Bé gái 10 tuổi ở Điện Biên vừa tử vong do nhiễm vi khuẩn bạch hầu – đây là bệnh cổ điển, đã có vaccine phòng bệnh, song thời gian qua, rất nhiều trẻ em Việt Nam đã không được tiêm vaccine đầy đủ. Theo báo cáo mới nhất về tiêm chủng của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo tổng cộng 67 triệu trẻ em, trong đó có gần 250.000 trẻ em Việt Nam không được tiêm vaccine đầy đủ.

Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có số trẻ em “0 liều vaccine” nhiều nhất thế giới, với 187.315 trẻ dưới 1 tuổi không được tiêm một loại vaccine nào trong năm 2021. Có hơn 20 loại vaccine được báo cáo bị gián đoạn tiêm chủng thường xuyên như: Lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib, viêm gan B, sởi, rubella... Đây là khoảng trống miễn dịch lớn, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao.

Miễn phí nhưng nhiều trẻ không được tiêm đầy đủ

Sau khi sốt cao 3 ngày, người nổi các nốt phỏng, mệt mỏi, cháu N.T.A (10 tuổi, Hà Nội) được gia đình đưa đến khám tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Tại đây cháu được chẩn đoán mắc thuỷ đậu có bội nhiễm phải nhập viện. Mẹ của cháu cho biết: “Con chưa tiêm phòng vaccine thuỷ đậu. Các mũi tiêm chủng cơ bản con đã tiêm đầy đủ, chỉ có thuỷ đậu phải tiêm dịch vụ đã hoãn mấy lần do dịch COVID-19. Khi con đi học trở lại, tôi bận bịu cũng chưa cho con đi tiêm”. 

tiem-vac-xin-cho-tre-em-o-trung-tam-tiem-chung-vnvc-qphu-nhuan-anh-ngoc-duong-43-2641.jpg -0
Tiêm vaccine cho trẻ em ở Trung tâm tiêm chủng VNVC (quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: ND.

Từ đầu năm 2023, bệnh thuỷ đậu bùng phát mạnh tại Hà Nội, xuất hiện các ổ dịch ở trường học, trong đó phần lớn trẻ mắc chưa tiêm vaccine. “Hai cháu nhà tôi đều tiêm dịch vụ ở CDC Hà Nội, nhưng hơn 1 năm nay phòng tiêm đóng cửa, tôi cũng chưa cho con đi tiêm. Không ngờ vào cuối tháng 3 vừa qua, cháu lớn mắc thuỷ đậu, sợ lây sang cháu bé, tôi phải gửi con về bà ngoại”, chị Hoàng Thị Hằng (Ba Đình, Hà Nội) cho biết.

Tiêm chủng Mở rộng là chương trình miễn phí dành cho trẻ em gồm: vaccine viêm gan B cho trẻ sơ sinh; vaccine BCG (lao), bOPV (bại liệt), DPT-VGB-Hib (vaccine phối hợp phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, IPV (vaccine bất hoạt phòng bệnh bại liệt), sởi cho trẻ dưới 1 tuổi; vaccine viêm não Nhật Bản B cho trẻ từ 1-5 tuổi; vaccine sởi-rubella, DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) cho trẻ từ 18-24 tháng.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không tiêm cho con trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng tại trạm y tế xã, phường mà chuyển sang tiêm dịch vụ. Trong 3 năm đại dịch COVID-19, nhiều trẻ đã không tiêm chủng đầy đủ, bỏ mũi, không tiêm hoặc hoãn tiêm. Đặc biệt là trẻ ở vùng sâu, vùng xa. Mới đây nhất, ngày 6/5, CDC Điện Biên thông tin về bé gái 10 tuổi (ở huyện Điện Biên Đông) tử vong sau 1 giờ nhập viện do nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Bé gái nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên trong tình trạng sốt cao 39 độ C, được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, suy hô hấp, viêm phổi, theo dõi viêm cơ tim, tiên lượng nặng. Sau 1 tiếng, trẻ ngừng tim, phù phổi và tử vong. Sở Y tế Điện Biên phải lấy thêm 61 mẫu liên quan đến bé gái (người tiếp xúc gần) và gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương kiểm tra. 

Vào tháng 7/2020, tại 4 tỉnh Tây Nguyên bùng phát 53 ca bệnh bạch hầu, theo Bộ Y tế, đa số các trường hợp mắc bệnh không được tiêm phòng vaccine bạch hầu đủ mũi, đúng lịch. Xác minh chỉ có 3 trường hợp/53 người (5,6%) là tiêm chủng đầy đủ.

tiêm chủng1.jpg -0
Để phòng các dịch bệnh nguy hiểm, trẻ em cần được tiêm chủng đủ mũi, đúng lịch.

Lấp khoảng trống miễn dịch thế nào?

Nhìn lại số liệu báo cáo Tình hình trẻ em Thế giới 2023 của UNICEF cho thấy, Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có số trẻ em “0 liều vaccine” nhiều nhất thế giới, với 187.315 trẻ dưới 1 tuổi không được tiêm một loại vaccine nào trong năm 2021. Hơn 20 loại vaccine được báo cáo bị gián đoạn tiêm chủng thường xuyên như: Lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib, viêm gan B, sởi, rubella... Đặc biệt, tỷ lệ uống vaccine bOPV và tiêm IPV phòng ngừa bại liệt của cả năm 2021 chỉ đạt lần lượt 67% và 80%; năm 2022 đạt 70% và 90%.

Nhiều chuyên gia dịch tễ lo ngại tình trạng trẻ “nợ” vaccine hiện nay, đây sẽ là khoảng trống miễn dịch, làm tăng nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh. Theo BS Trương Hữu Khanh, Phó trưởng Liên chi hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh, việc chậm trễ hay bỏ lỡ tiêm chủng vaccine chắc chắn sẽ khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn và nguy cơ cao tạo nên các đợt dịch bệnh. Đặc biệt là dịch sởi, bởi sởi thường lây lan rất mạnh, bùng phát nhanh, dễ trở nặng nếu không phát hiện kịp thời, dẫn đến quá tải hệ thống y tế. Việt Nam đã từng chịu đợt dịch sởi vào đầu năm 2014 khiến hơn 7.000 trẻ mắc, 111 ca tử vong chỉ trong vòng 3 tháng. Một trong 3 nguyên nhân gây bùng phát dịch sởi vào năm này là nhiều gia đình chưa đưa con em đi tiêm phòng sởi do lo sợ biến chứng.

Để lấp khoảng trống miễn dịch, BS Nguyễn Văn Thành, Trung tâm Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, cần khẩn trương khôi phục tỷ lệ tiêm chủng các vaccine trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng. Đồng thời, triển khai các hoạt động tiêm chủng bù mũi, tiêm bổ sung cho đối tượng vùng có nguy cơ cao. Nguyên tắc trong tiêm chủng là đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa các mũi. Nếu trường hợp không được tiêm chủng đúng lịch thì cần tiêm chủng càng sớm càng tốt sau đó. Trong trường hợp lỡ chưa được tiêm vaccine có thể đến tiêm các mũi bổ sung.

Vừa qua, Bộ Y tế đã bổ sung thêm lịch tiêm chủng các vaccine khác đưa vào Chương trình Tiêm chủng Mở rộng trong thời gian tới gồm: vaccine IPV mũi 2 tiêm cho trẻ dưới hoặc trên 1 tuổi; vaccine phòng bạch hầu, uốn ván sẽ được triển khai cho trẻ từ 7 tuổi tại vùng nguy cơ cao theo đề xuất của các tỉnh, thành phố; vaccine Rota cho trẻ dưới 1 tuổi.

Các chuyên gia dịch tễ cũng cho biết, mùa nắng nóng là cơ hội cho virus, vi khuẩn phát triển. Việc trẻ khó ăn, khó ngủ do thời tiết khiến hệ miễn dịch kém hơn sẽ khiến nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Vì vậy, cha mẹ phải cho con tiêm phòng các loại vaccine đầy đủ, đúng lịch để bảo vệ trẻ trước các bệnh dịch nguy hiểm.

 https://cand.com.vn/y-te/tre-khong-vaccine-nguy-co-bung-phat-dich-i692681/

Ngày đăng: 08:39 | 08/05/2023

Trần Hằng / Công an nhân dân