Nếu có nhu cầu mua bảo hiểm thì tôi sẽ chủ động liên hệ với Công ty Bảo hiểm mà tôi tín nhiệm để mua trực tiếp, chứ nhất định không thông qua trung gian, môi giới cò mồi - phụ huynh phản bác.
Một năm học mới đã bắt đầu. Trong khi con trẻ thì háo hức đến trường vì được gặp bạn bè mới, thầy cô mới... thì các bậc phụ huynh cũng ở trong tâm trạng hết sức \'\'rối ren\'\'. Năm học mới, đồng nghĩa với biết bao thứ phải lo, từ chọn trường cho con, đến những mức phí phải đóng.
Lại nói đến mức phí đóng cho trường học mỗi dịp đầu năm. Đây là vấn đề tồn tại đã lâu, gây bức xúc cho nhiều bậc phụ huynh. Ngoài các khoản cố định phải đóng như học phí, tiền xây dựng cơ sở hạ tầng... thì càng ngày, càng xuất hiện nhiều mức phí khá vô lý như tiền dung dịch rửa tay, tiền bảo vệ, tiền sao đỏ... và các bậc phụ huynh đều chẳng hiểu lý do gì mình phải đóng những khoản này.
Mới đây, trên fanpage lamchame đã đăng tải một bức ảnh ghi lại ý kiến của một phụ huynh học sinh bên dưới tờ giấy thông báo khoản đóng Bảo hiểm của trường, gây xôn xao dư luận. Tờ giấy ghi rõ cụ thể các mức đóng Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm thân thể dành cho học sinh của một trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội, yêu cầu đóng trước 10/9/2017. Đáng chú ý là Bảo hiểm thân thể là mức bảo hiểm tự nguyện, nhưng cách nhà trường thông báo ở đây lại mang ý nghĩa bắt buộc.
Bình thường, các bậc phụ huynh sẽ xem mức phí này là bình thường, nhưng riêng phụ huynh có tên P.V.P thì không nghĩ vậy. Anh P. bày tỏ ý kiến riêng rằng:
Ý kiến phụ huynh học sinh
- Nhà trường là nơi truyền chữ cho học sinh, không phải công ty kinh doanh bảo hiểm.
- Nếu có nhu cầu mua bảo hiểm, thì tôi sẽ chủ động liên hệ với Công ty Bảo hiểm mà tôi tín nhiệm để mua trực tiếp, chứ nhất định không thông qua trung gian, môi giới cò mồi
- Yêu cầu trường (giấu tên) không làm phiền cha mẹ học sinh bằng việc làm không đúng chức năng này.
Câu chuyện này đã thu hút rất nhiều ý kiến phản hồi của cư dân mạng, đặc biệt là những ông bố bà mẹ bỉm sữa
Mặc dù không rõ thực hư ra sao, nhưng vấn đề này đã được bàn tán rất rôm rả vì tình trạng bắt buộc đóng bảo hiểm ở trường học là có thật. Nhưng tại sao Bảo hiểm là tự nguyện, nhưng năm nào nhà trường cũng liệt kê trong danh sách chi phí đóng bắt buộc?
Bạn Linh Pham thì cho rằng: \'\'Mua bảo hiểm thân thể và các loại bảo hiểm khác nếu có điều kiện thì mua, còn bảo hiểm y tế cần thiết phải mua vì bảo hiểm y tế không phải là hình thức kinh doanh\'\'
Nhưng nickname Ngô Thanh Thuỷ thì không đồng tình với ý kiến đó. Cô bình luận: \'\'Đúng là mua bảo hiểm y tế là cần thiết và nên mua, nhưng nhiều gia đình họ không thích mua hoặc họ không có điều kiện mua. Nếu nhà trường cho kiểu tự nguyện ai muốn mua thì mua, thì đã không nên chuyện, đằng này cứ bắt ép phụ huynh mua là sao?
Cứng quá không mua cũng được, nhưng kiểu gì con mình cũng vào danh sách đen và trước cuộc họp cô giáo cũng nêu ý kiến phê bình là các bác rút kinh nghiệm, nếu bé lên lớp sau thì nên mua để cô giáo mới không bị phê bình là không đủ chỉ tiêu\'\'
Bên cạnh những tranh cãi về mức bảo hiểm, thì nhân dịp này, cư dân mạng cũng bày tỏ sự bức xúc về những khoản phí đóng cho nhà trường từ xưa đến nay.
Bà mẹ có nickname T.D trầm ngâm: \'\'Không biết có bà mẹ nào dám làm thế không nhỉ, vì suốt 12 năm học cộng thêm 4 năm đại học, cô giáo luôn ra 1 điều kiện, nếu không đóng bảo hiểm thì nghỉ học luôn. Và tôi luôn thắc mắc 1 điều, đến giờ 30 năm tuổi đầu vẫn không hiểu, bảo hiểm thân thể là bảo hiểm gì?
Tại sao khi mua không có giấy tờ xác nhận và tôi không mua loại bảo hiểm này có được không? Đối với nhiều gia đình giàu có thì khoản tiền này chẳng là gì và họ cũng không cần bảo hiểm này, vì họ có rất nhiều tiền để mua cho con trọn gói bảo hiểm tư nhân xịn khác.
Họ chỉ đóng tiền vì giáo viên ép buộc mà thôi. Nhưng cũng có những trường hợp quá nghèo, để lo được gần 1 triệu đóng bảo hiểm là chuyện rất khó. Tiền ăn hằng ngày còn không có huống chi mua bảo hiểm. Và tôi từng khóc khi cô giáo liên tục bắt đóng tiền mà bố mẹ không thể xoay xở kịp.
Tôi đã xin cô giáo cho tôi không mua Bảo hiểm, tôi ko cần bảo hiểm, nhưng nhà trường nhất quyết không chịu. Tôi gọi đây là BẢO HIỂM ÉP BUỘC.
Bạn Dung Hồ thì cho rằng: \'\'Nhà trường là nơi kinh doanh đủ thứ trên đời . Ngày trước đi học còn khờ không biết gì, kêu đóng tiền gì thì về kêu phụ huynh đóng tiền đó. Ngoài học phí còn đóng tiền bảo hiểm (ép buộc học sinh phải đóng), tiền ghế, bàn, bảng lớp, phấn, quỹ lớp, quỹ người nghèo.....trong khi đó 1 phòng học là 2 lớp, lớp sáng lớp trưa, cùng ngồi chung cái ghế, học chung cái bảng, mà tiền ghế năm cấp 1 thì đóng 10k. Lên cấp 2 thì 50k .
Tiền bảng 40k. Trong khi 1 lớp tới 50 học sinh, năm nào cũng phải đóng mà vẫn ngồi cái ghế đó. Mình còn nhớ hồi học cấp 1, từ lớp 1 cho tới lớp 5, năm nào cũng đóng tiền xây trường mà mãi tới 20 năm sau trường mới được xây.
Bạn Thu Hằng thì tỏ vẻ buông xuôi: \'Có những lúc nghĩ, thôi tiền vẫn có thì cứ nộp đi cho xong chuyện. Mà cũng đúng, vì chỉ có nộp tiền hoặc nghỉ học, chứ họ có miễn phí hay giảm tiền đâu. Đấy mới chỉ là nộp tiền cho cơ sở vật chất. Còn quỹ lớp, quỹ trường.. các kiểu. Mà có chơi với nhau đâu, toàn đánh nhau xung đột hiềm khích.. Cứ thế, gi gỉ gì gi cái gì cũng của họ hết, dưới hình thức đóng ghóp hay cho thuê.Cá nhân cả đời chịu khó mà cống nạp\'\'
Các bà mẹ bỉm sữa đã tranh luận rất sôi nổi về vấn đề này
Ngày đăng: 06:00 | 10/09/2017
/ Theo BB/VTC News