Mặc dù Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vẫn cam kết tiếp tục chính sách của chính quyền người tiền nhiệm Joe Biden là ưu tiên cao cho hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong số tất cả các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực, Hàn Quốc có lẽ là quốc gia “lo lắng và hồi hộp nhất” về việc ông Trump trở lại Nhà Trắng, theo giới quan sát.

Một trong những lý do là "mối tình" của ông Trump, mặc dù không thành công, với CHDCND Triều Tiên, đặc biệt là quan hệ cá nhân với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông.

Tái hợp thượng đỉnh?

Mặc dù chưa được nhóm quan chức phụ trách việc chuyển giao quyền lực của ông Trump chính thức xác nhận, một bản tin của hãng Reuters cho biết hai thành viên trong nhóm này tiết lộ rằng họ đang thảo luận về "việc theo đuổi các cuộc đàm phán trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, hy vọng một động thái ngoại giao mới có thể làm giảm nguy cơ xung đột vũ trang" trên bán đảo Triều Tiên.

Trump 2.0 và cơn đau đầu của Hàn Quốc -0
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bàn Môn Điếm thuộc khu phi quân sự phân cách hai miền Triều Tiên, ngày 30/6/2019.

Trong giai đoạn 2017-2021, Tổng thống Trump đã có ba cuộc gặp với ông Kim tại Singapore, Hà Nội và biên giới liên Triều (và đó là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đương nhiệm đặt chân đến quốc gia này). Tuy nhiên, hoạt động ngoại giao của đôi bên không mang lại kết quả cụ thể nào. Ông Trump không thể thuyết phục ông Kim từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, mặc dù ông đã tỏ ra sẵn sàng dỡ bỏ nhiều lệnh trừng phạt của Mỹ đối với CHDCND Triều Tiên.

Viết trên EA Times, nhà quan sát chính trị-ngoại giao kỳ cựu Ấn Độ Prakash Nanda cho rằng giới tinh hoa chiến lược Hàn Quốc lo ngại rằng Seoul có thể phải đối mặt với một số lựa chọn chiến lược quan trọng nếu ông Trump tiếp tục tiếp cận ngoại giao và lần này có thể công nhận Bình Nhưỡng là một quốc gia hạt nhân.

Quốc gia hạt nhân là thuật ngữ dùng để chỉ những nước sở hữu vũ khí hạt nhân. Theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), những nước được công nhận là quốc gia hạt nhân là những nước đã thử nghiệm vũ khí hạt nhân trước ngày 1/1/1967, bao gồm Mỹ, Nga (kế thừa Liên Xô cũ), Trung Quốc, Pháp, Anh. Các quốc gia hạt nhân không được công nhận, là những nước sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng không ký hoặc không tuân thủ NPT, bao gồm Ấn Độ, Pakistan, CHDCND Triều Tiên (rút khỏi NPT năm 2003), Israel (không chính thức thừa nhận nhưng được cho là sở hữu vũ khí hạt nhân). Ngoài ra, một số quốc gia trước đây từng sở hữu hoặc phát triển vũ khí hạt nhân nhưng đã từ bỏ, như Nam Phi, Belarus, Ukraine và Kazakhstan, sau khi Liên Xô tan rã.

Theo Han Suk-hee, Chủ tịch Viện Chiến lược An ninh Quốc gia có trụ sở tại Seoul, trực thuộc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc, "nếu Mỹ chấp thuận CHDCND Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân dưới bất kỳ hình thức nào, điều đó sẽ gây tổn hại đối với Hàn Quốc".

Trump 2.0 và cơn đau đầu của Hàn Quốc -0
Một thời căn cứ quân sự Mỹ ở Yongsan, Hàn Quốc.

"Trong 30 - 40 năm qua, Hàn Quốc đã hợp tác với các chế độ phi hạt nhân hóa và không phổ biến vũ khí hạt nhân do Mỹ lãnh đạo. Nếu Mỹ chấp thuận CHDCND Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân, Hàn Quốc sẽ trở thành nạn nhân", EA Times dẫn lời ông Han. Ông lo ngại rằng "nếu điều đó xảy ra, người dân Hàn Quốc sẽ chấp thuận và đồng ý (phát triển) hệ thống vũ khí hạt nhân của riêng chúng tôi".

Học giả Nanda cho rằng, nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể khơi lại cuộc tranh luận về mục tiêu mà Hàn Quốc đã từ bỏ vào năm 1970 khi ký NPT. Các cuộc thăm dò trong những năm gần cho thấy đa số người dân Hàn Quốc ủng hộ việc nước này phát triển hay sở hữu vũ khí hạt nhân (khoảng 70% trong các cuộc thăm dò ý kiến mới nhất). EA Times từng đăng bài nói về sự tồn tại của một trường phái tư tưởng đang lớn mạnh ở Hàn Quốc cho rằng nếu không có vũ khí hạt nhân, họ sẽ trở thành “con tin của một Triều Tiên có hạt nhân”.

Những người ủng hộ tư tưởng này lập luận rằng nếu Hàn Quốc, giống như người hàng xóm, có vũ khí hạt nhân, thì điều đó sẽ tạo ra sự cân bằng quyền lực trên bán đảo Triều Tiên và khu vực. Bằng cách đó, Hàn Quốc cũng sẽ trở thành một cường quốc trung gian đáng tin cậy, vũ khí hạt nhân trong trường hợp này có thể ngăn chặn chiến tranh bùng nổ.

Năng lực hạt nhân của Hàn Quốc chưa bao giờ bị nghi ngờ kể từ thời Tổng thống Park Chung-hee (1963-1979), khi Tổng thống Nixon cân nhắc giảm sự hiện diện của Mỹ trên bán đảo theo học thuyết Guam (1969), trong đó nêu rằng từ lúc đó trở đi, Mỹ muốn cung cấp nhiều hỗ trợ kinh tế và an ninh hơn cho các đồng minh thay vì giữ quân đội của mình ở lại các nước đó.

Năm 2004, giới chức Seoul tiết lộ với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế rằng họ đã cố gắng làm giàu uranium trong nhiều năm. Họ đã tiến hành làm giàu uranium hóa học từ năm 1979 đến năm 1981, tách một lượng nhỏ plutonium vào năm 1982, thử nghiệm làm giàu uranium vào năm 2000 và sản xuất đạn uranium nghèo từ năm 1983 đến năm 1987.

Plutonium (Pu) và uranium (U) là hai nguyên tố chủ chốt trong chế tạo vũ khí hạt nhân vì khả năng gây ra phản ứng phân hạch (nuclear fission) - quá trình giải phóng một lượng năng lượng khổng lồ khi hạt nhân bị tách ra.

Nhìn chung, không giống như các đồng minh khác của Mỹ trong khu vực, Hàn Quốc phải đối mặt với mối đe dọa thường trực (cuộc chiến liên Triều chưa bao giờ chính thức kết thúc). Hồi tháng 1 năm nay, ông Kim tuyên bố từ bỏ cam kết thống nhất bán đảo Triều Tiên sau nhiều thập kỷ tồn tại, rằng Hàn Quốc là kẻ thù của CHDCND Triều Tiên. Bình Nhưỡng được cho là đang mở rộng một tổ hợp sản xuất vũ khí quan trọng, lắp ráp một loại tên lửa tầm ngắn mà Nga sử dụng ở Ukraine, điều khiến giới tinh hoa chính sách của Hàn Quốc coi là đáng ngại hơn.

Trump 2.0 và cơn đau đầu của Hàn Quốc -0
Quân nhân Mỹ và Hàn Quốc tại khu vực gần Bàn Môn Điếm, nơi sẽ diễn ra cuộc gặp lần ba giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim, cuối tháng 6/2019.

Bình Nhưỡng đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân kể từ năm 2006 (lần gần đây nhất là vào năm 2017, khi nước này tuyên bố kích nổ một quả bom khinh khí). Cho đến nay, nước này được cho là đã phóng khoảng 45 tên lửa đạn đạo. Và mới đây nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhắc lại rằng đối với ông, chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên là không thể mang ra thương lượng.

Theo học giả Nanda, vị thế toàn cầu của CHDCND Triều Tiên hiện mạnh mẽ hơn trước, với mối quan hệ chặt chẽ với Iran, Trung Quốc và Nga. Phương Tây và Ukraine đều nói Bình Nhưỡng gửi vũ khí và triển khai quân hỗ trợ Nga.

Trong bối cảnh này, người dân Hàn Quốc và giới tinh hoa chính sách có lý do để lo lắng về viễn cảnh ông Trump sẽ khôi phục "mối tình" của mình với ông Kim. “Cần lưu ý rằng trong nhiệm kỳ đầu tiên tại nhiệm, các cuộc gặp của ông Trump với ông Kim được cho là có sự ủng hộ của chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ông Moon ủng hộ nhượng bộ đơn phương với CHDCN Triều Tiên để Seoul và Bình Nhưỡng xích lại gần nhau hơn. Nhưng lần này, ông Trump sẽ phải đối phó với Tổng thống Yoon Suk Yeol theo khuynh hướng bảo thủ”, ông Nanda phân tích. Theo vị học giả Ấn Độ, ông Yoon, trái với người tiền nhiệm, tin rằng Hàn Quốc cần tăng cường "quyền lực cứng rắn" để chống lại CHDCND Triều Tiên.

Theo Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Hàn năm 1953, Washington bảo đảm an ninh cho Seoul. 28.500 binh lính Mỹ tại Hàn Quốc được triển khai tại các căn cứ dọc theo biển Hoàng Hải, phía nam Seoul. Ngoài các căn cứ trên đất liền, lính Mỹ còn có thể sử dụng một căn cứ hải quân của Hàn Quốc để tiếp cận đường biển, giúp mở rộng khả năng triển khai lực lượng hoặc nhận tiếp tế qua đường biển.

Bên cạnh đó, theo Tuyên bố Washington năm 2023 sau cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Yoon để kỷ niệm 70 năm thành lập Liên minh Mỹ-Hàn, Hàn Quốc một lần nữa được cam kết bảo vệ dưới “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ. Một nhóm tư vấn hạt nhân giữa đôi bên hiện tìm cách tăng cường khả năng răn đe mở rộng, các cuộc tập trận quân sự chung và kế hoạch dự phòng giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, tháng 10/2024, hai nước đã ký kết Thỏa thuận biện pháp đặc biệt (SMA) được cho là có hiệu lực từ năm 2026 (trừ khi ông Trump hủy bỏ). Theo SMA, Hàn Quốc sẽ tăng mức đóng góp tài chính để duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ lên 1,19 tỷ đô la Mỹ hàng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030. Con số này được cho là tăng 8,3 % so với mức hiện tại.

Theo một góc độ nào đó, quyết định này sẽ làm hài lòng ông Trump, người ủng hộ việc các đồng minh của Mỹ tăng chi tiêu quốc phòng. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, việc ông Trump yêu cầu tăng thêm kinh phí cho quân đội Mỹ tại Nhật Bản và Hàn Quốc, lên tới gấp 5 lần, đã làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Seoul.

Trump 2.0 và cơn đau đầu của Hàn Quốc -0
Hàn Quốc được đánh giá là quốc gia có năng lực chế tạo vũ khí công nghệ cao, bao gồm cả vũ khí hạt nhân.

Câu hỏi lửng

“Các nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc đang cầu mong rằng sau khi nhậm chức vào tháng 1/2025, Tổng thống Trump sẽ giữ nguyên SMA hoặc gây sức ép để đàm phán lại nhằm tăng thêm mức đóng góp của Seoul. Họ muốn nhấn mạnh với ông về nhu cầu xem xét sự hiện diện của Mỹ tại Hàn Quốc trong một khuôn khổ rộng hơn”, ông Nanda phân tích. Theo vị học giả Ấn Độ, trong số những lý do mà phía Hàn Quốc chắc chắn sẽ nêu ra, có những lý do đặc biệt đáng chú ý.

Thứ nhất, quân đội Mỹ ở Hàn Quốc thể hiện cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nếu một cuộc chiến xảy ra, Mỹ gần như chắc chắn sẽ phải tham gia và chịu tổn thất lớn hơn rất nhiều.

Thứ hai, các nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc coi lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc là một thành phần quan trọng trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc của họ, vì các căn cứ trên đất Hàn Quốc là nơi quân Mỹ gần Trung Quốc đại lục nhất có thể.

Thứ ba, sự hiện diện của quân đội Mỹ cũng đã hạn chế các cuộc tranh luận ở Hàn Quốc về việc có nên tự phát triển vũ khí hạt nhân, điều chắc chắn xảy ra một khi Mỹ rút quân. Một Hàn Quốc hạt nhân có nghĩa là sự sụp đổ thực sự của NPT và mở ra cánh cổng cho việc phổ biến vũ khí hạt nhân của các quốc gia, bao gồm cả Nhật Bản. Và đó sẽ là thất bại lớn nhất của chính sách lâu nay của Mỹ là hạn chế số lượng các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

Liệu những lập luận này có thuyết phục được Tổng thống Trump, với tính cách khó đoán và "tình bạn đẹp" của ông với nhà lãnh đạo Kim Jong-un? Câu hỏi này dường như đang khiến người dân Hàn Quốc lo lắng.

https://antg.cand.com.vn/Ho-so-mat/trump-2-0-va-con-dau-dau-cua-han-quoc-i754285/

Ngày đăng: 14:58 | 24/12/2024

Xuân Thủy / CAND