Có những hoài nghi về việc Triều Tiên có thực sự mở đường cho một cuộc đàm phán "thẳng thắn" về phi hạt nhân hóa với Mỹ và sẽ đình chỉ các cuộc thử tên lửa, hạt nhân trong khi đối thoại đang được tiến hành... như thông tin lãnh đạo phái đoàn Hàn Quốc thăm Triều Tiên đề cập.
Chuyến thăm Triều Tiên của phái viên Hàn Quốc được đánh giá là nhiều triển vọng.
Liệu lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có sẵn sàng đối thoại với Mỹ về việc từ bỏ vũ khí hạt nhân?
Đó là câu hỏi đang nổi lên từ Bình Nhưỡng trong tuần này, sau khi ông Kim nói với phái viên Hàn Quốc rằng đã sẵn sàng để dừng lại chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng nhằm đổi lấy các cuộc đàm phán với Washington.
Mỹ từ lâu đã kiên định với lập trường không đàm phán với Triều Tiên, trừ khi điều kiện“phi hạt nhân hóa” được đưa lên bàn.
Trong năm 2017, Triều Tiên đã có những tiến bộ đáng kể trong chương trình vũ khí của mình, dẫn đến những dự đoán về một cuộc xung đột có thể gây hậu quả thảm khốc cho nước Mỹ.
Đối với tính chất căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên thời gian qua, cách tiếp cận của ông Kim Jong-un được coi là một dấu hiệu tích cực, tờ Washington Post nhận định.
Có thực sự Triều Tiên muốn đàm phán với Mỹ?
Tuy nhiên, một vấn đề cần lưu ý là chi tiết về đề xuất của Triều Tiên không được nước này đưa ra trực tiếp, mà lại thông qua chuyến thăm của phái đoàn Hàn Quốc hôm 5/3.
Lãnh đạo phái đoàn này - ông Chung Eui-yong, Chủ nhiệm Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc - nói với các phóng viên hôm 6/3, Triều Tiên đã mở đường cho một cuộc đàm phán "thẳng thắn" về phi hạt nhân hóa với Mỹ và sẽ đình chỉ các cuộc thử tên lửa và hạt nhân trong khi đối thoại đang được tiến hành.
Theo ông Chung, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói rằng, Bình Nhưỡng sẽ sẵn sàng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân nếu an ninh quốc gia có thể được đảm bảo.
Điều này rõ ràng là một động thái lớn từ Triều Tiên. Trong quá khứ, nước này luôn nhấn mạnh rằng vũ khí hạt nhân là "thanh gươm công lý” không thể đem ra để thảo luận với Mỹ.
Mặc dù một số nhà phân tích cho rằng, đề xuất của Bình Nhưỡng có thể sẽ không hoàn toàn đơn giản như vậy, nhưng đây sẽ là lần đầu tiên Triều Tiên xác nhận một cách rõ ràng về việc nước này sẽ phi hạt nhân hóa trên bàn đàm phán với Mỹ.
Dẫu vậy, có những hoài nghi về việc liệu đây có thực sự là ý định của Bình Nhưỡng, hay là câu nói “thêm thắt” của Seoul với giới truyền thông để xoa dịu tình hình?
Trên thực tế, toàn bộ tuyên bố này đều là thông tin một chiều được đưa ra bởi chính quyền Tổng thống Moon Jae-in, người luôn ủng hộ đối thoại với Triều Tiên.
Các phương tiện truyền thông của Triều Tiên không hề đưa ra quan điểm chính thức nào về khả năng đối thoại với Washington mà chỉ đưa tin một cách chung chung về các cuộc họp với phái đoàn Hàn Quốc.
Do đó, những điều kiện mà Triều Tiên đưa ra để phi hạt nhân hóa có thể vẫn chưa đặt hết lên bàn đàm phán.
Ngay cả khi đưa ra thiện chí về việc ngừng thử nghiệm vũ khí, điều này không đồng nghĩa với chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng sẽ "ngủ yên".
Hôm 5/3, trang mạng theo dõi Triều Tiên 38North công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy một lò phản ứng nước này tiếp tục sản xuất plutonium cho vũ khí hạt nhân.
Mỹ mang gì đến bàn đàm phán với Triều Tiên?
Báo cáo gần đây cho thấy Triều Tiên vẫn đang tiếp tục hoạt động lò phản ứng hạt nhân.
Theo lời một quan chức cấp cao của Hàn Quốc nói với hãng thông tấn AP, nhà lãnh đạo Triều Tiên hy vọng các cuộc tập trận thường niên Mỹ-Hàn có thể vẫn diễn ra, nhưng sẽ giảm dần về quy mô trong tương lai.
Đây là một điều khá kỳ lạ, bởi từ lâu, chính quyền Kim Jong-un luôn coi cuộc tập trận Mỹ-Hàn là mối đe dọa xâm lăng lớn nhất với đất nước và luôn khẳng định quan điểm hoạt động này cần phải dừng lại như một điều kiện tiên quyết.
Do đó, nếu Triều Tiên chấp nhận các cuộc tập trận quân sự sẽ vẫn tiếp diễn, trong khi sẵn sàng dừng lại chương trình vũ khí hạt nhân, thì rốt cuộc Bình Nhưỡng đang muốn nhận lại điều gì?
Về lâu dài, đây là câu hỏi khiến nhiều nhà phân tích Triều Tiên lo lắng.
Liệu đây có là cuộc đàm phán cuối cùng?
Đã có nhiều nỗ lực đàm phán với Triều Tiên trước đây như vào năm 1994 hoặc thỏa thuận về phi hạt nhân sau cuộc đàm phán sáu bên năm 2015, nhưng tất cả đều không đi đến đâu. Do đó, các nhà quan sát cũng lạc quan thận trọng về kết quả của cuộc đàm phán diễn ra sắp tới.
Bất kỳ cuộc đối thoại mới nào cũng phải học hỏi từ những sai lầm này. Bruce Klingner, một nhà phân tích của CIA, cho biết các cuộc đàm phán trong quá khứ đã "tan vỡ vì không chú trọng vào chi tiết", thậm chí là cho phép các bên giải thích thỏa thuận theo những cách của riêng mình.
Sự phức tạp này sẽ gây chia rẽ rõ ràng giữa chính quyền ông Trump và chính phủ của ông. “Một số nhà phê bình lo ngại chính quyền Moon quá hạ mình để rồi bị lép vế trước Bình Nhưỡng và một số thậm chí còn lo lắng rằng bán đảo có thể được thống nhất theo các điều khoản và quy tắc của Triều Tiên”, Duyeon Kim nói.
Động lực khiến Triều Tiên \'chìa nhành ô liu\' với Mỹ
Các lệnh trừng phạt có thể đã khiến Triều Tiên chấp nhận đàm phán về phi hạt nhân hóa nhưng vẫn còn hoài nghi về ... |
Ông Trump ca ngợi đàm phán liên Triều, muốn Triều Tiên "hành động"
Tổng thống Donald Trump mô tả thông tin Triều Tiên sẵn sàng đàm phán với Mỹ về việc từ bỏ vũ khí hạt nhân là ... |
Ngày đăng: 15:50 | 07/03/2018
/ http://www.nguoiduatin.vn