Triết lý Kintsuki giúp con người chữa lành những điều không hoàn hảo và tổn thương tâm lý để trở nên đẹp đẽ, mạnh mẽ hơn.
Kintsugi, có nghĩa "mộc vàng", là một loại hình nghệ thuật cổ phục chế đồ gốm vỡ của người Nhật Bản. Những mảnh gốm vỡ được gắn lại bằng hỗn hợp sơn mài trộn bột vàng hoặc bột bạc. Đường rãnh sau khi gắn có thể nhìn được bằng mắt thường.
Kintsugi xuất hiện vào thế kỷ 15 khi tướng quân Ashikaga Yoshimasa làm vỡ chiếc bát uống trà có nguồn gốc từ Trung Quốc mà ông rất thích, phải đem sang Trung Quốc để hàn lại. Tuy nhiên, chiếc bát mà Tướng quân nhận về chỉ được hàn lại một cách thô kệch. Các nghệ nhân Nhật Bản sau đó đã nghĩ ra kỹ thuật Kintsugi, độc đáo và tinh tế hơn.
Ảnh: Aleteia. |
Theo nhà tâm lý học Tomas Navarro (Tây Ban Nha), bên cạnh giá trị gốc là đồ trang trí trong nhà, Kintsugi còn mang ý nghĩa ẩn dụ trong cuộc sống.
Những món đồ vỡ sau khi được ghép lại không những bền hơn mà còn đẹp hơn ban đầu và trở thành một tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, là biểu tượng của sự mong manh, sức mạnh và cái đẹp. Những đường rãnh không phải là thứ cần phải giấu đi, giá trị nghệ thuật của món đồ không hề giảm khi mang trên mình những vết vá đó.
Kintsuki thể hiện triết lý sống hướng con người trân trọng những sai lầm và những điều không hoàn hảo trong cuộc sống. Mỗi vết nứt là một câu chuyện khác nhau. Những món đồ gốm càng đẹp và đáng quý hơn chính bởi những mảnh vỡ được gắn lại.
"Đồ gốm dễ vỡ nhưng cũng rất bền và đẹp, giống như con người", Navarro nói. "Đồ gốm và cuộc sống có thể vỡ ra thành nghìn mảnh, nhưng không vì lý do đó mà chúng ta không tiếp tục sống hết mình mỗi ngày."
Là một nhà cố vấn trong suốt 20 năm, Navarro chứng kiến quá nhiều người cảm thấy "vỡ vụn" sau mỗi lần tổn thương, sốc tâm lý. Ông quan niệm Kintsuki giúp con người chữa lành những tổn thương tâm lý, làm lại cuộc đời và ngày càng mạnh mẽ. Đây cũng là nguồn cảm hứng khiến ông viết cuốn Kintsugi, Embrace Your Imperfections and Find Happiness - The Japanese Way, với thông điệp mọi người hãy áp dụng triết lý của nghệ thuật Kintsugi trong cuộc sống hàng ngày.
Theo Navarro, để thực hành triết lý Kintsugi, trước tiên không được sợ mạo hiểm và tổn thương. "Đừng cố sống một cuộc sống yên bình chẳng có thử thách, bạn sẽ chỉ ép bản thân sống để tồn tại, thay vì được sống hết mình", nhà tâm lý khuyên.
Cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng, thậm chí dù đã rất cẩn thận thì chiếc cốc bạn thích nhất vẫn có thể sẽ bị vỡ. Tương tự như vậy, con người ai cũng bị bệnh, phải đối mặt với biến cố hay mất đi người thân. Nghịch cảnh luôn tồn tại trong cuộc sống.
Ông Navarro khẳng định "sức mạnh tâm lý có thể học được". Nếu luôn sẵn sàng đối mặt với biến cố, khi khó khăn xảy ra, con người có thể áp dụng triết lý Kintsugi bằng cách trân trọng những thử thách đó như một phần của cuộc sống, để trở nên mạnh mẽ và tốt đẹp hơn.
Một thân chủ của Navarro đã áp dụng triết lý Kintsugi sau khi điều trị ung thư vú. Cô mặc đồ bơi trên biển và tự tin để lộ vết sẹo mổ của mình.
"Mới đầu cô ấy rất ngại vì những vết sẹo. Nhưng tôi đã động viên cô ấy", Navarro nói. "Những điểm không hoàn hảo trên cơ thể cô ấy nói lên cuộc đời của cô và cho thấy cô ấy mạnh mẽ như thế nào".
Đối với nhà tâm lý, bản thân nghệ thuật là một liều thuốc tâm hồn của con người. Ông gợi ý mọi người tham gia những hoạt động kích thích não bộ như viết thơ văn, học cắt dán, đánh đàn, xây lâu đài cát.
Nhà tâm lý nhắn nhủ: "Trong quá trình não bộ sáng tạo không ngừng, con người học được cách phân tích những nỗi đau mình trải qua và biến những nỗi đau ấy thành điều đẹp đẽ".
Lê Hằng (Theo Telegraph)
Những cách phạt không làm tổn thương trẻ phụ huynh nên tham khảo
Không có hình phạt chung nào cho tất cả trẻ, phụ huynh có thể tham khảo các cách phạt phù hợp nhất mà không làm ... |
Ngày đăng: 12:18 | 04/06/2019
/ VnExpress