Những năm trước chỉ thi 2 môn Ngữ văn và Toán, kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội đã được ví là “căng thẳng hơn thi đại học”. Nếu từ những năm sau kỳ thi được đổi mới theo hướng thi từ 4-6 môn, nhiều phụ huynh không đồng tình vì lo lắng con sẽ phải “bạc mặt” với công cuộc “học để thi”.
3 phương án, lựa chọn 1
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 cấp trung học cơ sở (THCS) do Sở GDĐT Hà Nội vừa tổ chức, ông Phạm Quốc Toản - Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Sở GDĐT Hà Nội - cho biết, đơn vị này đã xây dựng dự thảo 3 phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020.
Phương án thứ nhất, học sinh sẽ thi 4 bài độc lập gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; bài thi còn lại thuộc một trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân. Bài thi thứ tư do Sở GDĐT Hà Nội công bố vào cuối tháng ba hằng năm.
Phương án thứ hai sẽ giữ nguyên phương án tuyển sinh năm học 2018-2019, tức là tổ chức thi tuyển kết hợp xét tuyển (thi hai môn Văn và Toán).
Phương án thứ ba, học sinh làm 3 bài thi, gồm 2 bài độc lập là Toán, Ngữ văn và một bài tổ hợp. Trong đó, tổ hợp một gồm 4 môn: Ngoại ngữ, Vật lý, Lịch sử và Giáo dục Công dân; tổ hợp hai gồm 4 môn Ngoại ngữ, Địa lý, Hóa học và Sinh học. Với phương án này, thực chất học sinh sẽ thi 6 môn.
Sở GDĐT Hà Nội mong muốn lắng nghe ý kiến của học sinh, phụ huynh, giáo viên, các nhà khoa học để chọn phương án tối ưu nhất, trình UBND TP.Hà Nội xem xét, phê duyệt cho mùa tuyển sinh tới.
Thi nhiều môn để giảm học lệch
Thông tin này nhanh chóng nhận được sự quan tâm của những người làm công tác giáo dục, đặc biệt là những phụ huynh sắp có con thi chuyển cấp lên lớp 10.
TS Nguyễn Tùng Lâm.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội), ông nghiêng về phương án thứ ba, là thi thêm bài thi tổ hợp. Mục đích của thi tổ hợp là thầy và trò đều phải học, từ lớp 6 cho đến lớp 9, học đều các môn.
“Quan điểm của tôi là có học thì phải có thi, như vậy mới có kết quả. Không những kiểm tra hằng ngày, hằng tháng, mà sau hết một cấp học cũng phải có thi và đánh giá kiến thức học sinh tích lũy được.
Rút kinh nghiệm từ những năm trước, nếu chỉ thi môn Ngữ văn và Toán, học sinh sẽ chỉ học hai môn này mà bỏ bê các môn khác, dẫn đến bị hổng kiến thức nền. Giai đoạn học sinh bước vào học THCS rất quan trọng, nếu không cân bằng việc phát triển trí tuệ thì rất lãng phí.
Ở các nước tiên tiến, họ quan niệm học để phát triển bản thân. Họ tự giác học đến mức không phải thi mà chỉ bằng kiểm tra đánh giá. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa làm được. Chúng ta vẫn còn bị ảnh hưởng bởi văn hóa trọng bằng cấp, học để thi.
Nếu không thi, tư tưởng học sinh sẽ khác ngay, không tự giác học tập nữa. Đến mức những môn không thi sẽ bị các em bỏ qua luôn, trên lớp cũng không nghe giảng. Điều này là nguy hiểm, chương trình đào tạo con người toàn diện của chúng ta sẽ bằng 0”- TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Hà Xuân Nhâm - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú cũng nghiêng về phương án thi thêm bài thi tổ hợp, hoặc phương án 1 – thêm môn Ngoại ngữ và một môn bất kỳ. Ông cho rằng việc tuyển sinh chỉ bằng hai môn như lâu nay sẽ khiến học sinh bỏ bê hoàn toàn các môn khác.
Phụ huynh thấp thỏm lo
Về phía phụ huynh, khi được phóng viên hỏi ý kiến, nhiều người ủng hộ duy trì phương án thi cũ - tức là thi hai môn Văn, Toán, kết hợp cùng xét tuyển theo học bạ. Họ cho rằng thi thêm môn chỉ làm tăng thêm áp lực cho con trẻ, trong khi điều chúng ta hướng đến phải là “việc học hành, thi cử ngày càng nhẹ nhàng”.
“Năm vừa rồi, gần nhà tôi có mấy cháu thi vào lớp 10, thấy cả gia đình quay cuồng với việc học hành của con. Đấy là chỉ thi 2 môn đã phải lo học chính, học thêm, con trẻ không có thời gian nghỉ. Nếu thi thêm bài tổ hợp, tôi nghĩ chỉ có nước học bạc mặt thôi” - chị Nguyễn Minh Anh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) không giấu nỗi lo khi sang năm con chị thi vào lớp 10, đúng đợt có chủ trương đổi mới phương án thi.
Chị Đỗ Hồng Thúy (quận Hà Đông, Hà Nội) cũng không ủng hộ việc thi thêm môn trong kỳ thi vào lớp 10. Chị cho rằng có thi là có áp lực, có thi là có việc ôn luyện, vì thế sẽ khó tránh việc “dạy thêm học thêm”. Học lệch hay không căn bản do cách dạy hàng ngày của các thầy cô trên lớp chứ không chỉ phụ thuộc vào mấy bài thi.
Trước tâm lý lo lắng của phụ huynh, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng “áp lực không nằm ở việc thi 2 môn hay 6 môn, mà nằm ở cách ra đề thi.
Ông kiến nghị trước khi thay đổi phương án thi, Sở GDĐT cần ra những đề thi mẫu để học sinh làm quen, để rèn tư duy. Đề thi cần theo hướng rèn kỹ năng, trí tuệ là chính chứ không phải ra đề thi theo hướng học máy móc, thuộc lòng.
Hà Nội đề xuất ba phương án tuyển sinh vào lớp 10
Sau 4 tháng công bố phương án tuyển sinh mới vào lớp 10 năm học 2019-2020, Hà Nội lại đưa thêm hai hình thức khác ... |
Vật vã đòi lại “phí giữ chỗ” vào lớp 10: Pháp luật sơ hở hay cơ quan quản lý bất lực?
Với khoảng 32 nghìn học sinh lứa tuổi Dê vàng (2003) ở Hà Nội không được vào trường công lập, cuộc đua vào các trường ... |
Khổ sở nộp hồ sơ vào lớp 10: Nhiều phụ huynh vẫn \'lắc đầu\' với việc đăng ký trực tuyến
Thời gian nộp hồ sơ đăng ký vào lớp 10 trùng đúng vào đợt nắng nóng đỉnh điểm trong năm, hàng vạn phụ huynh Hà ... |
“Thoát công” nhìn từ đợt tuyển sinh lớp 10
Đọc cái tít “ Phụ huynh khóc lóc, van xin vẫn không nộp được hồ sơ vào lớp 10 cho con ” trên Lao Động, ... |
Ngày đăng: 15:14 | 15/08/2018
/ https://laodong.vn