Trong hai ngày liên tiếp 6 và 7-3, Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) thông báo về các dấu hiệu Triều Tiên nối lại hoạt động tại bãi thử tên lửa Tongchang-ri, khu sản xuất tên lửa đạn đạo Sanumdong và cơ sở làm giàu uranium trong khu phức hợp hạt nhân Yongbyon.
Những thông tin này làm dấy lên lo ngại nhà lãnh đạo Kim Jong-un nối lại chương trình hạt nhân và tên lửa để gia tăng đòn bẩy sau khi không đạt được thỏa thuận tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 hồi cuối tháng trước.
Tuy nhiên, các chuyên gia về Triều Tiên cho rằng ông Kim khó thực hiện điều đó. Ông Koh Yu-hwan, chuyên gia tại Trường ĐH Dongguk (Hàn Quốc), nhận định: "Tôi không nghĩ Triều Tiên sẽ sớm tiếp tục thử tên lửa. Làm vậy sẽ kích động Mỹ và Hàn Quốc nối lại các cuộc tập trận chung hoặc Washington cân nhắc giải pháp quân sự".
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp tại Hà Nội cuối tháng 2. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Trong khi đó, theo tờ The New York Times (Mỹ), những vấn đề kinh tế ngày càng nghiêm trọng có thể buộc Bình Nhưỡng quay lại bàn đàm phán. Việc ông Kim nhấn mạnh đề nghị nới lỏng lệnh trừng phạt cho thấy Triều Tiên cảm nhận được hậu quả của các lệnh cấm vận hoặc ông Kim xem đó là trở ngại lớn nhất đối với kế hoạch xây dựng nền kinh tế đầy tham vọng của mình.
New York Times dẫn lời ông Lee Seong-hyon, chuyên gia tại Viện Sejong (Hàn Quốc): "Tại thượng đỉnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhận ra ông Kim muốn xoa dịu trừng phạt tới mức nào".
Tuy nhiên, theo ông Koh Yu-hwan, ông Trump không thể duy trì chiến lược cứng rắn về lâu dài để đòi hỏi Triều Tiên phi hạt nhân hóa toàn diện. "Các lệnh trừng phạt chắc chắn gây tổn hại nhưng chúng không khiến Bình Nhưỡng đầu hàng. Nếu đàm phán vẫn bế tắc, Triều Tiên sẽ sản xuất thêm nhiều vật liệu phân hạch cho nhiều đầu đạn hạt nhân hơn" - chuyên gia Koh cảnh báo.
Trong nỗ lực nối lại đàm phán, Ngoại trưởng Mike Pompeo hy vọng có thể cử phái đoàn đến Bình Nhưỡng trong vài tuần tới. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun đã có cuộc gặp với giới chức Nhật Bản và Hàn Quốc hôm 6-3 tại Washington để thảo luận về kết quả của hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội.
Cùng ngày, Đài Truyền hình trung ương Triều Tiên (KCTV) phát sóng bộ phim tài liệu dài 75 phút về cuộc gặp thượng đỉnh, trong đó trích lời ông Kim rằng Triều Tiên và Mỹ phải chấm dứt sự thù địch hàng thập kỷ qua nhưng không đề cập việc hai bên chưa đạt được thỏa thuận.
Trump sẵn sàng đàm phán lại với Triều Tiên Tổng thống Mỹ sẵn sàng đàm phán thêm về phi hạt nhân hóa, nhưng sẽ rất thất vọng nếu Triều Tiên thật sự khôi phục ... |
Mỹ muốn Triều Tiên phi hạt nhân trong nhiệm kỳ đầu của Trump Quan chức Mỹ tin Bình Nhưỡng có thể sớm từ bỏ kho hạt nhân, dù hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai không ... |
Triều Tiên chỉ trích tập trận Mỹ - Hàn \'thách thức nỗ lực hòa bình\' Triều Tiên cho rằng cuộc tập trận 9 ngày của Mỹ - Hàn "thách thức toàn diện" những nỗ lực hướng tới hòa bình và ... |
Ngày đăng: 15:00 | 09/03/2019
/ https://nld.com.vn