Sự dễ dãi trong thực thi pháp luật và thái độ dửng dưng của giới họa sĩ khiến việc quản lý tranh chép trở thành căn bệnh trầm kha
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền những hình ảnh so sánh tác phẩm được đấu giá thành công tại đêm nhạc thiện nguyện "Ước mơ của Thúy" của họa sĩ Trung Đinh (Đinh Quang Trung) với tác phẩm của họa sĩ người Nga Antonov (rất nổi tiếng với những bức tranh vẽ về hoa hồng). Cộng đồng mạng cho rằng họa sĩ Trung Đinh đã chép lại tác phẩm của họa sĩ người Nga rồi ký tên lên tác phẩm và đem đấu giá.
Muốn thì chép
Họa sĩ Trung Đinh giải thích rằng anh đã nói với ban tổ chức về bức tranh là được vẽ lại của thầy Alex Antonov và có xin phép ra sân khấu để giới thiệu nguồn gốc và xuất xứ của bức tranh rất rõ ràng, để khán giả sáng tỏ trước khi quyết định mua. Cuối cùng, bức tranh được bán với giá 170 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng giải thích này bất nhất với những gì mà họa sĩ Trung Đinh giới thiệu về hoàn cảnh vẽ bức tranh tại đêm thiện nguyện. Theo đó, anh cho biết bức tranh hoa hồng này đã được vẽ từ một bức ảnh. Thầy của anh, họa sĩ Antonov, cũng đã chép từ bức ảnh đó. Điều đáng nói là họa sĩ Trung Đinh đã ký tên mình lên tranh và đề tên bức tranh là "Thời gian".
Giới họa sĩ đặt câu hỏi không biết có phải vì thế mà nhiều người đã hiểu rằng bức tranh này là sáng tác riêng của họa sĩ Trung Đinh, giúp bức tranh bán được 170 triệu đồng trong đêm đấu giá? Không chỉ có bức tranh này, cộng đồng mạng đã tìm ra nhiều tác phẩm khác do họa sĩ Trung Đinh sao chép từ tranh của họa sĩ người Nga Antonov. Đa phần trên các bức tranh ấy, anh ký tên mình và đề tên tác phẩm lên mặt tranh.
Thực tế, tình trạng chép tranh vô tội vạ đã có từ lâu nhưng đến lúc này, các họa sĩ hết chịu đựng nổi nên mới cùng nhau "lật tẩy" để đòi lại công bằng cho họ. Bởi lẽ, những bức tranh chép không chỉ cẩu thả mà còn được kinh doanh công khai với danh nghĩa là tác phẩm sáng tạo của một tác giả khác. Họa sĩ Hoài Anh Nguyễn than: "Tranh tôi vẽ là chất liệu acrylic... hiện đã được ông Võ Đức Hiếu ở Hà Nội sưu tập, vậy mà nó vẫn được rao bán với chất liệu sơn dầu". Họa sĩ Lâm Đức Mạnh nói bức tranh "Chiều thu bên ô Quan Chưởng" của anh được chép ra bán khắp nơi, tất nhiên không hề có tên tác giả và tên người chép. Đáng nói là bức tranh ban đầu được đưa lên trang Viet Art Space, sau đó anh quyết định sửa biển cấm ôtô thành chiếc cột đèn. Thế nhưng, một người sao chép bê nguyên xi bức tranh ban đầu chưa hoàn chỉnh rồi rao bán mà không biết bức tranh thật đã được tác giả chỉnh sửa.
Trên trang web bán tranh quốc tế artfire.com (ghi địa điểm tại Thái Lan) thậm chí còn đổi tên tác giả tranh. Tranh của Lâm Đức Mạnh thành tranh của Lam Manh Quang, rồi rao bán công khai các sản phẩm tranh giả, có giá từ 250 - 590 USD/bức. "Phòng tranh mỹ thuật 360 đã chép tác phẩm của tôi cũng khoảng 10 năm nay và chép rất nhiều tranh của họa sĩ khác nữa" - họa sĩ Lâm Đức Mạnh bức xúc.
Nhóm "Phản đối xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa" do họa sĩ Bùi Trọng Dư thành lập, với sự tham gia của các họa sĩ, nhà báo, luật sư,… cho biết mỗi ngày các họa sĩ lại phát hiện tranh của mình bị sao chép, được bày bán công khai tại các xưởng, phòng vẽ, cửa hàng tranh với tên tác giả khác hoặc không đề tên tác giả.
Bức “Hoa hồng” của họa sĩ Nga Antonov và bức “Thời gian” của Trung Đinh. Ảnh: THANH XUÂN
Bó tay?
Thực tế, pháp luật (cả Việt Nam và quốc tế) đều cho phép một số trường hợp được sao chép tác phẩm đã công bố của người khác mà không bị coi là xâm phạm bản quyền (còn gọi là fair use), thậm chí không phải xin phép với điều kiện phi thương mại.
Thế nhưng, nạn chép tranh đang diễn ra ở Việt Nam lại hoàn toàn mang tính thương mại. Tất cả đều được bày bán công khai. "Bán tranh giả như thế vừa làm hỗn loạn thị trường vừa phạm tội lừa đảo, cố tình bán những sản phẩm kém chất lượng" - một họa sĩ bày tỏ.
Như trường hợp của họa sĩ Trung Đinh, dù anh khẳng định chưa bao giờ bán tranh cho ai, chỉ tặng người thân hoặc treo ở nhà, nơi làm việc cá nhân nhưng một luật sư cho rằng: "Việc sao chép tác phẩm của họa sĩ Antonov rồi đem tặng bạn bè vẫn là phạm luật. Còn việc ký tên người chép tranh lên tác phẩm trong trường hợp sao chép tranh để treo trong nhà là chưa đủ, cần phải đề rõ tên tác giả của tác phẩm gốc. Việc không đề tên họa sĩ Antonov trên tranh của Trung Đinh dễ dẫn tới sự hiểu lầm cho người chơi tranh".
Khi đề cập nạn chép tranh, các họa sĩ đều tỏ ra bức xúc nhưng cũng thừa nhận rằng giới họa sĩ vẫn thiếu chính kiến, không quyết tâm làm đến nơi đến chốn. Nhiều họa sĩ thường ngó lơ, im lặng, nếu thấy không có gì liên quan tới mình, coi như không phải việc của mình. Khi nhận được lời xin lỗi, hứa hủy tranh từ "thủ phạm", các họa sĩ thường thỏa hiệp rồi cho qua.
Đó là lý do khiến tình trạng chép tranh phạm pháp (ký tên người chép tranh lên tranh chép) và kinh doanh trái phép vẫn tiếp tục hoành hành.
Luật quy định nhưng thực thi chưa hiệu quả Để tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, giảng dạy, pháp luật cho phép những trường hợp sao chép tác phẩm đã công bố không cần phải xin phép tác giả nhưng "không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm" (khoản 2, điều 25, Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009). Đối với việc sao chép lậu (không được phép của tác giả) các tác phẩm hội họa sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định 131/2013/NĐ-CP và Nghị định 28/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 131/2013/NĐ-CP. Theo đó, hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 35 triệu đồng; buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật. Trường hợp giả mạo chữ ký của tác giả trên tác phẩm thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng cùng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy tang vật vi phạm. Luật pháp quy định cụ thể, rõ ràng nhưng việc thực thi chưa hiệu quả. |
Họa sĩ vẽ tranh khiến người xem không phân biệt nổi ảnh vẽ hay chụp Các tác phẩm của họa sĩ Hàn Quốc khiến người xem sờ tận tay cũng khó nhận ra là ảnh vẽ. |
Nữ họa sĩ Sài Gòn vẽ tranh về ba năm bị trầm cảm Nguyễn Ngọc Đan khắc họa năm tháng khủng hoảng khi từ Nga về nước, rồi học cách đứng dậy qua ba series tranh. |
Ngày đăng: 22:01 | 31/05/2019
/ https://nld.com.vn