Ngày 15.12, ga Hà Nội và ga Sài Gòn đồng loạt triển khai cổng soát vé tự động tại ga Hà Nội, Sài Gòn để thí điểm trước khi mở rộng lắp đặt tại các nhà ga khác trên cả nước. Dù “học” ngành hàng không và có thể thí điểm cân hành lý của hành khách nhưng lãnh đạo ngành đường sắt khẳng định chưa có chính sách thu phí quá cân.
Trước nay, hành khách đi tàu thường mang theo rất nhiều hành lý. Ảnh: M.Q
Thí điểm để tăng tiện ích, thêm an toàn
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên TCty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) - cho biết việc triển khai cổng soát vé tự động tại hai nhà ga lớn là để gia tăng các dịch vụ tiện ích, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn nhà ga. Ông Minh cho rằng việc hiện đại hoá công tác soát vé sẽ tạo nền nếp văn hoá giao thông đường sắt văn minh hơn, khoa học hơn, ngăn chặn hiện tượng “bao khách ngoài” (hiện tượng tiếp viên, nhân viên trên tàu đưa khách lên), ngăn chặn tình trạng bán hàng rong...
Theo kế hoạch, ngành đường sắt sẽ lắp thí điểm tại 3 ga lớn rồi sẽ tiến hành đánh giá tính hiệu quả trước khi quyết định có lắp tiếp hay không. Hiện ngành đường sắt đang có 289 ga bao gồm cả ga hành khách và ga hàng hoá. Cụ thể, tại ga Hà Nội, TCty ĐSVN lắp 6 làn với 10 cổng soát vé tự động; tại ga Sài Gòn lắp 3 làn với 5 cổng soát vé tự động. Tại mỗi cổng kiểm soát vé tự động sẽ có một hệ thống camera giám sát cùng nhân viên túc trực, hướng dẫn hành khách làm các thủ tục vào ga đi tàu.
Để qua cổng, hành khách đi tàu quét mã vé trên giấy hoặc trên màn hình điện thoại vào đầu đọc của cổng soát vé. Nếu vé hợp lệ, cổng sẽ tự động mở chốt cửa cho một người qua. Nếu vé không hợp lệ, sẽ không mở cổng và thông báo cho hành khách biết trạng thái qua đèn LED và âm thanh. Trong trường hợp vé hợp lệ nhưng cổng kiểm soát vé tự động không mở; nhân viên sẽ trực tiếp sử dụng mã code được cấp để mở cổng cưỡng bức khi hệ thống lỗi hoặc gặp sự cố...
Chưa thu phí quá cân kiểu hàng không
Liên quan tới thông tin về việc cân hành lý khách đi tàu (được miễn phí 20kg hành lý) và tính cước phí vượt trội giống ngành hàng không, ông Vũ Anh Minh khẳng định hiện nay ngành chưa có chính sách tính phí thêm cho hành lý quá cân dù đã có thông tư quy định về số kilôgam hành lý xách tay kèm theo từ lâu. Để giữ chân khách hàng, ngành đường sắt đã và đang “du di” về quy định liên quan tới trọng lượng hành lý xách tay. Tuy nhiên, với những hàng hoá cồng kềnh, khách hàng sẽ được tư vấn để ký gửi trong khoang hành lý.
Dù chưa có chính sách thu phí quá cân nhưng khá nhiều khách hàng bày tỏ sự đồng tình với việc kiểm soát và hạn chế hàng hoá mang lên khoang hành khách trên tàu. Là người thường xuyên đi tàu mỗi lần về quê, anh Lê Đăng Biên (quê Hà Tĩnh) cho rằng nên hạn chế hàng hóa được mang vào toa hành khách, nhất là hàng hóa có mùi để không gian trong tàu được rộng rãi và thông thoáng hơn. Trước nay, người đi tàu thường mang theo rất nhiều hành lý đủ các loại khiến những người đến sau không còn chỗ để hành lý. “Có lần tôi đi tàu thấy cảnh người ta mang cả gà, vịt lên tàu trông rất nhếch nhác” - anh Biên nói.
Tuy nhiên, anh Biên cho rằng với hành khách quá 20kg nếu tính phí thì nên áp dụng mức thấp bởi đa số hành khách đi tàu là những người lao động nghèo. Đặc biệt, thủ tục gửi, nhận hàng hóa phải nhanh gọn vì người dân đi tàu đã mất nhiều thời gian rồi, không nên để họ phải chờ lâu.
Người đi tàu chú ý đường sắt sẽ soát vé tự động từ 15.12 Kể từ ngày 15.12, ngành đường sắt sẽ bắt đầu triển khai chính thức cổng soát vé tự động tại các ga Hà Nội, Sài ... |
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chọc giận dân quá mức Kế hoạch chạy thử dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông từ tháng 10.2017 lùi sang 2.9.2018, tức chậm khoảng 11 tháng so ... |
Ngày đăng: 17:00 | 15/12/2017
/ Lao động