Phe "chủ hòa" muốn đạt thỏa thuận với Trung Quốc, nhưng các quan chức có quan điểm cứng rắn coi Bắc Kinh là mối đe dọa, cần gây sức ép tối đa.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (trái) và Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton. Ảnh: AP. |
Quyết định của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei vào danh sách đen về thương mại là kết quả từ những cuộc tranh cãi giữa hai phe trong Nhà Trắng, với lợi thế đang nghiêng về nhóm quan chức theo chủ trương cứng rắn, khi cuộc chiến về thương mại và công nghệ giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng leo thang.
Phe "chủ hòa" ở Nhà Trắng do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer dẫn dắt. Trong nhiều tháng qua, họ đã nỗ lực để đạt được một thỏa thuận kết thúc cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc và thành công bước đầu khi thuyết phục được Tổng thống Trump không ký một sắc lệnh hành pháp cấm Huawei làm ăn trên đất Mỹ, theo các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và giới quan sát.
Nhưng vào đầu tháng 5, tình hình nhanh chóng xấu đi. Hai ngày sau khi các nhà đàm phán khép lại những phiên thảo luận "hiệu quả" ở Bắc Kinh, Mỹ cáo buộc Trung Quốc từ bỏ những điều khoản quan trọng mà hai bên đã thống nhất. Trump lập tức ra lệnh áp thuế 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, đồng thời đe dọa sẽ tiếp tục đánh thuế 25% với khoảng 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Bắc Kinh.
Trung Quốc không chịu nhượng bộ khi tung đòn trả đũa bằng cách nâng thuế với 60 tỷ USD của Mỹ. Ngày 15/5, Trump ký sắc lệnh hành pháp cấm các công ty Mỹ sử dụng công nghệ truyền thông của bất kỳ bên nào được coi là mối đe dọa an ninh quốc gia. Bộ Thương mại Mỹ bồi thêm bằng quyết định đưa Huawei vào "danh sách đen", ngăn chặn gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc mua các thiết bị, công nghệ Mỹ khi chưa được chính phủ nước này cho phép.
"Thật sốc khi chứng kiến thỏa thuận tan vỡ", Paul Triolo, trưởng ban chính sách công nghệ toàn cầu thuộc công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group, cho hay. "Phe cứng rắn ở Nhà Trắng đã thắng và các cố vấn dẫn dắt đàm phán thương mại đã thua".
Ngay trong đội ngũ đàm phán thương mại của Trump cũng có những ưu tiên khác nhau. Bộ trưởng Mnuchin muốn Trung Quốc cam kết mua nông sản và hàng hóa Mỹ để thu hẹp thâm hụt thương mại xuống 419 tỷ USD. Trong khi đó, Lighthizer kiên quyết yêu cầu Trung Quốc xử lý những hoạt động thương mại không công bằng, bao gồm đánh cắp tài sản trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ và trợ giá cho các doanh nghiệp chính phủ. Dù vậy, cả hai đều nhất trí rằng bất cứ thỏa thuận nào cũng phải đem lại lợi ích cho Mỹ.
Ở bên chiến tuyến, theo giới quan sát, những cố vấn theo đường lối cứng rắn, trong đó có Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton cùng các quan chức từ Bộ Quốc phòng và cộng đồng tình báo, đều coi Trung Quốc là một mối đe dọa hiện hữu với Mỹ ở những mức độ khác nhau.
Ngày 24/5, Trump gây nhiễu loạn thông điệp của chính phủ khi tuyên bố Huawei "vô cùng nguy hiểm", nhưng lại tuyên bố rằng tập đoàn viễn thông Trung Quốc có thể trở thành quân bài mặc cả trong đàm phán thương mại.
Giới phân tích nhận định tuyên bố này của Trump cho thấy áp lực từ chính quyền Mỹ nhằm vào Huawei dường như mang nhiều động cơ chính trị. Sự thiếu nhất quán của Mỹ về chính sách đối với Trung Quốc cho thấy Trump và các cố vấn có lẽ không thể giữ cân bằng giữa việc hợp tác với Bắc Kinh và ngăn chặn những hành động gây tổn hại tới lợi ích của Mỹ từ phía Trung Quốc.
Thời điểm Huawei bị bổ sung vào danh sách đen "cho thấy việc này có liên quan tới những cuộc đàm phán thương mại bởi không có lý do gì nó lại diễn ra bây giờ", Susan Thornton, nhà ngoại giao kỳ cựu từng giữ chức quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương dưới chính quyền Trump, nhận xét.
"Chúng ta không có một chính sách thực sự trước Trung Quốc", Thornton nói. "Chính quyền này không được chuẩn bị về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc".
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters. |
Daniel Russel, người từng đảm nhận vị trí trợ lý ngoại trưởng Mỹ về Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời tổng thống Barack Obama, nhất trí rằng việc Tổng thống Trump đợi đến lúc các cuộc đàm phán thương mại sụp đổ mới ký sắc lệnh hành pháp chống lại Huawei là hành động "mang động cơ chính trị".
Chính phủ Mỹ đã điều tra Huawei trong ít nhất một thập kỷ. Năm 2005, một báo cáo của quốc hội Mỹ nhấn mạnh "gián điệp công nghiệp là công cụ tích cực trong chiến lược của Trung Quốc nhằm phát triển công nghệ". Báo cáo trên chỉ ra Huawei là một công ty chủ chốt hỗ trợ việc phát triển mạng di động 3G của Trung Quốc.
14 năm sau, động thái của Washington khiến Huawei trở thành tâm điểm toàn cầu. Với việc cấm cửa Huawei, Trump dường như đã từ bỏ ý định đàm phán, ít nhất ở hiện tại, Triolo nhận định. Và lần này, những cố vấn chủ trương đàm phán đã bị "che mắt".
Vài ngày trước khi Trump công bố tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc, Bộ trưởng Mnuchin còn miêu tả các cuộc thảo luận về thương mại với Trung Quốc là "tích cực". Sau khi Trump ký sắc lệnh hành pháp, Mnuchin tiếp tục khẳng định Mỹ sẵn sàng tổ chức các phiên đàm phán mới với Trung Quốc nếu hai bên có thể tiến hành trên cơ sở những cuộc thảo luận trước đó.
"Chính quyền Trump không phải lúc nào cũng suy nghĩ thấu đáo và chiến lược gây sức ép tổng lực lên Huawei sẽ khó thành công", Russel cho hay. "Lý do quan trọng nhất nằm ở thực tế là Huawei đã xây dựng cơ sở vững chắc và gặt hái được thành công trên 2/3 thị trường thế giới".
Năm ngoái, Huawei công bố danh sách 92 nhà cung cấp toàn cầu quan trọng với các sản phẩn của họ, trong đó gần 2/3 nằm ngoài lãnh thổ Mỹ. Huawei cũng đang là đơn vị dẫn đầu trong công cuộc phát triển mạng 5G, mạng di động không dây thế hệ thứ 5 có tốc độ nhanh gấp 10 lần thế hệ trước đó, hứa hẹn thay đổi mọi mặt đời sống con người. Năm 2018, Huawei có doanh thu 105 tỷ USD với gần 200.000 nhân viên.
Đối với nhiều người dân Trung Quốc, việc Mỹ tuyên chiến với Huawei đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh lạnh thù địch về công nghệ, đồng thời thay đổi căn bản bản chất xung đột Mỹ - Trung.
"Việc nhắm trực tiếp vào một tập đoàn công nghệ cụ thể của Trung Quốc rõ ràng là bước gây leo thang căng thẳng nghiêm trọng", Triolo bình luận. "Nó gây thất vọng ngay cả với những người Trung Quốc ủng hộ Trump thúc ép Trung Quốc cải cách cấu trúc thị trường và mở cửa thị trường cho những nhà đầu tư nước ngoài khác".
Hai tuần qua, các công ty Mỹ như Qualcomm, Microsoft và Lumentum đã thu hẹp những mối hợp tác kinh doanh với Huawei, đáp ứng sắc lệnh hành pháp của Trump. Nhà sản xuất chip điện tử Đức Infineon Technologies cùng một số công ty điện thoại di động Anh và Nhật cũng thông báo hoãn giao hàng cho Huawei.
Chính quyền Trump cũng chuẩn bị công bố những giới hạn mới về xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao sang Trung Quốc. Tuần trước, Mỹ cho biết đang cân nhắc đưa vào danh sách đen 5 công ty sản xuất thiết bị giám sát của Trung Quốc, bao gồm cả HikVision. Bộ An ninh Nội địa Mỹ còn ra cảnh báo về những mối đe dọa an ninh từ công ty sản xuất thiết bị bay không người lái Trung Quốc DJI.
Hồi đầu tháng, cơ quan quản lý truyền thông Mỹ từ chối để công ty China Mobile cung cấp ứng dụng tại Mỹ, viện dẫn lý do rủi ro an ninh quốc gia. Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang Ajit Pai cho hay họ đang "xem xét lại" những giấy phép từng cấp cho hai nhà mạng Trung Quốc là China Unicom và China Telecom.
"Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một mạng lưới 5G toàn cầu mà không có thiết bị của Trung Quốc", Triolo nói.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Coons hôm 14/5 cho biết ông quan ngại "về cách Trung Quốc đang phát triển những thứ sẽ là công nghệ quan trọng nhất trong thập kỷ sắp tới". "Viễn cảnh Trung Quốc có thể phá vỡ những mạng lưới trung tâm điều khiển mọi thứ từ phương tiện giao thông tới y tế, an ninh quốc gia hay hệ thống điện của Mỹ khiến tôi ớn lạnh và lo âu", Coons nhấn mạnh.
Nhưng làm thế nào để xây dựng mạng lưới 5G mà không có sự tham gia của Trung Quốc vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Tháng trước, KPN, nhà cung cấp dịch vụ không dây hàng đầu Hà Lan, đã chọn mua thiết bị 5G từ Huawei vì giá của họ rẻ hơn 60% so với các đối thủ khác.
Giới quan sát nhận định động thái cô lập Huawei có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng cho người tiêu dùng, ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ và quan trọng hơn cả là sự phát triển toàn cầu của mạng 5G.
"Xây tường rào xung quanh nước Mỹ không phải một chiến lược tăng trưởng", Russel nói.
Đến nay, cả Huawei và chính phủ Trung Quốc đều phản ứng dè chừng. Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi mới đây, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi khẳng định họ và Mỹ "cuối cùng sẽ tìm được hướng ra bởi chúng tôi muốn hợp tác cùng nhau để cống hiến cho xã hội". Ông kêu gọi truyền thông không làm căng thẳng thêm tình hình. "Truyền thông nên hiểu rằng các công ty Mỹ và Huawei có chung số phận. Chúng ta đều là những thực thể trong nền kinh tế thị trường".
Tuần qua, chính phủ Trung Quốc yêu cầu các quan chức và báo chí nhà nước tránh đưa ra những chỉ trích quá mức và không cần thiết nhằm vào Mỹ cũng như các đồng minh, hy vọng có thể nhận được những tiếng nói đồng cảm từ phía bên kia.
Theo giới chuyên gia, kịch bản khả dĩ nhất là Huawei thương thảo một thỏa thuận với Bộ Thương mại Mỹ. Tuy nhiên, nỗ lực này chắc chắn sẽ gặp phải sự kháng cự từ những tiếng nói cứng rắn, hiếu chiến tại Nhà Trắng, Triolo và Russel đánh giá.
Triolo cho rằng sẽ không ai biết mọi chuyện rồi sẽ đi về đâu với Huawei, nếu tập đoàn này bị cắt khỏi chuỗi cung ứng thiết bị cho mạng 5G. Dù có những tính toán nào, Huawei cũng sẽ phải đẩy nhanh tốc độ, bởi quyết định gia hạn của Bộ Thương mại Mỹ với tập đoàn này chỉ kéo dài đến ngày 19/8, trước khi Huawei thực sự lâm vào tình cảnh bị cô lập, theo TechRadar.
Bốt quảng cáo công nghệ 5G của Huawei tại một hội chợ ở Bắc Kinh, Trung Quốc hồi tháng 9/2018. Ảnh: Reuters. |
Vũ Hoàng (Theo SCMP)
Những trợ cấp Huawei nhận được từ chính phủ Trung Quốc
Huawei nhận hơn một tỷ USD trợ cấp, được mua đất với giá thấp và khách hàng nước ngoài của họ được vay tiền từ ... |
Huawei và hàng thập kỷ bị cáo buộc là ‘kẻ cắp công nghệ’
Công ty Trung Quốc luôn nói rằng mình tôn trọng bản quyền, nhưng trong lịch sử họ nhiều lần bị kiện về những hành vi ... |
Ngày đăng: 15:08 | 31/05/2019
/ VnExpress