Triều Tiên cho thấy họ quyết tâm theo đuổi vũ khí hạt nhân, khiến chính sách đối phó Bình Nhưỡng thực sự là bài toán khó với chính quyền Biden.

Trong bài phát biểu hồi cuối tuần trước tại đại hội thứ 8 của đảng Lao động, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố sẽ mở rộng kho vũ khí hạt nhân quốc gia. Ông cho biết đã chỉ thị các quan chức dưới quyền phát triển tên lửa có khả năng mang nhiều đầu đạn, tên lửa hạt nhân phóng dưới nước, vệ tinh do thám và tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử.

0544 httpss3 ap northeast 1 amazona 1979 6635 1610444703
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại đại hội thứ 8 của đảng Lao động Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Những vũ khí tiên tiến mà lãnh đạo Triều Tiên nêu ra cho thấy ông rất quyết tâm duy trì vị thế cường quốc hạt nhân của đất nước, đồng thời đặt ra phép thử với chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden.

"Kim muốn cho thấy rằng Triều Tiên sẽ không phi hạt nhân hóa trong bất kỳ điều kiện nào", tiến sĩ Malcolm Davis, nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, bình luận.

Theo Davis, những bình luận Kim Jong-un đưa ra tại đại hội là một phần trong chiến dịch liên tục của Triều Tiên nhằm phô trương sức mạnh hạt nhân. "Nó phát đi tín hiệu rằng Triều Tiên nhất định sẽ giữ vũ khí hạt nhân", ông nói.

"Các tuyên bố của Kim chắc chắn nhằm nhấn mạnh với chính quyền Mỹ sắp tới rằng nếu họ không hành động nhanh chóng, Triều Tiên sẽ phát triển năng lực vũ khí của mình theo hướng có hại cho lợi ích của cả Mỹ và Hàn Quốc", Ankit Panda, nhà nghiên cứu về Triều Tiên, lưu ý và thêm rằng chính quyền Biden nên xem xét lời cảnh báo này một cách nghiêm túc.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tổ chức hai hội nghị thượng đỉnh kể từ năm 2018, nhưng họ không thể đạt được bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng hay các biện pháp trừng phạt kinh tế đang làm tê liệt Triều Tiên.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu Joe Biden có thể làm tốt hơn người tiền nhiệm hay không.

"Tôi nghĩ Tổng thống đắc cử Mỹ nên nhìn nhận thẳng thắng vấn đề và làm rõ càng sớm càng tốt quan điểm về mục tiêu mà chính quyền của ông ấy muốn tìm kiếm trong các cuộc đàm phán tiềm năng với Triều Tiên", Panda cho hay. "Nếu Kim không nhìn thấy sự thay đổi so với cách tiếp cận truyền thống đòi loại trừ vũ khí hạt nhân toàn diện trước khi gỡ lệnh trừng phạt mà Mỹ vẫn theo đuổi, tôi nghĩ ông ấy chỉ đơn giản là sẽ thúc đẩy hơn nữa việc thử vũ khí cùng các hoạt động liên quan khác".

Trong bài phát biểu trước hàng nghìn đại biểu tham dự đại hội đảng Lao động Triều Tiên, Kim miêu tả Mỹ là "kẻ thù lớn nhất" nhưng cũng thêm rằng ông "không loại trừ khả năng ngoại giao".

Các hội nghị thượng đỉnh trước đây đã thất bại, nhưng chúng vẫn được tôn vinh tại đại hội đảng Lao động Triều Tiên như "sự kiện có ý nghĩa to lớn trong lịch sử chính trị thế giới". Panda cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy cánh cử đàm phán vẫn mở ra đối với chính quyền Biden nếu ông vẫn muốn sử dụng đến nó.

Nhưng theo Duyeon Kim, chuyên gia tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, Washington phải có hành động trước và mọi thỏa thuận đều kèm theo một cái giá tương xứng.

"Cái giá mà Kim Jong-un đặt ra với Mỹ là chấm dứt các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, dỡ bỏ lệnh trừng phạt và kiềm chế đưa ra những chỉ trích về nhân quyền trước khi các cuộc đàm phán có thể diễn ra. Nhưng Washington sẽ không làm tất cả những điều này một cách vô điều kiện", Duyeon Kim nói.

"Ngay cả nếu đàm phán được nối lại, cái giá Kim đưa ra sẽ là quá cao đối với bất kỳ thỏa thuận nào bởi ông ấy đang đề xuất các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí theo kiểu Chiến tranh Lạnh, ở đó mỗi bên sẽ thực hiện các bước đi dò xét, có đi có lại. Nhưng điều này là vô nghĩa bởi không có sự ngang bằng giữa kho vũ khí hạt nhân Mỹ và Triều Tiên".

Không ai trên bán đảo Triều Tiên có thể quên những lời đe dọa "lửa và thịnh nộ" từ Tổng thống Trump hồi năm 2017, sau khi Bình Nhưỡng ba lần thử tên lửa tầm xa.

Với bài phát biểu mới nhất, Kim Jong-un đang làm phép thử và chờ xem ông sẽ nhận được phản ứng như thế nào từ phía Mỹ. Kim thậm chí còn đề cập đến việc muốn các tên lửa tầm xa vươn tới mục tiêu ở khoảng cách 15.000 km, nhằm tăng khả năng đe dọa với Mỹ.

Triều Tiên hồi cuối năm 2017 phóng tên lửa Hwasong 15, tuyên bố rằng nó có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và nhắm tới bất kỳ địa điểm nào trên lãnh thổ Mỹ. Song không rõ liệu nó có sở hữu công nghệ cần thiết để bảo vệ đầu đạn hạt nhân trong quá trình hồi quyển và tiếp cận mục tiêu hay không.

Giới phân tích cũng tin rằng Triều Tiên vẫn còn cả một chặng đường dài phải đi để hiện thực hóa tham vọng sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Tuy nhiên, Triều Tiên "trong quá khứ đã chứng minh được sự kiên cường đáng nể", Panda đánh giá. Kim Jong-un đã nỗ lực đạt được những tiến bộ đáng kể về chương trình hạt nhân, bất chấp khủng hoảng kinh tế ngày càng sâu sắc.

"Ngay cả nếu Kim không thể hoàn thành toàn bộ chương trình nghị sự đề ra, chúng ta cũng không nên đánh cược với ý muốn của ông ấy là thúc đẩy và bắt đầu thử nghiệm, tiến tới chế tạo một số hệ thống vũ khí mà ông ấy đã nêu", Panda lưu ý.

Vũ Hoàng (Theo 9News, BBC)

Trung Quốc ra tay ngăn Biden duy trì lệnh trừng phạt của Trump Trung Quốc ra tay ngăn Biden duy trì lệnh trừng phạt của Trump
16.000 vệ binh quốc gia bảo vệ lễ nhậm chức của Biden 16.000 vệ binh quốc gia bảo vệ lễ nhậm chức của Biden
Thách thức và cơ hội của Biden Thách thức và cơ hội của Biden

Ngày đăng: 10:07 | 13/01/2021

/ vnexpress.net