Hưởng ứng phong trào sáng kiến sáng chế (SKSC) của Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), trong những năm qua, Công ty Liên doanh Điều hành Cửu Long (Cửu Long JOC) đã phát đi thông điệp mạnh mẽ đến toàn thể CBCNV về phát huy SKSC tối đa, mọi lúc, mọi nơi. Trong bối cảnh giá dầu suy giảm, cần tối ưu hóa chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm để bảo đảm hiệu quả khai thác, hoạt động SKSC tại Cửu Long JOC càng có giá trị thiết thực hơn bao giờ hết.
Tiên phong tiếp cận khoa học công nghệ
Cửu Long JOC là một trong những công ty liên doanh điều hành với nước ngoài đầu tiên của ngành Dầu khí trong thời kỳ đổi mới và mở cửa. Các công ty dầu khí nước ngoài, nhất là Hoa Kỳ - Conoco Phillipes đã mang nhiều khoa học, công nghệ và phương pháp quản lý tiên tiến vào Việt Nam trong giai đoạn đầu. Nhiệm vụ đặt ra cho lãnh đạo phía Việt Nam trong Cửu Long JOC giai đoạn này chính là phải tổ chức, động viên cán bộ công nhân viên Việt Nam nắm bắt, từng bước vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật tiên tiến, thay thế dần người nước ngoài, mạnh dạn phát huy đội ngũ nhân viên Việt Nam có trình độ và năng lực thay thế người nước ngoài trong hoạt động điều hành sản xuất và phát triển mỏ của Cửu Long JOC. Bên cạnh việc phải làm tốt công tác đào tạo để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng kịp nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao cho sự phát triển của công ty, phía Việt Nam tại Cửu Long JOC đã phải nỗ lực làm việc với các đối tác nước ngoài để nâng dần tỉ lệ người Việt Nam trong các dự án phát triển mỏ; cũng như hoàn thiện các chế độ chính sách tạo môi trường làm việc, môi trường văn hóa tốt để khuyến khích người lao động làm việc hiệu quả và gắn bó với công ty.
Người lao động Cửu Long JOC trên giàn Sư Tử Trắng.
Nếu như trước đây các dự án phát triển mỏ Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng (giàn CPP) và Sư Tử Đen Đông Bắc có tới 98-99% là người nước ngoài khiến Cửu Long JOC phải bỏ ra chi phí rất lớn, thì sau một thời gian đấu tranh giành lại vị trí cho người Việt Nam, từ năm 2010 trở đi, dự án phát triển mỏ Sư tử Trắng đã nâng tỉ lệ người Việt Nam lên 38%, tiếp đó là dự án phát triển mỏ Sư Tử Nâu là 51% và đến dự án phát triển mỏ Sư Tử Vàng Đông Bắc (SV-15X, SV 16X) là 80%. Đến nay, toàn bộ đội ngũ vận hành trên các công trình biển của Cửu Long JOC đã đạt tỉ lệ 100% là người Việt Nam. Quan trọng hơn, các vị trí then chốt đều do người Việt Nam nắm giữ, càng khẳng định mạnh mẽ hơn vai trò, trình độ và khả năng của người Việt Nam trong điều hành và vận hành hoạt động dầu khí. Việc người Việt Nam đảm đương các công việc không chỉ hiệu quả lớn về chi phí mà còn nâng cao giá trị làm chủ công nghệ của người Việt, tạo đà cho nâng tầm giá trị Việt Nam.
Phát huy khả năng sáng tạo trong sản xuất
Kế thừa những giá trị to lớn đã đạt được trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, dưới sự quan tâm và chỉ đạo sát sao từ PVEP và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), ban lãnh đạo Cửu Long JOC luôn nỗ lực tìm kiếm các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; trong đó có việc khuyến khích tinh thần lao động sáng tạo trong CBNV-NLĐ. Đặc biệt trong bối cảnh giá dầu có nhiều biến động, việc tối ưu hóa chi phí, giảm giá thành/thùng dầu luôn là một trong những mục tiêu trọng tâm của bất cứ nhà điều hành dầu khí nào.
Trước những yêu cầu mới được đặt ra, phong trào sáng kiến sáng chế, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất lại càng trở nên cấp thiết, đã và đang không ngừng được phát động và nhân rộng trong toàn Cửu Long JOC qua nhiều năm, cũng như triển khai rộng rãi trong toàn bộ hoạt động sản xuất của công ty. Đây là một trong các giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng giúp Cửu Long JOC hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ sản xuất kinh doanh được giao phó.
Để truyền cảm hứng, khơi dậy tinh thần chủ động sáng tạo của CBCNV, ban lãnh đạo Cửu Long JOC luôn động viên, khích lệ người lao động phát huy khả năng sáng tạo trong sản xuất và trực tiếp đồng hành, tham gia xuyên suốt trong từng SKSC như: phê duyệt sáng kiến, góp ý cho tác giả, chỉnh sửa cho hợp lý… Chính điều này đã làm cho phong trào sáng tạo có sức lan tỏa mạnh mẽ tại Cửu Long JOC, đặc biệt là thời gian gần đây, ngày càng có nhiều tác giả, nhóm tác giả tham gia vào hoạt động SKSC của công ty.
Dựa vào thực tế ở Cửu Long JOC có nhiều CBCNV có SKSC được ứng dụng trong thực tế đem lại hiệu quả nhưng chưa hiểu rõ cách thức trình bày, viết ra thành sáng kiến, do đó công ty đã lập ra một tổ sáng kiến để phổ biến các quy chế của hoạt động SKSC đến toàn bộ CBCNV, hỗ trợ các thủ tục đăng ký sáng kiến, hướng dẫn trình bày, bảo vệ trước hội đồng sáng kiến…; đồng thời, thường xuyên cập nhật những quy chế, quy định mới về hoạt động SKSC của PVEP và Petrovietnam để CBCNV có thể nắm bắt kịp thời; chia sẻ cập nhật những SKSC của các công ty khác để CBCNV tham khảo hoặc áp dụng trong hoạt động sản xuất thực tiễn.
Người lao động Cửu Long JOC trên giàn Sư Tử Vàng CPP
Trong vòng 10 năm từ 2013 đến 2022, Cửu Long JOC đã trình 40 sáng kiến/giải pháp hữu ích -hợp lý hóa sản xuất, trong đó đã được PVEP xem xét, đánh giá và công nhận 29 đề tài và được 10 sáng kiến công nhận cấp Tập đoàn, 2 sáng kiến đạt giải Ba và Khuyến khích hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc VIFOTEC. Riêng giai đoạn 2020-2022, Cửu Long JOC có 8 sáng kiến và giải pháp hữu ích - hợp lý hóa sản xuất đã được hội đồng SKSC PVEP công nhận, trong đó 2 sáng kiến được công nhận ở mức cao nhất của Petrovietnam, 1 sáng kiến đạt giải Khuyến khích hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc VIFOTEC.
Một trong số những sáng kiến tiêu biểu đã góp phần nâng cao hiệu suất vận hành và khai cho Cửu Long JOC phải kể đến đó là sáng kiến “Sử dụng chất lỏng làm kín polymer hóa dưới tác động chênh lệch áp suất để khắc phục sự cố rò rỉ cơ cấu quay truyền tải nước và dầu khai thác (Produced Oil & Water Swivel) trên tàu Thai Binh-VN FPSO”. Đây cũng là sáng kiến được xếp hạng ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc VIFOTEC lần thứ 14 (2016-2017), được Petrovietnam công nhận là sáng kiến hạng đặc biệt năm 2016. Các cán bộ kỹ sư Cửu Long JOC đã làm kín đầu nối truyền tải chất lưu cho tàu FPSO bằng keo lỏng Seal-Tite, từ đó khắc phục được sự rò rỉ trên đầu nối quay truyền tải dầu và nước (Oil & Water Swivel), kể cả trong mùa biển động. Đáng chú ý là trong quá trình sửa chữa bằng phương pháp này, không yêu cầu phải dừng khai thác nên không ảnh hưởng đến sản lượng, đã mang về hiệu quả kinh tế 9,2 triệu USD.
Sáng kiến thứ 2 giúp Cửu Long JOC tiếp tục đạt thành tích cao tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc VIFOTEC lần thứ 16 (2020-2021), đồng thời cũng được Petrovietnam công nhận là sáng kiến hạng Đặc biệt, đó là sáng kiến“Giảm lực ma sát của dây cáp và ống khai thác cho việc bắn mìn giếng STT-3PST có cấu trúc phức tạp”. Đây là sáng kiến sử dụng dung dịch bôi trơn cáp làm giảm hệ số ma sát giữa cáp tời và ống khai thác, sáng kiến này có thể được áp dụng cho các giếng có cấu trúc giếng phức tạp về độ nghiêng và hướng giếng gây nên sức căng cáp tời lớn vượt qua giới hạn cho phép hoạt động an toàn của cáp, đã giúp đơn giản hóa quá trình thực hiện, giúp đẩy tiến độ thi công nhanh hơn, chi phí thấp hơn và giảm mất dầu do thời gian đóng giếng ngắn hơn. Hiệu quả kinh tế do sáng kiến này mang lại khoảng 5,5 triệu USD. Ngoài giá trị kinh tế gia tăng đáng kể từ sáng kiến mang lại, sáng kiến còn cho phép khai thác toàn bộ các khoảng vỉa của giếng STT-3PST, góp phần quan trọng vào việc thu thập thông tin, quản lý mỏ cũng như bổ sung cho việc lập kế hoạch phát triển tổng thể mỏ trong thời gian sau đó.
Cụm giàn Sư Tử Trắng.
Song song với phong trào thi đua sáng kiến của PVEP/Petrovietnam, thời gian gần đây Cửu Long JOC cũng đang tích cực hưởng ứng phong trào 1 triệu sáng kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ước tính khoảng 40-50 sáng kiến đã được đưa ra và đề xuất, những sáng kiến này đã và đang được áp dụng vào thực tiễn sản xuất, cải thiện đời sống và môi trường làm việc của NLĐ, nâng cao hiệu quả hoạt động và làm lợi cho công ty, các đối tác, Petrovietnam cũng như Việt Nam nói chung.
Để đạt được những thành tích xuất sắc trong lao động sáng tạo thời gian vừa qua, tập thể Cửu Long JOC, đặc biệt là các cán bộ trẻ giàu nhiệt huyết đã không ngừng tìm tòi, học hỏi nhằm tối ưu hóa công nghệ khai thác, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong thi công khoan, mạnh dạn ứng dụng các công nghệ mới thực hiện thành công việc tối ưu hóa thời gian ngừng vận hành định kỳ để sửa chữa, bảo dưỡng và duy trì chứng chỉ. Tập thể CBNV-NLĐ luôn đồng tâm hiệp lực, dám nghĩ dám làm, chủ động sáng tạo vượt khó, giúp Cửu Long JOC hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ sản xuất, hoàn thành kế hoạch khai thác dầu thô và kế hoạch tài chính do Tổng công ty/Tập đoàn giao.
Ông Lê Đắc Hóa - Tổng Giám đốc Cửu Long JOC khẳng định, SKSC là động lực quan trọng cho sự phát triển. Do đó ngoài việc thúc đẩy phong trào SKSC phát triển tại công ty, cần không ngừng nhân rộng, phổ biến các SKSC hay, có tính ứng dụng rộng để hiệu quả của nó được nhân lên, không chỉ trong một công ty mà trong toàn ngành Dầu khí. Để đẩy mạnh phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cho các năm tiếp theo, Cửu Long JOC sẽ tạo điều kiện tốt hơn để lớp trẻ tham gia vào phong trào này; bên cạnh đó là nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu từng bộ phận, chủ động tư duy sáng tạo, đề xuất các ý tưởng, giải pháp trong toàn công ty. Đích đến của các sáng kiến, giải pháp phải được áp dụng vào thực tiễn sản xuất, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động, trong đó ưu tiên các nhóm triển khai nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật cao, công nghệ thông minh gắn với việc cải tiến kỹ thuật, giảm giá thành. Trong thời gian tới, Cửu Long JOC sẽ tiếp tục có những đổi mới về phương thức thẩm định và xét duyệt, nhằm khuyến khích, động viên và khơi gợi tinh thần sáng tạo, trân trọng từ những ý tưởng đơn giản nhất để hoạt động sáng kiến sáng chế thực sự trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của Cửu Long JOC./.
Ngày đăng: 20:18 | 19/09/2023
PV / Cổng thông tin điện tử PVEP