới cho rằng đối xử tồi tệ với Nga là tốt cho chúng ta!".
Trong cuộc nói chuyện điện thoại đầu tiên với Tổng thống Nga V.Putin ngay sau khi đắc cử, ông Trump khẳng định sẽ coi Nga là một đối tác chứ không phải là kẻ thù như dưới thời cầm quyền của các đời tổng thống Mỹ sau khi Liên Xô tan rã.
Quan niệm của ứng cử viên Donald Trump về quan hệ Mỹ-Nga xuất phát từ một thực tế là thế giới ngày nay đã thay đổi căn bản, trong đó nước Mỹ đang trải qua cuộc khủng hoảng hệ thống sâu sắc và toàn diện, cả về kinh tế, chính trị và quân sự, và đang đứng trước hai sự lựa chọn lịch sử. Đó là, sự lựa chọn mô hình phát triển lựa chọn trật tự thế giới mới.
Về sự lựa mô hình phát triển, nước Mỹ phải lựa chọn một trong hai mô hình. Mô hình thứ nhất là mô hình chủ nghĩa tư bản tài chính-ngân hàng dựa trên cơ sở bằng mọi cách duy trì vai trò toàn cầu của USD, khởi đầu từ Hiệp định Breton-Wood năm 1944 đã từng đưa nước Mỹ lâm vào nhiều cuộc khủng hoảng, trong đó nghiêm trọng nhất là cuộc khủng hoảng năm 2008. Đây không chỉ là cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế mà là cuộc khủng hoảng hệ thống, trong đó nền kinh tế Mỹ lâm vào tình trạng “bong bóng” với tỷ lệ sản xuất thực chỉ chiếm khoảng 20% GDP. Để khắc phục cuộc khủng hoảng hệ thống này nước Mỹ phải cần tới hàng thập kỷ,
Chủ nghĩa tư bản tài chính-ngân hàng đã đánh mất niềm tin của thế giới vào đồng USD và hiện đang trước nguy cơ bị thu hẹp không gian sinh tồn trước sức ép của đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, đồng Euro của Liên minh châu Âu, đồng yên của Nhật Bản, đồng bảng của Anh, đồng rúp của Nga. Nhiều quốc gia đã từ bỏ vai trò trung gian của USD trong thanh toán thương mại song phương mà là thông qua đồng tiền quốc gia, điển hình là các nước trong Nhóm BRICS (gồm Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Cộng hòa Nam Phi).
Để cứu vớt sự tồn tại của mô hình tư bản tài chính-ngân hàng, Mỹ phải gây ra trạng thái “bất ổn có kiểm soát” trên phạm vi toàn cầu, được thể hiện qua các cuộc xung đột và chiến tranh triền miên kể từ sau Chiến tranh lạnh. Đại diện cho các thế lực ở Mỹ tiếp tục duy trì chủ nghĩa tư bản tài chính-ngân hàng là bà Hillary Clinton.
Hai tổng thống V. Putin và D. Trump lần đầu gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Đức gần đây |
Một mô hình phát triển khác đi theo con đường của chủ nghĩa tư bản công nghiệp nhằm đưa đồng USD trở lại đúng giá trị thực của nó. Đại diện cho các thế lực của chủ nghĩa tư bản công nghiệp mới là Donald Trump. Khi Donald Trump đưa ra chủ trương cũng như mong mỏi của ông vì nước Mỹ với khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America Great Again”), là ông muốn đưa nước Mỹ một lần nữa chiếm vị trí số 1 thế giới như một quốc gia công nghiệp phát triển nhất thế giới. Vì vậy, Donald Trump không chỉ sẵn sàng chống lại quan điểm của Đảng Dân chủ mà còn chống lại sai lầm của một số thế lực ngay trong Đảng Cộng hòa mà ông là một thành viên. Đi theo mô hình này của Donald Trump, người dân Mỹ hy vọng sẽ không còn bị thất nghiệp và thu nhập sẽ tăng, kèm theo đó là cuộc sống sẽ ngày càng thịnh vượng.
Ngoài sự lựa chọn hai mô hình phát triển của nước Mỹ, các thế lực đứng đằng sau hai ứng cử viên cũng lựa chọn hai trật tự thế giới. Một là trật tự thế giới đơn cực hình thành sau Chiến tranh lạnh, trong đó Mỹ là siêu cường duy nhất đóng vai trò lãnh đạo thế giới. Bà Hillary Clinton là đại diện cho các tầng lớp tinh hoa chính trị ở Mỹ đang ra sức duy trì trật tự thế giới này.
Hai là trật tự thế giới đa cực mà Donald Trump là người chủ trương chấp nhận vì đó là xu thế không thể đảo ngược. Theo Donald Trump, Mỹ vẫn là cường quốc vĩ đại nhưng phải hợp tác với các nước khác. Ngoài ra, Mỹ sẽ chấm dứt sự can thiệp trên thế giới, thậm chỉ coi Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương là tổ chức đã lỗi thời. Sự lựa chọn của Donald Trump phù hợp với vị thế của nước Mỹ trong cục diện chính trị-quân sự và kinh tế hiện nay.
Ông Trump đã không thể tự do hành động theo chủ kiến của mình trong vấn đề quan hệ với Nga |
Như vậy, việc nước Mỹ bầu chọn Donald Trump cũng chính là bầu chọn mô hình phát triển chủ nghĩa tư bản công nghiệp thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư và mô hình trật tự thế giới đa cực. Do đó, có thể ông Donald Trump sau khi trở thành tổng thống Mỹ sẽ có những quyết sách có tác động không chỉ làm thay đổi nước Mỹ mà cả thế giới.
Quyết sách đầu tiên mà thế giới trông đợi là sẽ cải thiện quan hệ Mỹ-Nga hiện đã căng thẳng tới mức đáng lo ngại hơn cả thời kỳ Chiến tranh lạnh, sẽ phối hợp với Nga tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố ở Syria và Iraq, sẽ coi Nga là một đối tác chứ không phải là kẻ thù như dưới thời cầm quyền của Tổng thống Barack Obama. Bằng cách đó, hai nước Mỹ và Nga sẽ hợp tác cùng nhau để hóa giải những nguy cơ và thách thức mang tính toàn cầu và tránh cho thế giới lâm vào nguy cơ một cuộc chiến tranh thế giới mới mang tính hủy diệt.
Trên thực tế, sau Chiến tranh lạnh, khi Nga đã lựa chọn con đường hội nhập với phương Tây, có nhiều chính khách cũng như chuyên gia kinh tế ở Mỹ cũng như Nga cho rằng hợp tác với Nga, Mỹ sẽ tạo ra cơ hội phát triển chưa từng có theo công thức kết hợp công nghệ cao và vốn của Mỹ với thị trường đầu tư và tiêu dùng cũng như nguồn tài nguyên gần như vô tận của Nga. Dư luận ở Nga đã sẵn sàng đón nhận một “kỷ nguyên mới” trong quan hệ với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên, những ai hy vọng vào quan hệ Mỹ-Nga sẽ được cải thiện không biết rằng, quan hệ đặc biệt này không phụ thuộc vào việc ai là chủ nhân Nhà Trắng, mà là phụ thuộc vào mục tiêu chiến lược toàn cầu của các tập đoàn tài phiệt thống trị nước Mỹ từ trước Chiến tranh thế giới lần thứ II, trong đó họ coi Nga là vật cản lớn nhất, quan trọng nhất, đối với tham vọng bá chủ thế giới của Washington. Tư duy đó tới nay vẫn chưa thay đổi. Do đó, đóng vai trò then chốt trong quan hệ Mỹ-Nga là các yếu tố khách quan chứ không phải là yếu tố chủ quan. Yếu tố khách quan đó chính là chiến lược toàn cầu của Mỹ [3].
Vì thế, Đạo luật H.R.3364 nhấn mạnh: “Ảnh hưởng ngày càng lớn của nước Nga ở nhiều khu vực trên thế giới là mối đe dọa tới an ninh quốc gia của Mỹ”. Nói trắng ra, Nga là “mối đe dọa lớn nhất đối với tham vọng của Mỹ tiếp tục duy trì vai trò bá chủ thế giới trong trật tự thế giới đơn cực sau Chiến tranh lạnh”. Do đó, Quốc hội Mỹ cấm vận Nga không chỉ vì mục đích kinh tế mà rộng hơn là làm cho nước Nga sụp đổ, tan rã thành các quốc gia nhỏ hơn bởi Nga là quốc gia duy nhất trên thế giới có khả năng hủy diệt Mỹ trong một cuộc đối đầu mà Washington dự tính sẽ phát động.
Đặc biệt là, Tổng thống Mỹ Donald Trump bị dồn vào thế bí chưa từng có một chủ nhân Nhà Trắng nào gặp phải: Đó là quyền phủ quyết của ông gần như bị vô hiệu hóa! Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump không phê chuẩn, thì Đạo luật H.R.3364 vẫn có hiệu lực bởi gần như toàn bộ các nghị sỹ Quốc hội Mỹ đã nhất trí thông qua. Tổng thống Donald Trump đã bị cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ liên kết lại để kiềm chế, mặc dù ông là thành viên của một trong hai đảng đó và hoàn toàn vô hiệu hóa mọi sáng kiến của ông nhằm cải thiện quan hệ với Nga.
Bởi thế, “kỷ nguyên Donald Trump” trong quan hệ Mỹ-Nga sẽ không phải là Washington sẽ “cải thiện” hay “hợp tác” mà là đối đầu ngày một quyết liệt với Matxcơva. Nghiên cứu Đạo luật H.R.3364, giới phân tích chính trị quốc tế nhận định, văn kiện này là “lời tuyên chiến với nước Nga”, hoặc dường như "là hành động chuẩn bị châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thế giới mới” [4].
***
Tài liệu tham khảo và trích dẫn:
[1] Đạo luật H.R.3364. https://www.congress.gov/115/bills/hr3364/BILLS-115hr3364eh.pdf
[2 ] США не демократическое государство, а акционерное общество с диктатурой фашистского типа. http://maxpark.com/community/13/content/5937674
[3] Алексей ФЕНЕНКО о будущем отношений США и России. https://www.pravda.ru/world/northamerica/usacanada/08-04-2017/1329500-rossija_i_amerika-0/
[4] Введя санкции против России Конгресс начал мировую войну. http://maxpark.com/community/13/content/5937175
Ngày đăng: 09:38 | 04/08/2017
/ Đại tá Lê Thế Mẫu/Viettimes