Một nhà phân tích an ninh quốc gia Mỹ nhận định rất có thể trong tháng 2.2018, CHDCND Triều Tiên sẽ còn phóng thử nhiều quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hiện đại, thách thức cả Mỹ và Trung Quốc.
Dân Hàn Quốc xem mô tả quỹ đạo bay của tên lửa Triều Tiên - Ảnh: Reuters |
Rạng sáng nay 29.11, Bình Nhưỡng đã phóng quả tên lửa ICBM được cho là mạnh nhất cho đến nay, sau chuyến công du châu Á 12 ngày của Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ yếu bàn về mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên, và chỉ vài ngày sau khi một nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc có chuyến thăm Bình Nhưỡng đầu tiên sau 2 năm.
Triều Tiên sẽ thử tên lửa phá Olympic mùa đông trong tháng 2.2018
Vụ phóng thử tên lửa mới nhất cho thấy hy vọng Trung Quốc kiềm chế láng giềng Triều Tiên của Mỹ đã bị phai nhạt.
Trong khi ông Trump ở Nhà Trắng tuyên bố sẽ “xử lý” mối đe dọa ngày càng tăng của Triều Tiên, các nhà phân tích khu vực nói sự căng thẳng sẽ càng tăng cao trong tháng 2.2018, khi Hàn Quốc đăng cai tổ chức Olympic mùa đông, với khả năng Bình Nhưỡng có thể phá rối sự kiện thể thao quốc tế này, bằng một cuộc thử tên lửa hoặc thử hạt nhân.
Harry J.Kazianis, trưởng nhánh nghiên cứu quốc phòng của Trung tâm Quyền lợi quốc gia (Center for the National Interest, Mỹ) nói: “Tháng 2 sẽ là tháng chính, thời điểm mà người Triều Tiên có thể thực hiện những cuộc thử lớn nhất, và hãy chờ xem, giới truyền thông sẽ phát điên nếu họ làm thế”.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã chỉ đạo chính phủ của ông phải xem xét liệu vụ thử tên lửa mới của Triều Tiên có tác động đến nỗ lực tổ chức thành công Olympic mùa đông ở Pyeongchang hay không.
Trước đó, phát biểu tại diễn đàn Hội đồng Nghị viện châu Á được tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 26.11, ông Ri Jong-hyok, đại biểu Hội đồng nhân dân tối cao CHDCND Triều Tiên, kiêm Giám đốc Viện Tái thống nhất quốc gia, cho hay vũ khí hạt nhân của Triều Tiên chỉ nhằm vào Mỹ: “Thực tế ngày nay cho thấy việc chúng tôi sở hữu (vũ khí) hạt nhân đang đập tan tham vọng của Mỹ nhằm mưu đồ quyền tối thượng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và bảo vệ hòa bình - an ninh trên bán đảo Triều Tiên và khu vực”.
Ông Ri cũng xoa dịu quan ngại của những nước xung quanh và khu vực, cho hay chẳng có gì phải sợ hãi nếu họ không có động thái khiêu khích hoặc cùng Mỹ có âm mưu xâm lược Triều Tiên.
Ông Kazianis nói Triều Tiên đã quyết làm mọi cách để có vũ khí hạt nhân có thể tấn công lãnh thổ Mỹ. Vụ thử mới nhất chính là hướng tới mục tiêu đó.
Ông cũng bảo vệ chính phủ Mỹ hiện tại “có một chiến lược rõ ràng là kiềm chế, khác với chiến lược kiên nhẫn của những chính phủ tiền nhiệm, vì Nhà Trắng thời ông Trump đã có những trừng phạt “nghiêm khắc hơn” so với thời các ông Barack Obama và George Bush.
Quả ICBM mới phóng rất đáng gờm
Theo Lầu Năm Góc, quả tên lửa ICBM được phóng từ phía bắc Bình Nhưỡng vào sáng sớm 29.11 bay xa khoảng 1.000km trong gần 50 phút trước khi rơi xuống vùng biển đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản.
Trước đó vào các ngày 4.7 và 28.7, tên lửa Triều Tiên được phóng đi theo quỹ đạo vòng cung và có thời gian di chuyển tương ứng là 37 phút và 47 phút.
Quả ICBM mới phóng có thể mang đầu đạn hạt nhân và có thể vươn tới lục địa của Mỹ chứ không còn là đảo Guam hay Hawaii như trước. Nếu đánh giá này chính xác, đây sẽ là lần thử ICBM thứ 3 trong số 15 lần thử tên lửa của Triều Tiên trong năm nay.
Theo báo Guardian (Anh), tầm bay cao 4.500km của tên lửa Triều Tiên là gấp hơn 10 lần so với quỹ đạo của Trạm không gian quốc tế ISS. Đây có thể xem là tên lửa mạnh nhất trong số 3 tên lửa ICBM mà Triều Tiên đã thử thời gian qua.
Theo tạp chí New Scientist dẫn lời nhà nghiên cứu tên lửa David Wright, chuyên gia tên lửa tại Mỹ nhận định, nếu các con số trên là chính xác, thì tên lửa mới có thể có thể đã bay theo một quỹ đạo tiêu chuẩn thay vì vòng cung, sẽ đạt tầm bắn 13.000km.
Với tầm xa này, tên lửa đủ sức vươn tới Washington, bờ tây Mỹ, Úc và cả châu Âu, và đặt các căn cứ quân sự của Mỹ ở Hawaii nằm trong tầm bắn. Hawaii cách Triều Tiên khoảng 7.570km.
Vụ phóng tên lửa rạng sáng 29.11 cũng là lần đầu tiên kể từ vụ Bình Nhưỡng phóng tên lửa tầm trung (IRBM) hôm 15.9.2017 bay qua đảo Hokkaido của Nhật trước khi rơi xuống Thái Bình Dương. Khi ấy, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay tên lửa này đã bay với hành trình khoảng 3.700km và đạt đến độ cao 770km - cao hơn các cuộc thử nghiệm trước đó.
Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên trước đó là vào ngày 15.9 với tên lửa bay 3.700km và đạt độ cao 770km.
Triều Tiên nếu tấn công Mỹ, hậu quả sẽ thảm khốc như Thế chiến 2 Ngày 29.11, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố nước này đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa ... |
Tiến bộ và hạn chế của tên lửa đạn đạo Triều Tiên vừa phóng Tên lửa Triều Tiên vừa phóng có nhiều tiến bộ, nhưng chưa đạt được bước đột phá để thể hiện khả năng tấn công hạt ... |
Triều Tiên tuyên bố thử tên lửa Hwasong 15, có thể đánh toàn bộ Mỹ Triều Tiên tuyên bố thử loại tên lửa đạn xuyên lục địa mới mà có thể nhắm tới "toàn bộ lục địa Mỹ". Vụ thử ... |
http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/trieu-tien-se-con-phong-thu-nhieu-ten-lua-xin-76961.html
Ngày đăng: 21:03 | 29/11/2017
/ Một thế giới