Không rõ có phải vì là trưởng nhóm nổi tiếng của ban nhạc tên Bức Tường mà nhìn Trần Lập từ khía cạnh nào, âm nhạc hay con người, cũng phảng phất hình ảnh của một bức tường.

 

 

 

Những người quen biết Trần Lập từ trước và sau khi nổi tiếng nhận xét tính cách của anh hầu như không thay đổi. Danh vọng và đồng tiền có thể khiến bất cứ một ai đổi khác, song Trần Lập đứng ngoài những sự cám dỗ đó.

Năm 1995, Trần Lập cùng Trần Tuấn Hùng, Nhật Hoàng, Nguyễn Hoàng và Đức Hiệp thành lập nhóm Bức Tường.

Khi ấy, rock Việt trong thời kỳ sơ khai, những thứ có thể kể đến không gì ngoài những viên gạch đầu tiên của Rock Da Vàng hay Atomega. Trần Lập và đồng đội tiếp những viên gạch ấy, xây lên một bức tường cho rock Việt.

Kỳ thực, rock của Bức Tường so với bề dày của Rock thế giới còn khiêm tốn, hard rock của nhóm chưa đủ nặng “đô” so với mặt bằng chung quốc tế nhưng những gì Bức Tường làm được cho rock Việt lại là nhiều.

Bức tường của Bức Tường

20 năm là chặng đường dài mà Bức Tường nói chung và Trần Lập nói riêng phải đi từng nấc thang mà phần lớn các bậc đều là dò dẫm.

Trần Lập hát "máu lửa", đầy năng lượng và cảm hứng sáng tác dồi dào với nhiều ca khúc nổi tiếng: Bông hồng thủy tinh, Đường đến ngày vinh quang, Tâm hồn của đá, Người đàn bà hóa đá, Hoa ban trắng, Tiếng gọi, Ra khơi.

.., điều đó không bàn cãi. Những mảnh ghép còn lại trong nhóm đều có sở trường riêng và đam mê mãnh liệt. Cộng đồng rock Việt cần sinh hoạt rock là điều kiện cần, Bức Tường đáp ứng ý chí và nội lực là điều kiện đủ, phép cộng cả hai mở ra thời đại mới của rock.

Trong rất nhiều thành tựu, Bức Tường được vinh danh ở vai trò của người tiên phong. Trần Lập và Bức Tường tạo ra trào lưu rock, truyền cảm hứng cho người trẻ; vừa dẫn dắt, vừa làm thay những điều họ không dám hoặc không thể làm.

Quan trọng hơn, Bức Tường và Trần Lập tạo ra cái riêng của rock Việt – gần như là rock nội sinh: thứ rock thiên về tâm hồn, chuyển tải những thông điệp về tình yêu thương, hướng con người đến với Chân – Thiện – Mỹ. Rock của Bức Tường thổi vào tinh thần sống lạc quan, sáng sủa đúng bản sắc người Việt.

Chẳng vì thế mà Bức Tường vẫn là nhóm nhạc thành công nhất tại Việt Nam trong giai đoạn 20 năm đó. 

Không rõ có phải vì là trưởng nhóm nổi tiếng của ban nhạc tên Bức Tường mà nhìn Trần Lập từ khía cạnh nào, âm nhạc hay con người, cũng phảng phất hình ảnh của một bức tường.

Vì tính tự cô lập của cộng đồng fan rock Việt mà Trần Lập có là biểu tượng trong rock Việt đi nữa, anh vẫn ít tiếng tăm với đại chúng, vẫn “lép vế” ở phương diện truyền thông so với các ngôi sao Pop đương thời. Điểm này thấy rõ ở lần Trần Lập bước ra khỏi lãnh địa riêng của rock, tham dự một chương trình ăn khách nhất lúc đó là Giọng hát Việt mùa 2012 và anh bị cho là \'\'nhạt nhoà" so với các đồng nghiệp khác. 

Lòng tự trọng của người đàn ông và rocker 

Sau cuộc chơi ồn ào, Trần Lập vẫn là Trần Lập. Anh tiếp tục những chuyến rong ruổi, lãng du những cung đường trải nghiệm để chắt chiu “vốn sống ta mang về nhà”. Rất nhiều nơi trên mảnh đất hình chữ S, từ đồng bằng đến núi cao rồi tận biển đảo, có dấu chân Trần Lập đi qua.

Một tháng trước cái ngày “định mệnh” 4/11/2015, Trần Lập vẫn đi vòng quanh Tây Bắc rất sung sức trong điều kiện thời tiết xấu. Khi về, anh phát hiện mình bị ung thư. Không có tâm thư đẫm nước mắt nào trong thông báo mình bị ung thư, thay vào đó, Trần Lập chia sẻ ngắn gọn rồi lên bàn mổ sau đó 2 ngày. 

Trần Lập bên vợ lúc sinh thời.

Hậu phẫu, cơ thể Trần Lập bắt đầu sinh hạch, nhiều đến nỗi chèn ép dây thần kinh và mạch máu làm đùi trái của anh bị sưng phù, không đi lại bình thường được, phải ngồi xe lăn. Đáng buồn thay, một rocker giàu năng lượng, mê xê dịch và yêu xe như Trần Lập, phải ngồi xe lăn, suýt bán cả những chiếc motor “khủng” từng gắn bó với anh khắp nẻo đường.

Nhưng bệnh tật không làm Trần Lập ngã quỵ. Suốt năm tháng cuối đời, rocker không than vãn nửa lời trên Facebook, thậm chí trách những người biến anh thành kẻ đáng thương. Nỗi đau thể xác lẫn tinh thần, gồm phản ứng phụ của xạ trị lên người, Trần Lập cho là chuyện thường tình của bất cứ bệnh nhân nào nên không chia sẻ, sợ mọi người phiền. 

Trần Lập lạc quan để vợ không gục ngã. Anh gọi các con lại, nói về bệnh tình và hứa chắc sẽ chiến đấu được, động viên các con yên tâm.

"Anh cũng cố gắng để các con được sống trong một môi trường bình thường nhất có thể. Mỗi ngày hai em vẫn tiếp tục cắp sách tới trường, tham gia các hoạt động ngoại khóa cùng những thú vui chơi của tuổi thơ. Anh không muốn khi lớn lên, các con mình sẽ nhớ tới những tháng ngày u tối với người cha ủ ê bên giường bệnh", tác giả Yo Lê viết trong cuốn Rong chơi - Trần Lập, Rock, moto và những cung đường.

Và hiếm ai khi nguy khó, được đồng nghiệp làm show quyên tiền hỗ trợ lại đem san sẻ tiền ấy cho những người cùng hoàn cảnh. Trần Lập đã tặng lại 100 triệu đồng cho học trò cũ của mình là “sư tử” Kim Loan – người mất vì ung thư gan 3 năm sau đó. Sau liveshow Bức Tường - Đôi bàn tay thắp lửa, Trần Lập trích tiền thu được trao cho 10 bệnh nhi tại khoa Nhi bệnh viện K3 Tân Triều.

Có thể nói Trần Lập đã sống tự trọng đến hơi thở cuối cùng, đó là chiến binh cho nghị lực để các fan nhìn vào anh không chỉ vì yêu tiếng hát, cách chơi nhạc rock đầy say mê mà yêu cả cách sống, năng lượng ấy chưa bao giờ mất đi trong tâm trí người nghe ngay cả đến giờ khi tác giả của ca khúc "Tâm hồn của đá" không còn nữa. 

Vợ - người chiến binh

Xuyên suốt cuộc đời Trần Lập là những cuộc chơi, chuyến rong ruổi: chơi rock, chơi xe rồi đi rong ruổi các vùng miền. Và để yên tâm rong ruổi, anh không thể thiếu người vợ tảo tần, kiên cường là chị Hoa làm hậu phương thật vững.

Ngược lại, Trần Lập cũng không phải kẻ đi lang bạt quên lối về. Cứ đầu mỗi chuyến đi, anh nhắc đi nhắc lại với các bạn phượt thủ rằng: "Đi là để trở về". Hay, anh đi để biết trân trọng hơn mái ấm, nơi có người vợ luôn hết lòng tin yêu, ủng hộ anh và hai đứa trẻ thấy bố là lao vào quấn quýt.

Nếu không tận mắt chứng kiến sẽ không hiểu thấu những xáo trộn trong một gia đình có người bệnh ung thư.

Trần Lập chịu bao nhiêu đau đớn bệnh tật thì chị Hoa cũng chịu tương đương những gánh nặng, áp lực và nỗi đau tinh thần. Chị, một mặt động viên chồng cùng chiến đấu với bệnh tật, mặt khác chăm sóc nhà cửa, con cái.

Chị làm điều ấy thuần thục như bao lần không đếm xuể quán xuyến mọi thứ để Trần Lập phát triển sự nghiệp, rong ruổi khám phá thiên nhiên; xếp từng cái áo, lo bữa cơm cho chồng đi diễn. Chị yêu rocker từ thời sinh viên rồi đồng hành cùng anh trong suốt chuyến đi của cuộc đời.

Hơn ai hết, Trần Lập nhìn rõ những hy sinh của vợ mình. Anh từng hãnh diện nói: “Mọi người có thể thấy tôi mạnh mẽ ở đâu đó nhưng thực sự, người bền gan và bản lĩnh nhất lại là người bạn đời của tôi”.

Đôi mắt buồn ngấn nước của chị Hoa nghe chồng hát trong liveshow cuối cùng.

Trong liveshow Bức Tường - Đôi bàn tay thắp lửa, Trần Lập hát bài Tiếng gọi tặng vợ, gọi chị là chiến binh. Chị Hoa mắt đẫm nước nhưng không khóc. Có thể nói, nhìn vào Bức Tường để thấy Trần Lập và nhìn vào Trần Lập để thấy hình bóng tảo tần của chị Hoa.

4 năm Trần Lập qua đời, bức tường nhỏ trong Bức Tường lớn mất đi, tạo nên một khoảng trống có thật bên trong nhóm nhạc và cả chính nền rock Việt. Bức Tường mất thủ lĩnh, rock Việt vắng đi một biểu tượng, những khoảng trống vẫn chưa được lấp lại.

Hơn 4 năm trôi qua kể từ ngày Trần Lập ra đi (Trần Lập mất năm anh 42 tuổi - PV), âm nhạc Việt Nam cũng có nhiều bước tiến mới. Song đến giờ thị trường âm nhạc Việt vẫn chưa tìm thấy một Trần Lập thứ hai với người nghe rock Việt và cái tên Trần Lập dường như chưa bao giờ bị lãng quên. Những người đồng nghiệp cũ vẫn thường xuyên nói về Trần Lập - những câu chuyện cũ, về người bạn tài hoa nhưng đoản mệnh.

 

 

Gia Bảo

 

Nhóm Bức Tường luôn mang theo micro của Trần Lập lên sâu khấu mỗi show diễn
Vợ Trần Lập viết tâm thư xúc động tròn 3 năm ngày mất của chồng
Hơn 1.000 khán giả hát nhớ Trần Lập tại ba điểm cầu

 

Ngày đăng: 10:26 | 02/05/2020

/ vietnamnet.vn