Sáng 14/4, đánh dấu bước leo thang nguy hiểm mới tại Trung Đông sau đợt tập kích tầm xa bằng khoảng 300 vật thể bay của Iran vào lãnh thổ Israel để đáp trả vụ việc mà Tehran cho rằng, Israel tấn công tòa nhà lãnh sự trong Đại sứ quán nước này tại Syria cách đây hai tuần. Động thái này được đánh giá là lời nhắc nhở nghiêm khắc của Iran rằng, Israel cần thận trọng hơn trong mỗi bước đi tiềm ẩn nguy cơ leo thang chiến tranh của mình.
Bước leo thang nguy hiểm mới
Theo thông báo vừa công bố của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Iran đã sử dụng 120 tên lửa đạn đạo, khoảng 30 tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV) trong cuộc tập kích. Người phát ngôn IDF, Chuẩn đô đốc Daniel Hagari xác nhận, 99% số vũ khí này đã bị lực lượng Mỹ trong khu vực và mạng lưới phòng không Israel đánh chặn trước khi bay vào lãnh thổ nước này.
Cụ thể, theo ông Daniel Hagari, Không quân Israel cùng hệ thống phòng không tầm xa Arrow đã bắn hạ 25 tên lửa hành trình cùng một số quả đạn, trong khi không một chiếc UAV nào bay được vào không phận của Israel. Bên cạnh đó, vào thời điểm diễn ra cuộc tấn công của Iran, Israel đã phát hiện một số UAV và tên lửa được phóng đi từ Iraq và Yemen, nhưng không phương tiện bay nào lọt vào không phận Israel.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, lực lượng nước này đã chặn hàng chục tên lửa và máy bay không người lái tấn công phóng vào Israel từ Iran, Iraq, Syria và Yemen, tuy nhiên không cung cấp thêm thông tin chi tiết về vai trò của mình trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công. "Đây là một thành tựu chiến lược quan trọng", người phát ngôn IDF cho biết trong một thông cáo báo chí. Theo ông, "mối đe dọa từ Iran" đã đụng phải sự ưu việt về công nghệ và năng lực trên không vượt trội của IDF, các yếu tố kết hợp với một "liên minh chiến đấu mạnh mẽ" đã giúp chặn đứng phần lớn mối đe dọa.
Bày tỏ vui mừng trước "chiến thắng" trên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu kêu gọi người dân giữ bình tĩnh, đồng thời tuyên bố nước này đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc tấn công trực tiếp từ Iran và sẽ đáp trả tương xứng, khẳng định các hệ thống phòng thủ của Tel Aviv đã được triển khai và quân đội đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống, cả về phòng thủ lẫn tấn công. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi đánh giá cao việc Mỹ đứng về phía Israel, cũng như sự hỗ trợ của Anh, Pháp và nhiều nước khác".
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cũng tuyên bố Israel đã đẩy lùi làn sóng phóng tên lửa và UAV lớn đầu tiên của Iran nhắm vào Israel, nhưng cuộc đối đầu vẫn chưa kết thúc. Cùng ngày, Nội các Chiến tranh của Israel đã được Nội các An ninh nước này trao quyền quyết định các hành động phản ứng đối với cuộc tấn công của Iran. Điều này đồng nghĩa với việc Nội các Chiến tranh - bao gồm 3 thành viên: Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và cựu Tổng Tư lệnh Quân đội Benny Gantz - sẽ không cần hỏi ý kiến Nội các An ninh trước khi đưa ra các hành động đáp trả nhằm vào Iran.
Về phía Iran, truyền thông nước Cộng hòa Hồi giáo ngày 14/4 đưa tin, khoảng 50 UAV đã được phóng đi và khẳng định, đây chỉ là phần mở đầu của đòn giáng trả, trong khi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) xác nhận, cuộc tấn công đã phá hủy nhiều căn cứ quân sự của Israel và đạt mục tiêu đề ra. Giới chức Iran cảnh báo, họ sẽ đáp trả bằng vũ lực "mạnh mẽ và kiên quyết hơn" nếu Israel trả đũa cuộc tấn công vừa diễn ra, mà Tehran cho rằng, đó là sự đáp trả cho vụ không kích của Nhà nước Do Thái hồi đầu tháng này vào khu phức hợp Đại sứ quán Iran ở Thủ đô Damascus của Syria.
Cùng ngày, phái đoàn thường trực Iran tại Liên hợp quốc (LHQ) thông báo cuộc tấn công nhằm vào Israel "có thể được coi là đã kết thúc", tuy nhiên để ngỏ các phản ứng nghiêm khắc hơn nhiều nếu Israel phạm một sai lầm khác. Phái đoàn cũng yêu cầu Mỹ "tránh xa" cuộc xung đột giữa Tehran và Tel Aviv. Phán đoàn nhấn mạnh, đây là một vấn đề song phương và Iran có quyền đáp trả theo Điều 51 của Hiến chương LHQ về quyền tự vệ do "sự xâm lược của Israel đối với các cơ sở ngoại giao của Iran ở Damascus".
Trong khi đó, Đại sứ và Đại diện thường trực của Iran tại LHQ Amir Saeid Iravani khẳng định, nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ không ngần ngại thực hiện quyền tự vệ vốn có của mình khi cần, đồng thời nhấn mạnh, nếu Israel thực hiện bất kỳ hành động gây hấn quân sự nào một lần nữa, phản ứng của Iran chắc chắn và dứt khoát sẽ mạnh mẽ và kiên quyết hơn.
Đại sứ Amir Saeid Iravani cũng chỉ trích Hội đồng Bảo an LHQ "không duy trì hòa bình quốc tế", cho phép Israel "vi phạm" các chuẩn mực quốc tế đã được thiết lập và "leo thang" căng thẳng trong khu vực. Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Mohammad Reza Ashtiani thì đưa ra cảnh báo, bất kỳ quốc gia nào giúp Israel tiến hành một cuộc tấn công chống lại Iran sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng. Bộ Quốc phòng Iran yêu cầu các nước không mở không phận để cho phép Israel tấn công vào lãnh thổ nước này, nếu không "sẽ nhận được đáp trả mạnh mẽ".
Cần chấm dứt hành động thù địch ngay lập tức
Cộng đồng quốc tế đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về những diễn biến leo thang nguy hiểm nói trên. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi các bên "lập tức chấm dứt hành động thù địch", kiềm chế tối đa để tránh hành động dẫn đến đối đầu quân sự quy mô lớn trên nhiều mặt trận ở Trung Đông. Ông tái khẳng định khu vực và thế giới sẽ không thể chịu thêm bất kỳ cuộc chiến nào nữa. Các nước trong khu vực cũng bày tỏ lo ngại trước nguy cơ xung đột Iran- Israel leo thang thành cuộc chiến toàn diện ở Trung Đông.
Bộ Ngoại giao Ai Cập và Bộ Ngoại giao Argentina cũng bày tỏ "quan ngại sâu sắc" trước sự leo thang căng thẳng và kêu gọi các bên liên quan "kiềm chế tối đa". Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết, nước này sẽ liên hệ trực tiếp với tất cả các bên liên quan để cố gắng ngăn chặn tình hình. Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cũng tái khẳng định quan điểm của nước này, trong đó, nhấn mạnh vai trò của Hội đồng Bảo an LHQ trong việc duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, đặc biệt là ở Trung Đông - khu vực vốn rất nhạy cảm đối với hoà bình và an ninh toàn cầu.
Theo bộ trên, việc ngăn chặn bất kỳ đợt leo thang căng thẳng nào nữa tại Trung Đông là rất quan trọng. Các động thái khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn sẽ chỉ dẫn đến "hậu quả thảm khốc". Italy, nước tiếp giáp Địa Trung Hải và thường chịu tác động từ căng thẳng địa chính trị, làn sóng tị nạn do xung đột ở Trung Đông, tỏ ý lo ngại về diễn biến lần này. Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani cho biết đang theo dõi sát sao cuộc xung đột "với sự chú tâm và lo lắng". Chính phủ Italy tuyên bố sẵn sàng "đối phó mọi kịch bản".
Mỹ cùng các đồng minh phương Tây đã phản ứng mạnh mẽ. Tổng thống Joe Biden đã triệu tập cuộc họp của Nhóm An ninh quốc gia để đánh giá cuộc tấn công của Iran nhằm vào Israel. Mỹ đã cử một tàu tấn công đổ bộ USS Bataan và 2.500 lính thủy đánh bộ tới Đông Địa Trung Hải. Cùng với đó là 2 tàu khu trục và một tàu tuần dương ở Biển Đỏ được trang bị đầy đủ vũ khí chống tên lửa đều đã được lệnh bắn hạ mọi tên lửa hoặc UAV trên đường hướng tới Israel.
Hải quân Mỹ không xác nhận thông tin, song, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mathew Miller nhấn mạnh, Washington đã gửi thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ tới Tehran rằng, "họ không nên leo thang cuộc xung đột này", trong khi Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson nhắc lại sự ủng hộ của Tổng thống Joe Biden đối với an ninh của Israel. Bà khẳng định, Washington hỗ trợ đồng minh Israel trước những mối đe dọa từ Iran và cho biết, người đứng đầu Nhà Trắng được cập nhật thường xuyên về tình hình chiến sự.
Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne thì cho rằng, đây là "cấp độ mới" về căng thẳng an ninh, và rằng "Iran đang liều lĩnh trong hành động leo thang quân sự". Ông đồng thời nhắc lại cam kết của Pháp đối với an ninh của Israel. Về phần mình, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell nhấn mạnh, đây là "sự leo thang chưa từng có" và "đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh khu vực".
Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng đưa ra quan điểm tương tự, đồng thời cho biết đang khẩn trương làm việc với các đồng minh để ổn định tình hình và ngăn chặn căng thẳng leo thang hơn nữa. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cũng cảnh báo cả khu vực sẽ rơi vào hỗn loạn. Trong khi đó, Phó Đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại LHQ Dmitry Polyansky cảnh báo căng thẳng giữa Israel và Iran có nguy cơ châm ngòi cho cuộc khủng hoảng mới dữ dội tại Trung Đông. Bộ Ngoại giao Nhật Bản ra thông cáo nêu rõ, Tokyo phản đối cuộc tấn công trả đũa của Iran nhằm vào Israel, gọi đây là diễn biến leo thang và bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình này.
Các diễn biến mới này là đỉnh điểm của một tuần đặc biệt căng thẳng tại khu vực Trung Đông vốn luôn bất ổn. Việc Iran tuyên bố tấn công các lợi ích của Israel trên thế giới kéo theo nguy cơ làm leo thang chiến tranh ở Gaza, thậm chí có thể lan sang cả nước Mỹ. Giới quan sát nhận định với cuộc chiến giữa Israel và tổ chức Hồi giáo Hamas của người Palestine tại Dải Gaza chưa có dấu hiệu chấm dứt, những diễn biến nguy hiểm này càng khiến nguy cơ về một cuộc xung đột lan rộng tại Trung Đông trở nên cận kề hơn dù Iran tuyên bố "cuộc tấn công đã kết thúc".
Vụ tấn công của Iran có thể coi là lời nhắc nhở nghiêm khắc của nước này rằng Israel cần thận trọng hơn trong mỗi bước đi tiềm ẩn nguy cơ leo thang chiến tranh của mình. Hơn lúc nào hết, LHQ và cộng đồng quốc tế cần nỗ lực đoàn kết, có các bước đi khẩn cấp để hối thúc các bên liên quan kiềm chế, tiến hành hòa đàm và giữ "cái đầu lạnh" trong mỗi lựa chọn để hạn chế tối đa những quyết định sai lầm, đẩy Trung Đông vào một vòng xoáy bạo lực nguy hiểm mới, gây tổn hại tới dân thường, tàn phá khu vực và đe dọa hòa bình, an ninh thế giới.
https://cand.com.vn/the-gioi-24h/trung-dong-lai-suc-soi-khi-iran-tan-cong-israel-i728268/
Ngày đăng: 08:19 | 15/04/2024
Khổng Hà / cand.com.vn