Theo ông Lâm, do người dân chưa di dời lên khu tái định cư mới nên các phòng ban của xã vẫn làm việc ở trụ sở cũ.
Đó là thông tin do ông Trần Văn Lâm – Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho báo Đất Việt biết vào chiều ngày 7/6.
"Có 10 thôn trong xã nhưng hiện mới chỉ có 1 thôn chuyển lên khu tái định cư đó, còn tất cả các thôn vẫn ở dưới này nên các phòng ban của xã vẫn làm việc ở trụ sở cũ để gần dân hơn cho dễ xử lý các công việc.
Hơn nữa, trụ sở mới cũng khá xa, từ trụ sở cũ lên chỗ mới phải cách nhau 15km mà người dân chưa chuyển lên thì việc đi lại cũng không được thuận tiện", ông Lâm nói.
Theo ông Lâm, theo kế hoạch trước đó, đến năm 2015 sẽ di dời hết dân lên khu tái định cư mới nhưng không thực hiện được do người dân không muốn và việc di dời đó còn phụ thuộc vào kinh phí.
Cửa gỗ trụ sở UBND xã Kỳ Lợi mục nát - Ảnh: TTO |
"Di dời dân đâu phải chuyện nhỏ, bởi vậy kế hoạch trước đây là như thế nhưng cũng không phải thực hiện được luôn. Cũng theo kế hoạch mới, trong năm 2018 này sẽ có 2 thôn nữa di dời lên khu tái định cư thì các phòng ban của xã sẽ chuyển hẳn lên trụ sở mới", ông Lâm cho biết thêm.
Điều đáng nói, theo vị Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Lợi cho biết, do trụ sở mới đã bị bỏ hoang 8 năm nay nên giờ nhiều phòng, ban đã xuống cấp trầm trọng.
Nói về kinh phí để sửa lại trụ sở mới, vị Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Lợi cho rằng: "Nếu lên trụ sở mới thì phải sửa chữa lại, mà nếu sửa thì phải xin kinh phí từ tỉnh với thị xã chứ xã ngân sách có hạn. Việc sửa chữa lại trụ sở mới giờ có lẽ cũng phải hết vài 3 tỷ".
Hội trường UBND xã xuống cấp nặng nề - Ảnh: TTO |
Về việc này, cùng ngày, 1 đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, nếu xã có đề xuất xin hỗ trợ kinh phí để sửa sang lại trụ sở mới, tỉnh sẽ họp và giao cho các cơ quan chuyên môn kiểm tra.
"Giờ chưa thể nói là có hỗ trợ kinh phí hay không vì phải kiểm tra, xem xét tình hình đã", một đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết.
Như báo chí đưa tin, xã Kỳ Lợi là 1 trong 5 xã di dời để nhường đất cho Công ty Formosa. Cách đây 8 năm, trụ sở mới xã Kỳ Lợi được xây dựng với tổng kinh phí lên đến 33 tỷ đồng tại khu tái định cư Tân Phúc Thành.
Tuy nhiên, trụ sở mới này không được đưa vào sử dụng mà bị bỏ hoang, đang xuống cấp nghiêm trọng.
Cụ thể, ngay từ ngoài đi vào, chiếc cổng sắt phía trước đã bị rỉ sét, gãy ọp ẹp. Hệ thống cửa gỗ của khu nhà UBND bị mối ăn mục nát, kính cửa vỡ, rạn. Dù chưa sử dụng ngày nào nhưng hạng mục gạch lát nền đã bong tróc, sụt lún. Một số thiết bị khu vệ sinh hư hỏng.
Chưa sử dụng ngày nào nhưng gạch lát ở trụ sở UBND xã Kỳ Lợi đã bong tróc - Ảnh: TTO |
Liền kề với trụ sở ủy ban là nhà hội trường cũng bị xuống cấp. Toàn bộ cửa gỗ bị mục nát, hệ thống trần hư hỏng, sụp đổ từng mảng. Sơn tường mốc meo, xung quang vương vãi gạch ngói vỡ.
Bà Sen, một người dân ở ngay bên cạnh trụ sở UBND xã Kỳ Lợi, cho biết: “Trụ sở này được xây dựng xong cách đây 8 năm. Tuy nhiên, không hiểu vì sau mà cán bộ vẫn làm việc ở trụ sở cũ, chứ không chuyển lên đây khiến cho trụ sở này trở thành nơi lý tưởng cho trâu, bò vào gặm cỏ, trú mưa, nắng”.
Trụ sở UBND xã xây mới xong lại để hoang, là nơi trâu bò vào tránh nắng - Ảnh: TTO |
Theo bà Sen, mỗi tháng vẫn có một cán bộ xã lên đây “trực” một lần. Tuy nhiên, chúng tôi quan sát trong toàn bộ trụ sở này, các phòng ốc đã hư hỏng và không phòng nào có bàn ghế để làm việc cả.
Được biết, năm 2010, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cho chủ trương xây dựng trụ sở, trường học, trạm xá mới ở vùng đất tái định cư thuộc phường Kỳ Trinh. Tổng số kinh phí để đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở này lên đến hơn 33 tỷ đồng.
Thu Hoài
Nữ tài xế đỗ ô tô chắn ngang đường, "dọa" đến trụ sở CSGT "quậy" tiếp
Nữ tài xế mâu thuẫn với CSGT rồi chắn xe ô tô ngang đường ở thị trấn Sa Pa (Lào Cai) trong sáng nay 6-6 ... |
Giám đốc Công an An Giang nói về vết đạn tại trụ sở tòa án
Kính phòng làm việc của một trưởng phòng TAND tỉnh An Giang xuất hiện 2 vết hằn, công an đã thu giữ 1 viên bi ... |
Ngày đăng: 10:31 | 08/06/2018
/ Báo Đất Việt