Nếu tới thành phố White Cliffs vùng Outback, Australia, du khách sẽ chỉ thấy một quán rượu, một trường tiểu học, một cửa hàng bách hóa, phòng khám Flying Doctors và hầu như không có ngôi nhà nào trên mặt đất.
Những người dân đã cùng nhau tạo nên một thành phố dưới lòng đất để tránh cái nóng đến 40 độ. Họ sợ thời tiết có thể chạm tới kỷ lục 44 độ như năm 1973 nên chọn giải pháp "xây" nhà dưới lòng đất.
Thành phố này chỉ có khoảng 200 người dân và phần lớn đều sinh sống dưới lòng đất.
Ngoại trừ mối lo về những trận động đất, người dân ở đây cảm thấy rất hài lòng về cuộc sống hiện tại. Cô Enid (ảnh), người dân, cho biết cô sẽ sống ở đây mãi mãi, và không nghĩ mình có thể trở lại sống trong một căn nhà bình thường.
Các ngôi nhà dưới lòng đất được hình thành giữa những khối đất đá cứng. Vật liệu đặc biệt này khiến khung nhà vững chắc. Nhiều căn phòng chỉ cao khoảng 180 cm và rộng 120 cm.
Vào mùa đông, vùng đất này có thể giảm dưới 0 độ C còn mùa hè có thể tăng lên đến 50 độ C, không có nhiều mưa nên hệ thực vật không đa dạng.
Trời mưa đem đến niềm vui lớn cho những người dân nơi đây. Nhờ mưa đất có độ ẩm, những căn nhà dưới lòng đất không bị nứt. Trong hình là những lỗ hứng sáng và thông hơi của các căn nhà dưới lòng đất.
Enid cho biết sự khác nhau giữa thành phố cô đang sống khác với một số thị trấn nhỏ khác là cảm giác thành phố thuộc về người dân. Những thực phẩm được làm ra ở White Cliffs cũng tươi sạch hơn ở trong các siêu thị của các thành phố lớn. Giá nhà dao động ở mức 65.000 USD/căn. Một căn hộ 3 phòng ngủ, một phòng khách, một bếp ăn và một nhà tắm được rao giá 85.000 USD.
Giá nhà rẻ nhưng người dân phải tiêu tốn rất nhiều thời gian để xây dựng và lắp đặt trang thiết bị. Người dân không cần xin giấy phép xây dựng khi làm nhà.
Mỗi ngày, một người bình thường chỉ có thể cải tạo 4 mét vuông đá để xây nhà. Đất đá bị loại bỏ sẽ được chuyển ra khỏi hố đào bằng máy móc giống như một loại máy hút bụi công nghiệp.
Được gọi tên là "dugouts", những ngôi nhà này là tàn dư của mỏ khai thác đá opal những năm 1800. Vùng đất “Never Never” (Không bao giờ) này từng là miền đất hứa của hàng nghìn người săn lùng đá quý để kiếm lời.
Người dân White Cliffs gặp khó khăn khi sử dụng điện, do hệ thống dây dẫn không thể mắc ngầm trong tường và nối với các bốt điện. Các hộ gia đình vẫn có thể tự xử lý hệ thống đường ống cấp thoát nước. Nếu muốn bắt liên lạc bằng điện thoại, người dân phải đi bộ lên mặt đất để bắt sóng di động.
White Cliffs có tới 5 công viên quốc gia và cuộc sống dưới lòng đất đã thu hút rất nhiều khách du lịch tới thăm.
Hầu hết khách du lịch đều tò mò không biết người dân sống thế nào và thành phố dưới lòng đất ra sao. Hàng loạt nhà nghỉ dưới lòng đất đã mọc lên để phục vụ thị hiếu du khách. Video: Travel Dreads.