Ngoại trưởng Blinken cho biết Mỹ không coi lệnh trừng phạt đối với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc là trở ngại trong liên lạc giữa bộ quốc phòng hai nước.
“Những biện pháp trừng phạt đó không thể ngăn cản Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc liên lạc với Mỹ. Thực tế việc Bắc Kinh không sẵn sàng tham gia vào các liên hệ như vậy là một quyết định chính trị”, ông Blinken nói với truyền thông hôm 23/7.
Ngoại trưởng Mỹ cho biết Washington "đã nói rất rõ ràng" với Bắc Kinh rằng việc duy trì liên lạc quân sự song phương giữa quân đội hai nước là "trách nhiệm" để tránh mọi tính toán sai lầm cũng như những hiểu lầm không đáng có.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục chờ xem Trung Quốc sẽ làm gì trong vấn đề này”, ông Blinken nói thêm.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc tại Đối thoại Shangri-La. (Ảnh: EPA)
Trước đó vào tháng 5/2023, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller phủ nhận việc Nhà Trắng đang cân nhắc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với ông Lý Thượng Phúc – người nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc hồi tháng 3, thay người tiền nhiệm Ngụy Phượng Hòa.
Khi được hỏi liệu Bộ Ngoại giao Mỹ có đang xem xét dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với vị quan chức Trung Quốc hay không, ông Miller nói: “Không”. Vị phát ngôn viên của Mỹ nói thêm rằng Tổng thống Joe Biden “đã nói rõ rằng chúng tôi không có kế hoạch dỡ bỏ bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với ông Lý hoặc đối với Trung Quốc nói chung”.
Đến tháng 6/2023, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington nói rằng Mỹ nên dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Trung Quốc để khôi phục các mối liên hệ giữa quân đội hai nước, nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ không bao giờ từ chối liên lạc với Mỹ.
Trong khi đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc Pat Ryder khẳng định không có trở ngại nào có thể ngăn cản liên lạc cởi mở giữa Mỹ và Trung Quốc bất chấp căng thẳng gia tăng giữa hai nước.
Năm 2018, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trừng phạt ông Lý và Bộ Phát triển Trang bị thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc – lúc đó ông đang phụ trách – vì mua hàng từ Tập đoàn xuất khẩu vũ khí quốc doanh Nga Rosoboronexport, bao gồm máy bay chiến đấu Su-35 và hệ thống tên lửa đất đối không S-400.
Các hạn chế áp đặt đối với ông Lý bao gồm cấm giao dịch với hệ thống tài chính Mỹ, phong tỏa tất cả tài sản ở Mỹ (nếu có) và cấm cấp thị thực.
Theo Bloomberg, Mỹ có thể bị đặt vào thế kẹt nếu muốn liên lạc với ông Lý để giữ các kênh liên lạc quốc phòng luôn mở trong bối cảnh hai bên luôn căng thẳng.
Ngày đăng: 17:02 | 24/07/2023
/