Chẳng biết từ bao giờ cụm từ “Trẻ em đường phố” được gán cho những đứa trẻ lêu lổng rất gần với tội phạm. Ngoài thương cảm ra người ta còn có ý đề phòng và không ít ác cảm. Thường ác cảm với chúng một thì ác cảm với những đấng sinh thành ra chúng mười.
Bi - trò chơi thịnh hành một thủa.
Trẻ em Hà Nội giữa thế kỷ trước gắn với đường phố của mình như ngôi nhà thứ hai bất kể chúng có xuất thân như thế nào. Ở đấy chúng được đặt biệt hiệu riêng để dễ phân biệt. Gia đình đứa nào có cửa hiệu thì thường lấy tên nó ghép vào biển hiệu mà thành. Đại khái Trung Thành Lợi là con nhà ông chủ Thành Lợi. Thái con bà bán thịt Chợ Hôm thì gọi là Thái Thịt. Những đứa gia đình không có cửa hiệu thì lấy tên bố mẹ nó ghép vào. Cường Dương là thằng Cường con ông Dương. Vài đứa có đặc điểm cơ thể khác lạ cũng được dùng ghép vào tên. “Tuấn vá” là thằng Tuấn có cái bớt ở cổ. “Vinh còi xương” là biệt hiệu ngược với cơ thể kềnh càng 70 kilô của nó…
Trẻ em đường phố lúc ấy có những trò chơi khá hấp dẫn. Đánh khăng dùng gậy gỗ hai đoạn ngắn đánh bay xa và thi nhau bắt. Đá cầu chinh xếp bằng giấy pơ-luya xuyên qua lỗ hai đồng chinh Bảo Đại. Đánh xèng dường như là đặc sản của trẻ em đường phố. Nông thôn không có trò này bởi trẻ con không dễ gì kiếm đâu ra nắp chai bia. Chiếc nắp bia lũ trẻ ở phố giữ gìn như báu vật. Đứa cẩn thận mang ra đường tàu điện cho bánh xe sắt cán phẳng. Đứa lười đi lấy búa gõ cũng đạt yêu cầu. Quân cái đúc bằng chì lấy từ ống nước cũ bỏ đi hoặc thu nhặt vỏ kem đánh răng Ngọc Lan lúc ấy cũng được làm bằng chì. Cho vào ống bơ mang ra hiệu giặt là nung chảy rót vào trôn bát. Xèng không chỉ khó kiếm mà những đứa có nhiều xèng còn chứng tỏ một đẳng cấp đánh xèng vượt trội. Nó luôn ăn được của đứa khác.
Đánh bi cũng là một trò chơi hết sức hấp dẫn. Trẻ con đến trường trong túi quần lóc xóc vài chục viên bi là lấy làm hãnh diện. Vài đứa khéo tay có thể ra đường tàu hoả nhặt đá về xoáy những viên bi đá bằng vỏ con ốc nhồi hoặc miệng lọ penicicline. “Công trình” bi đá đòi hỏi kiên nhẫn tỉ mẩn vô cùng. Ra được viên bi tròn trịa có vân đá có khi phải mất hàng tháng trời. Những trò chơi có chút ăn thua này không bị người lớn cấm đoán là bởi thiệt hại không đáng kể. Đá bóng gôn tôm trên vỉa hè những buổi trưa buổi tối vắng người đứa trẻ trai nào cũng thành thạo và say mê.
Chơi những trò này phần lớn phải có sân đất. Hà Nội lúc ấy có một lượng sân đất khổng lồ ở trong sân các trường phổ thông. Vỉa hè Hà Nội ở những con phố vắng cũng là nền đất thường chỉ lát gạch lối đi ở giữa. Trẻ em gái chơi trò chôn kim, ô ăn quan, trẻ trai đánh cờ chân chó đều dùng que vạch lên đất mà chơi. Trẻ gái thành phố chơi chuyền bằng que kem nhặt ở Tràng Tiền. Dùng quả bóng bàn phế phẩm nhuộm màu mà chơi thay vì quả cà pháo như ở nông thôn.
Buổi tối là chơi sô-vê, chơi trốn tìm hò hét inh ỏi cả đường phố. Đứa nào cũng mồ hôi mồ kê nhễ nhại kể cả mùa đông. Chúng còn tự chế ra những trò chơi mạo hiểm. Chơi “sờ” là một trong những trò ấy. Oản tù tì đứa nào thắng được “sờ” trước. Thứ chúng sờ có thể là bất cứ vật gì trên đường. Nhiều đứa leo lên cây cao sờ làm những đứa không trèo được tức tối thua cuộc. Có đứa sờ vào xe đạp, ô tô đang bon bon trên đường làm cho đứa chạy theo sờ bở hơi tai.
Ngày tết Trung Thu là những ngày vui vẻ náo nhiệt nhất. Đứa khéo tay sẽ tự làm đèn ông sao. Loại đèn này hoá ra có tuổi đời chưa cao lắm. Hình như mới chỉ thịnh hành vào quãng sau 1945. Trước đó là đèn cá, đèn thiềm thừ và đèn ông sư thắp nến. Những đứa vụng tay hơn cũng có thể lấy trộm chiếc đũa trong rổ bát gia đình đóng cây đinh ghim lên ngọn tự làm chiếc chong chóng bằng bìa vở. Vụng nữa vẫn có thể cắt giấy thành hình tròn tỉa răng cưa gấp ra ngoài thành những cái bánh xe. Những bánh xe rất nhẹ này mang ra giữa đường nhựa thả chờ ôtô đi qua cuốn theo. Bánh xe của đứa nào ôtô cuốn đi xa nhất là thắng cuộc.
Gần Tết là dịp lũ trẻ trai mày mò làm súng lục bắn diêm. Cũng cưa cắt đẽo gọt và khoan lỗ như thật. Xin mấy ông thợ sửa xe đạp được chiếc van gạo cũ lắp vào nòng súng. Nhồi thuốc diêm thật chặt đệm thêm miếng giấy nhám vỏ diêm là có thể “bắn” nổ tưng bừng.
Cái thời tất cả lũ trẻ Hà Nội đều được gọi là trẻ con đường phố chấm dứt vào thập niên ’90. Và giờ đây rất hiếm khi thấy lũ trẻ ra đường tụ tập chơi những trò chơi tập thể. Có thể số lượng trẻ con cũng ít đi một phần do chính sách sinh đẻ kế hoạch. Nhưng phần lớn không còn bất cứ chỗ nào đủ rộng và vắng cho chúng chơi đùa nữa. Trẻ con đường phố bây giờ là cách gọi đám trẻ lêu lổng vô gia cư. Đánh giày bán báo còn là lương thiện. Nhiều đứa mắc vào tệ nạn nghiện hút, trộm cắp, đĩ điếm lúc nào không hay. Không còn phụ huynh nào ở phố dám cho con cái mình ra đường vào buổi tối khi không có người lớn đi kèm. Có thể gọi đây là một mất mát cho lũ trẻ không? Kỹ năng ứng xử cộng đồng của chúng có vì thế mà mai một đi không? Đó là những câu hỏi không có địa chỉ đến. 12.2017.
Liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành trẻ em: Ai chịu trách nhiệm? Vụ bạo hành trẻ mầm non của các cô giáo Trường Mầm non Mầm Xanh (TPHCM) khiến dư luận chưa hết bàng hoàng thì vụ ... |
Hàng chục người khống chế nam thanh niên nghi bắt cóc bé trai Nam thanh niên bất ngờ ẵm cậu bé 5 tuổi trong công viên ở Khánh Hoà lên xe máy bỏ chạy nhưng bị cha mẹ ... |
Ngày đăng: 08:07 | 11/12/2017
/ Lao động