Ban tổ chức cuộc thi "Đưa tin về bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái" trao 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba cho các nhà báo có tác phẩm tiêu biểu chống bạo lực giới.

Sau 3 tuần phát động cuộc thi "Đưa tin về bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái", Đài Tiếng nói Việt Nam nhận được sự hưởng ứng của đông đảo phóng viên, nhà báo trên khắp cả nước.

Ban tổ chức đã trao 1 giải Nhất (trị giá 9 triệu đồng) cho nhà báo Ma Thị Thảo Vân, Báo Lao động và Xã hội; 1 giải Nhì (trị giá 7 triệu đồng) cho nhà báo Bùi Thuý Loan, Báo Pháp luật Việt Nam và 1 giải Ba (trị giá 5 triệu đồng) cho nhà báo Nông Thị Thuý Hằng, Báo Cao Bằng.

Cuộc thi "Đưa tin về bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) tổ chức. Cuộc thi nhằm góp phần thúc đẩy vấn đề bình đẳng giới trong truyền thông, đồng thời nâng cao nhận thức và kiến thức của các nhà báo về cách đưa tin về chống bạo lực giới.

Trao giải cuộc thi 'Đưa tin về bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái' - 1
Nhà báo Ma Thị Thảo Vân giành giải Nhất cuộc thi "Đưa tin về Bạo lực với Phụ nữ và Trẻ em gái”

Thông qua cuộc thi, các nhà báo đã bày tỏ ý kiến, đề xuất các cách thức về việc báo chí cần làm gì để giảm bất bình đẳng giới và bạo lực giới. Cuộc thi cũng cung cấp cho các nhà báo, phóng viên, các chuyên gia, giảng viên và sinh viên báo chí-truyền thông một nguồn tư liệu hữu ích thông qua cuốn “Cẩm nang Đưa tin về bạo lực giới đối với phụ nữ và trẻ em gái”, với các khuyến nghị liên quan tới đạo đức nghề báo khi đưa tin về bạo lực giới.

Bà Lucila Carrassco, Đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội, đánh giá cao sự nhiệt tình của các phóng viên cũng như chất lượng của các bài dự thi. Đây là bằng chứng cho thấy bình đẳng giới nói chung và bạo lực giới nói riêng là một vấn đề lớn mang tính xã hội, cần sự chung tay vào cuộc của các cơ quan truyền thông.

Nhà báo Ma Thị Thảo Vân, Báo Lao động và Xã hội cho biết: “Để phòng chống lạm dụng và quấy rối tình dục đối với trẻ em gái và phụ nữ, cần rất nhiều giải pháp tổng thể để thay đổi nhận thức, quan điểm và hành vi của cộng đồng.

Trong đó, truyền thông có sức mạnh đặc biệt, góp phần làm cho xã hội hiểu đúng hơn về bình đẳng giới. Sự quan tâm của dư luận đối với báo chí là đòn bẩy quan trọng cho cuộc chiến chống lại bạo lực giới. Điểm cốt lõi tạo nên sức mạnh này chính là kiến thức và kỹ năng truyền thông về giới của các nhà báo”.

Trao giải cuộc thi 'Đưa tin về bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái' - 2
Nhà báo Bùi Thuý Loan giành giải Nhì cuộc thi "Đưa tin về bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”

Chia sẻ về kỹ năng đưa tin về bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, nhà báo Bùi Thuý Loan, Báo Pháp luật Việt Nam nhấn mạnh: “Hãy coi bạo lực giới là sự vi phạm nhân quyền và không phải là một vụ việc đơn lẻ. Giải thích bối cảnh. Hãy cẩn trọng với từ ngữ. Chú ý tới tiêu đề bài viết. Phân tích các số liệu và kết quả khảo sát một cách cẩn trọng. Mô tả thực tế và tránh chủ nghĩa cảm xúc. Hạn chế sử dụng camera giấu kín và các biện pháp lén lút khác.

Không sử dụng ngôn ngữ “lên lớp” hay khơi dậy sự phán xét. Tránh làm nạn nhân bị tổn thương lần hai và hãy khắc họa họ là những người kiên cường. Thực hành nền báo chí dịch vụ và báo chí giải pháp. Hãy dành đủ thời gian cho bài viết của mình. Hãy tìm hiểu để giúp người khác hiểu. Cân bằng thông tin để cải thiện bình đẳng giới".

Trao giải cuộc thi 'Đưa tin về bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái' - 3
Nhà báo Nông Thị Thuý Hằng giành giải Ba.

“Báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, trong đó, góp phần giảm thiểu bất bình đẳng giới và bạo lực giới. Bản thân tôi là một phóng viên báo Đảng địa phương của tỉnh miền núi Cao Bằng đời sống còn nhiều khó khăn, trong những chuyến công tác đến vùng cao, vùng sâu, vùng xa, qua gặp gỡ, trao đổi, tôi thấy phụ nữ và trẻ em luôn là đối tượng dễ bị tổn thương và nạn nhân của vấn đề bình đẳng giới.

Chính vì vậy những năm qua, đây cũng là đề tài tôi luôn khai thác, phản ánh qua những chuyến đi về cơ sở. Trong đó, trực tiếp có các bài viết tuyên truyền nội dung “Hỗ trợ hoạt động Bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025” của tỉnh Cao Bằng đang triển khai thực hiện", nhà báo Nông Thị Thuý Hằng, Báo Cao Bằng nói.

Vũ Vân

Trao Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba Trao Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba
Lễ trao giải Oscar 2021: Phim "Nomadland" thắng lớn Lễ trao giải Oscar 2021: Phim "Nomadland" thắng lớn

Ngày đăng: 14:49 | 17/01/2022

/ vtc.vn