"Trong khi con đọc đoạn văn thì bạn học sách đại trà mới biết vài từ trong văn bản đó", một em học Tiếng Việt Công nghệ giáo dục nói.

Phương Anh (12 tuổi) và chị gái Phương Trang (15 tuổi) đều là học sinh trường Thực nghiệm (Hà Nội), được học Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên. Chục ngày nay các em thấy buồn và khó hiểu khi dư luận chỉ trích phương pháp dạy tiếng Việt này, trong khi Anh - Trang trực tiếp học nó lại thấy thú vị, hiệu quả.

tre hoc tieng viet cong nghe giao duc khen thu vi biet doc nhanh

Học sinh được tự do chọn hình khối, màu sắc để biểu thị cho các tiếng, theo phương pháp đánh vần của Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục. Ảnh: Quỳnh Trang.

Việc học về cấu trúc ngữ âm học (nguyên âm, phụ âm, âm chính, âm cuối, âm đệm...) theo hai em ban đầu gây khó hiểu cho học sinh lớp 1 vì phức tạp. Tuy nhiên, nó giúp học sinh hiểu quy luật để tạo ra từ mới hoặc vần mới. Ví dụ, ghép một phụ âm (b, c, d...) với một nguyên âm (a, e...) sẽ tạo ra một từ mới (ba, ca, da, be, ce, de...), từ này có thể có nghĩa hoặc không. Ghép một nguyên âm tròn môi (o, u, ô) với một nguyên âm không tròn môi (a, e...) sẽ tạo thành vần mới (oa, oe, ua, ue...).

Phương pháp học tiếng, từ theo biểu tượng trực quan là hình vuông, tròn, tam giác... với màu sắc sinh động, được hai nữ sinh trường Thực nghiệm ngợi khen. "Chúng con được dạy tách mỗi từ thành 2 phần và biểu thị bằng một hình khối. Ví dụ từ có phần đầu là chữ "c", phần vần chữ "ô", mỗi phần được biểu thị bằng một hình vuông, ghép hai hình vuông lại sẽ ra một từ hoàn chỉnh. Đối với học sinh lớp 1 - khi từ ngữ vẫn chưa rõ ràng thì cách học bằng hình khối giúp chúng con thấy thú vị, dễ nhớ, dễ đánh vần hơn", Phương Trang nói.

Cách tách đôi mỗi từ, theo nữ sinh này, giúp việc đánh vần nhanh hơn. Ví dụ, từ "quy", học sinh lớp đại trà sẽ đánh vần là "u-y-uy, quờ-uy-quy" thì học sinh học tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục sẽ đánh vần là "cờ-uy-quy". Việc đọc theo phương pháp của GS Hồ Ngọc Đại do đó cũng nhanh hơn.

"Tại cùng một thời điểm, sau khoảng thời gian học tại trường giống nhau, trong khi con đã đọc được trôi chảy một đoạn văn ngắn thì các bạn lớp đại trà mới biết vài từ và đánh vần từng chữ để đọc các từ còn lại", Phương Anh (lớp 7) chia sẻ.

Học Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục từ 40 năm trước, một cựu sinh trường Thực nghiệm, nay là cán bộ ngoại giao cho biết, kiến thức ngữ âm học trong tài liệu này rất hữu ích với anh khi học ngoại ngữ. Nó giúp anh nắm bắt được các quy chuẩn, hiểu về âm chính, âm phụ... để đánh dấu thanh và phát âm chính xác. Anh ủng hộ phương pháp dạy tiếng Việt khoa học của GS Hồ Ngọc Đại.

"Con giải thích được những điều trước đây tôi chỉ được dạy học thuộc\'

Chị Khánh Ngọc (Hà Nội) cũng giống nhiều thế hệ học trò Việt Nam khác, được học đánh vần tiếng Việt theo phương pháp truyền thống là học chữ trước, đánh vần từ theo từng chữ. Người mẹ 33 tuổi khi nhìn vào sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của con học tại trường Thực nghiệm, với nhiều hình khối, những thuật ngữ khoa học như: âm đệm, âm cuối..., đã không hiểu gì. Tuy nhiên, chị Ngọc không can thiệp vào việc học của con vì cô giáo động viên "phụ huynh bình tĩnh, không cho con học chữ trước" và hứa hẹn "sau 1,5-2 tháng học tiếng Việt theo sách công nghệ, con sẽ vượt các bạn trường thường".

"Thực tế, hết học kỳ 1 lớp 1 con tôi đã đọc được một đoạn văn ngắn, trôi chảy từng tiếng chứ không phải dò dẫm đánh vần từng chữ cái để ghép lại thành từ. Học kỳ 2, con đọc được đoạn văn dài, học thuộc thơ", chị Ngọc kể.

Người mẹ cảm thấy vui khi con học tiếng Việt nói chung và các môn theo chương trình Công nghệ giáo dục nói riêng, rất nhàn. Con chị còn biết giải thích cho bố mẹ vì sao chữ này ghép được với chữ kia thành một vần, một từ. Những kiến thức này, khi học theo cách truyền thống, chị Ngọc hoàn toàn không biết, chỉ học thuộc lòng, không giải thích được.

"Con học C/K/Q đều đọc là /cờ/ nhưng được dạy để phân biệt lúc nào dùng K, lúc nào dùng Q. Con còn giải thích cho tôi quy tắc đóng mở âm để hiểu vì sao chữ cái này ghép được hoặc không được với chữ kia... Tôi cảm thấy rất vui khi Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục đã giúp con tôi nói riêng và các học sinh khác, phát triển được tư duy logic, hiểu biết khoa học", chị Ngọc nói.

Con gái lớn của chị Ngọc năm nay học lớp 4, chưa bao giờ con có bài tập về nhà, nghỉ hè được trọn vẹn 3 tháng, nên việc học rất nhẹ nhàng. Chị cũng không bị áp lực vì phải kèm cặp con học thêm ở nhà. Trong khi đó, kiến thức con chị thu nhận được vẫn tốt, thậm chí nhanh và bản chất hơn học sinh chương trình đại trà. Vì từ lớp 1 đã được tự do sáng tạo, tô màu hay chọn các hình khối (biểu thị cho các tiếng) theo sở thích... nên con phát triển được sự tự tin, tư duy độc lập.

Nhận thấy tính ưu việt của chương trình Công nghệ giáo dục nói chung và việc học Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục nói riêng, chị Ngọc tiếp tục cho con trai thứ hai theo học. Vừa bước vào lớp 2, cậu bé đã có thể đọc trôi chảy bất cứ cuốn sách, truyện nào.

Phụ huynh tên Thư, Tú có con đã học tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, cũng khẳng định con sớm đọc được chính xác các từ ngữ, đoạn văn... và không bị quên phát âm nhiều từ như một số học sinh chương trình đại trà khác.

Không có chuyện đúng - sai giữa hai cách đánh vần

Đánh vần theo sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục tiếp cận từ phát âm còn sách đại trà tiếp cận là từ con chữ, hai quan điểm khác nhau, phương pháp dạy khác nhau, nhưng cùng cho ra sản phẩm là học sinh biết đọc, biết viết. Do đó, theo một giáo viên dạy sách công nghệ, không có chuyện đúng - sai giữa hai tài liệu, phương pháp này.

Ưu điểm của phương pháp đại trà - đánh vần từng chữ cái là giúp học sinh ghi nhớ được con chữ. Điểm ưu việt của sách công nghệ là giúp các em hiểu được bản chất khoa học của ngữ âm và biết quy luật để tạo ra âm/vần/từ mới. Tiếng Việt công nghệ đồng thời đưa ra cách phát âm thuận miệng hơn, giải thích được một số vấn đề mà sách đại trà không làm được.

"Từ que sách đại trà dạy đánh vần là quờ-e-que nhưng để trẻ em phát âm được chữ quờ có vẻ hơi khó. Sách công nghệ đánh vần từ này là cờ-ue-que sẽ thuận miệng hơn. Từ giêng, sách đại trà sẽ đánh vần là gi-i-ê-ngờ-iêng-gi-iêng-giêng; sách công nghệ đánh vần ngắn gọn là giờ-iêng-giêng. Tài liệu công nghệ cũng giải thích được rằng từ này có phần đầu là gi đọc là /giờ/, phần vần là iêng. Ghép gi và iêng với nhau sẽ có hai chữ i liền nên lược đi một chữ và tạo thành từ giêng", cô giáo này nói.

Điểm ưu việt khác của Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục là khuyến khích học sinh thể hiện được cá tính, bản sắc riêng, tự do sáng tạo. Điều này thể hiện qua việc các em được tự chọn biểu tượng biểu thị cho tiếng, đó có thể là hình bông hoa, hình tròn, vuông, hay hòn sỏi...

Khi giáo viên yêu cầu tìm tiếng có vần nào đó, ví dụ vần út, với luật chính tả đã được học, các em theo phương pháp Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, sẽ tạo được nhiều tiếng như: bút, nút, sút... Trong khi đó sách đại trà không dạy học sinh cách tạo tạo vần/tiếng/từ mới, nên học sinh sẽ chỉ đưa ra đáp án khoanh vùng trong những tiếng đã được học. Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục đồng thời cũng đưa nhiều ví dụ từ khó như: hênh hếch, quàu quạu, toang toác... để học sinh phát triển vốn từ. Đây là điều sách đại trà ít khi làm, chỉ nêu ví dụ từ dễ.

tre hoc tieng viet cong nghe giao duc khen thu vi biet doc nhanh

Sách Tiếng Việt lớp 1 lấy ví dụ cả từ dễ và khó, để tăng vốn ngôn ngữ cho học sinh. Ảnh: Quỳnh Trang.

Nữ giáo viên cảm thấy buồn khi dư luận chưa hiểu bản chất vấn đề và tìm hiểu tính hiệu quả của tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục mà đã chỉ trích nó. Nhiều người cho rằng phương pháp đại trà và công nghệ đều đưa ra một sản phẩm giống nhau thì không cần thiết thay đổi cách học quen thuộc bao đời. Tuy nhiên, nữ giáo viên phản biện rằng cùng đi từ Hà Nội đến TP HCM, vì sao không để cách duy nhất là đường bộ mà phải phát triển cả đường không, đường thủy? Học tiếng Việt cũng thế, việc phát triển những phương pháp khác nhau với ưu điểm riêng sẽ giúp học sinh, phụ huynh có nhiều lựa chọn để phù hợp nhất với mục tiêu họ hướng tới.

"Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục là con đường ngắn nhất đưa học sinh tới thành tựu khoa học của 300 năm nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt, giúp các em thụ hưởng thành quả đó và nắm bắt kiến thức khoa học, chính xác", nữ giáo viên nói.

Cuối tháng 8, video cô giáo hướng dẫn cách phát âm chữ cái c/k/q đều đọc là /cờ/ gây xôn xao dư luận vì khác phương pháp được dạy đại trà cho học sinh. Cách đánh vần đó là theo sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại làm chủ biên và Bộ Giáo dục cho phát hành.

Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định cuốn Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục - PGS Bùi Mạnh Hùng cho biết, tài liệu gây tranh cãi, tuy nhiên thực tế cho thấy phương pháp dạy đánh vần trong đó đã giúp học sinh phát triển khá hiệu quả kỹ năng đọc thành tiếng và viết đúng chính tả. Đến nay gần 50 tỉnh, thành phố với khoảng 800.000 học sinh đang dùng cuốn sách này.

GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ sách được xây dựng trên nguyên tắc "muốn học cái gì thì phải tự tay làm cái đấy". Khi áp dụng, học sinh sẽ là người làm việc, còn giáo viên chỉ giao nhiệm vụ và quan sát, hướng dẫn phương pháp. Ông tự tin sách tồn tại vĩnh viễn, nền giáo dục mình xây dựng là đúng đắn vì có nền tảng lý thuyết là triết học, tâm lý học, có công nghệ giáo dục hỗ trợ.

tre hoc tieng viet cong nghe giao duc khen thu vi biet doc nhanh "Công nghệ Giáo dục dạy học sinh Thực nghiệm sống là chính mình"

Thế hệ học trò cũ của trường Thực nghiệm cho rằng Công nghệ Giáo dục đã giúp họ học từ phương pháp phân biệt âm ...

tre hoc tieng viet cong nghe giao duc khen thu vi biet doc nhanh Bảy lý do khiến nhiều trường áp dụng cách dạy của GS Hồ Ngọc Đại

Toàn bộ bài học đã quét hết các tiếng có trong Tiếng Việt, kể cả tiếng có vần ít gặp và khó đọc, như: quàu ...

Ngày đăng: 09:55 | 10/09/2018

/ https://vnexpress.net