Lần thứ hai trúng số, vợ chồng ông M (Long An) cho vay nặng lãi. Khi vỡ nợ phải sống cảnh tha phương.
Nhắc vợ chồng ông T.V.M, người dân ở xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, Long An ai cũng biết. Chị Thuỷ, hiện 49 tuổi bán quán nước ở ấp 4 nói: ‘Trúng số xong không chịu đi làm ăn, ăn tiêu hoang phí nên vợ chồng ông ấy đổ nợ. Từ gia đình có của ăn của để, giờ vợ đi bán vé số, chồng làm bảo vệ’.
Vợ chồng cùng trúng số
Trước đây, vợ chồng ông M có căn nhà cấp bốn, rộng hơn 200 m2 nằm ngay chợ Nhựt Tạo, ở ấp 1/3. Bên cạnh là cây cầu treo đi bộ Danh Biềng bắc qua sông, nối xã Nhựt Ninh và xã An Nhựt Tân. Hiện vợ chồng ông M đã rời xứ.
Người dân ở ấp 1/3 cho biết, vợ chồng ông M trước đây mở đại lý bia. Việc kinh doanh ban đầu rất khấm khá.
Năm 1991, việc mua bán vé số bắt đầu rầm rộ ở chợ Nhựt Tạo. Đã có nhiều người ở ấp 1/3 trúng số, cuộc sống trở nên khá giả.
Vợ chồng ông M cũng mua vé số. Thời gian đầu, ‘thần may mắn’ không gõ cửa nhà ông. Tuy thế, ông vẫn không bỏ cuộc.
Một ngày, ông M mua 30 tờ vé số, trong đó có 10 tờ có dãy số giống nhau. Như thường lệ, 3 giờ chiều ông đến đại lý vé số chờ xem kết quả. Sau khi nhà đài thông báo, ông reo lên vì cả 10 tờ có số giống nhau trúng giải đặc biệt, trị giá mỗi tờ 50 triệu đồng.
Sau khi mở tiệc ăn mừng, mời bà con đến chia vui, vợ chồng ông M dùng tiền trúng số mở thêm các đại lý bia ở địa phương và bên Gò Công (Tiền Giang), mua ghe, xe tải để đi lấy bia và luân chuyển từ đại lý này đến đại lý khác.
Ngoài làm ăn, mỗi ngày, ông cũng bỏ ra 1-2 triệu đồng mua vé số. Vì mua nhiều, ông trúng giải đặc biệt thêm hai lần nữa. Mỗi lần là 10 tờ có dãy số giống nhau.
Liên tiếp nhận khoản tiền lớn mà không phải vất vả làm việc, ông M chi tiêu phung phí, ngày nào cũng tổ chức ăn nhậu tại nhà, việc làm ăn trở nên ngưng trệ. Sau 6 năm trúng số, ông đóng cửa hết các đại lý bia, thành người nghiện rượu, phải cầm nhà trả nợ.
Trong lúc cuộc sống tưởng như bế tắc thì bà Th (vợ ông M) trúng số, giải độc đắc. Nhận giải thưởng xong, bà chuộc lại nhà, dành một phần trả nợ, phần còn lại thì cho vay lãi đen, hi vọng lấy tiền lãi trả nợ. Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính, vợ chồng bà Th bị người ta quỵt nợ. Số nợ cũ chưa trả hết, tài sản trong nhà không còn gì giá trị, vợ chồng bà phải bán nhà, bỏ xứ ra đi.
Đã có nhiều người dân ở An Nhựt Tân trúng độc đắc, nhưng sau đó lại rơi vào cảnh nợ nần. |
Vợ đi bán vé số, chồng làm bảo vệ
Một ngày cuối tháng 8, chúng tôi tìm đến nhà vợ chồng ông M. Căn nhà cấp 4 bên sông của vợ chồng ông trước đây đã thay chủ mới. Hiện vợ chồng bà A (SN 1956) là người sở hữu căn nhà này.
Bà A cho biết, vợ chồng bà mua căn nhà từ năm 2014, giá 500 triệu đồng. ‘Lúc trước căn nhà này lụp xụp, ẩm thấp, rắn rết nhiều lắm.
Sau khi nhận nhà của vợ chồng ông M, gia đình bà A xây mới lại để làm chỗ ở và làm nơi sinh hoạt cho đại gia đình mỗi khi có tiệc, đám giỗ cha mẹ.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh Phương, chủ tịch UBND xã An Nhựt Tân cho biết, những năm 90 kinh tế vợ chồng ông M thuộc hàng khá giả ở địa phương. Lúc đó, ông M làm ăn chăm chỉ.
Từ khi trúng số, ông thay đổi: ăn chơi, nhậu nhẹt, bài bạc, mê vé số, việc kinh doanh cũng vì thế đi xuống. Sau đó thì ông phá sản và đổ nợ.
Ông Phương cho biết, hiện nay vợ chồng ông M đã chuyển đến nơi khác sống. ‘Tôi được biết, ông ấy đang đi làm bảo vệ, bà Th thì bán vé số. Hai vợ chồng ở trọ tại Long An’, ông Phương thông tin.
Theo ông Phương, hiện nay, nhiều người dân ở An Nhựt Tân bỏ ra cả triệu mỗi ngày để mua vé số, mong nhận được 'lộc trời', vì thế, ông hy vọng câu chuyện của vợ chồng ông M là bài học cho nhiều người.
Đó là việc tiêu tiền không đúng mục đích và quá ỷ lại vào vận may. Một lần nữa ông mong người dân trong xã hãy ‘cai’ vé số và kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình, đừng mong vào lộc ‘trời cho’.
Tú Anh
Ngày đăng: 15:04 | 05/09/2019
/ vietnamnet.vn