Thật xót xa khi nghe được những chia sẻ đầy bức xúc, phẫn nộ đi kèm với đó những nỗi lo không tên, rồi niềm tin bị ảnh hưởng của nhiều người về những vụ việc tiêu cực cứ tràn lan và nhan nhản trong thời gian vừa qua.
“Tôi thật sự tuyệt vọng”
Tối qua, người viết nhận được cuộc điện thoại của một phụ huynh mà chúng tôi đã quen trong lần đi tư vấn mùa thi của báo. Vị phụ huynh này nói đầy bất an: “Em ơi, sao chị thấy gần đây toàn những tin xấu, tin không hay. Cuộc sống càng ngày càng phức tạp thế này, con chị lại sắp thi lên thành phố. Chị thấy lo lắng quá em ơi! Xã hội đầy những tiêu cực ngoài kia sao khiến lòng chị bất an quá”.
Những chia sẻ của chị khiến người viết suy nghĩ, liệu rằng những vụ việc tiêu cực kia người dân tiếp cận có xem đó là hồi chuông cảnh báo để trang bị cho con em, cho bản thân những kỹ năng để phòng tránh, hay lại là những “giọt nước làm tràn ly” và khiến niềm tin của con người vào xã hội này mất dần đi?
|
Chị Đỗ Thị Thu Nguyệt (96/58 Nguyễn Thông, Q.3, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi nói thật, nuôi con thời buổi này ngày nào cũng như ngồi đống lửa. Gần đây bạo lực học đường, tụi nó đi học mà đánh nhau như những đứa giang hồ ngoài đường, đi thang máy cũng bị người khác sàm sỡ. Tối qua tôi nói với ba của tụi nhỏ, sao mà ăn ngủ cũng không yên, ổng la tôi rồi bảo đâu phải ở đâu cũng thế và đâu phải là số đông mà lo. Nhưng tôi bảo, lỡ đâu con mình lại nằm trong cái số không đông mà ông đang nghĩ đó thì sao”.
Cũng cùng tâm trạng với chị Nguyệt, cô Đặng Thị Nga (hàng xóm của chị Nguyệt) nói: “Tôi nói mấy đứa con thôi bớt lo công việc mà chú tâm đến con cái nhiều hơn. Tôi thật sự tuyệt vọng, một người từng giám sát các đơn vị thực thi pháp luật mà lại có hành vi sai trái thì tôi thử hỏi còn biết tin vào ai, xã hội này niềm tin biết đặt để ở đâu?”.
Nói rồi cô Nga cứ nhắc đi nhắc lại cụm từ “tôi thật sự tuyệt vọng, thật sự tuyệt vọng”.
Người viết ngớ người khi Trần Nguyễn Hà Anh, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, hỏi: “Bây giờ đi đường một chiều, chị có phải nhìn trước, nhìn sau,…?”
Hỏi rồi Hà Anh nói tiếp: “Với em bây giờ mọi thứ đều e dè, dù em có đi học võ, có học thêm các lớp kỹ năng phòng vệ vì thường đi làm thêm về khuya, nhưng thật sự cũng chưa bao giờ đi ngoài đường một mình mà em tự tin. Trước giờ đi thang máy em chưa có cảm giác lo sợ, nhưng giờ thì khác rồi... Nhiều lần gặp người tốt có ý muốn giúp đỡ em còn chẳng tin và từ chối ngay”.
“Dù còn nhiều tiêu cực nhưng chúng ta phải sống tốt”
Phùng Hữu Vinh (cựu sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM) người sáng lập nên trang Fanpage Made in Saigon nhằm lan tỏa những câu chuyện đẹp lên mạng xã hội, những ngày qua cũng bức xúc và rất buồn khi những sự việc tiêu cực cứ tràn lan khắp nơi. Nhưng anh chàng cũng cho rằng những vấn đề đó thời nào cũng có.
Vinh gửi gắm: “Tuy những điều đó làm Vinh thấy bất mãn, nhưng cá nhân Vinh thay vì bất mãn thực tại, Vinh sẽ cố gắng tìm kiếm nhiều hơn những điều tốt đẹp, những tấm gương sáng, những điều tích cực hơn trong cuộc sống. Mục đích chỉ muốn truyền tải thông điệp, động lực và truyền cảm hứng cho giới trẻ sống tốt hơn, đẹp hơn, người lớn cảm thấy có niềm tin hơn vào xã hội, vào giới trẻ”.
Còn anh Cao Trung Hiếu, sáng lập và điều hành Dân Trí Soft, bày tỏ: “Buồn lắm chứ, buồn đến thấu cả tim can ấy chứ, không những buồn mà cảm thấy giận lắm, giận nhất là những cái sai từ những người lớn gây ra mà gây ảnh hưởng xấu đến xã hội và không chỉ buồn mà còn cảm thấy đau lòng hơn khi giá trị đạo đức con người bị lẫn lộn”.
Anh Hiếu nói thêm: “Dù biết rằng xã hội còn những thông tin tiêu cực, nhưng chúng ta phải sống cho tốt. Vì vậy chúng ta cần có tư duy tích cực 'bình tĩnh để sống' vượt qua những thông tin tiêu cực, bởi đã là con người thì ai cũng chỉ có một lần để sống vậy. Nếu mỗi chúng ta đều ý thức sống tử tế hơn, sống tốt đẹp hơn thì những điều tốt đẹp này sẽ được lan tỏa đến cộng đồng, từ đó xã hội sẽ an vui hơn”.
Hoàn cảnh sống không quyết định được thái độ sống
Nhìn nhận về các sự việc gần đây, thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng có 3 lý do chính khiến các thông tin tiêu cực ngày càng xuất hiện nhiều.
Thứ nhất là xã hội phát triển, thông tin ngày càng nhiều trong khi khả năng gạn lọc thông tin của người dùng mạng xã hội còn hạn chế. Tỷ lệ người dùng mạng xã hội hiện nay phần lớn là giới trẻ mà tâm lý chung của họ thường thích khám phá những điều mới lạ, thích hưởng ứng theo trào lưu và đặc biệt là hay để tâm vào những thông tin gây chấn động.
|
Thứ 2 là những hình ảnh bạo lực xuất hiện nhan nhản hằng ngày từ mạng xã hội đến lẫn ngoài đời thực. Nếu con người tiếp xúc với những việc làm tiêu cực lâu ngày thì sẽ khắc sâu ký ức trên não. Gây ra cảm giác sợ hãi, lo lắng, bất an và gây hoang mang cho dư luận xã hội. Dẫn đến nhiều người dân mất niềm tin vào cuộc sống, vào xã hội và tựu chung niềm tin chẳng biết đặt để ở đâu.
Thứ 3 là một phần do truyền thông gần đây thường hướng vào các tin tức gây chấn động. Khiến các đề tài đó được đào sâu và khá nhiều câu chuyện đẹp từ cuộc sống bị bỏ lại phía sau.
“Khi người dân mất dần niềm tin vào cuộc sống sẽ luôn ở trong trạng thái lo lắng, đề phòng và nghi ngờ tất cả. Những câu chuyện về lòng tốt bây giờ thường bị xem như là cổ tích và những người làm việc tốt có thể bị nghi ngờ như đang âm mưu một điều gì đó. Dẫn đến niềm tin con người đặt cho nhau bị lung lay, nhỏ dần và mất hút. Thậm chí lòng tốt của nhiều người bị ngờ vực và không ít người vì mất niềm tin mà đã đánh mất cơ hội đáng tiếc, đáng lẽ phải có”, anh An chia sẻ.
Còn theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Dũng, giảng viên Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương thì từ thời nào cũng đã có những thông tin tiêu cực nhưng do thời buổi hiện nay sự bùng nỗ của công nghệ thông tin nên thông tin có sức lan tỏa rất nhanh. Tuy nhiên, việc tiếp cận thông tin sẽ có hai khía cạnh, nếu mình nhìn đó là tích cực thì nó là tích cực, nếu nhìn tiêu cực thì nó là tiêu cực.
“Nhìn thông tin ở mức độ tích cực thì đó là tiếng nói của cộng đồng để phản kháng lại những tiêu cực, để tạo nên sức ép dư luận làm cho các cơ quan chức năng nhảy vào cuộc. Thậm chí còn tạo nên sức đề kháng, là lực đẩy để giúp người ta chống lại cái xấu. Còn nếu chúng ta nhìn tiêu cực là khi chúng ta không trang bị đủ kỹ năng cho con em chúng ta, tự phòng vệ và ứng phó với mọi tình huống xảy ra. Và nếu mình nhìn những sự việc đó một cách nhân rộng thì cũng không đúng, mà hãy xem đó như một kênh tham khảo để giúp chúng ta trang bị kỹ năng cho con em mình, nhất là trong thời đại hiện nay khi những biến chuyển về hành vi tội phạm và các vấn đề tâm sinh lý, bệnh lý ngày càng phức tạp”, ông Dũng nhìn nhận.
Điều đặc biệt theo ông Dũng là hoàn cảnh sống không quyết định được thái độ sống, mà thái độ sống mới là điều quyết định. Chúng ta không lựa chọn hoàn cảnh được nhưng chúng ta có quyền lựa chọn thái độ sống.
“Tuy nhiên chúng ta cần đặt một dấu chấm hỏi lớn là tại sao hiện nay mọi người lại dễ chú trọng đến những tin tiêu cực nhiều hơn những thông tin tích cực? Con người có óc tò mò, tin mà càng giật gân thì lại càng chú ý. Nên cần phải xem xét lại việc chúng ta đăng tải thông tin và chạy theo sự việc ở mức độ nào. Thứ 2 là việc vào cuộc một cách kịp thời và minh bạch của các cơ quan chức năng là liều thuốc quan trọng nhất để chấn chỉnh lòng tin cho xã hội, răn đe của pháp luật một cách hữu hiệu nhất thì mới tạo được niềm tin cho xã hội”, ông Dũng nhấn mạnh.
Nhưng điều mấu chốt sau cùng, ông Dũng khuyên: “Chúng ta phải lo cho con cái chúng ta, hãy cố gắng làm sao để trang bị kỹ năng cho con em chúng ta hơn là cách chúng ta ngồi đây lo sợ và ôm giữ con mình lại”.
Hội Trái Đất phẳng sẽ đến Nam cực để kiểm chứng cho niềm tin của mình
Những người tin vào thuyết Trái Đất phẳng cho rằng NASA, hay bất cứ cơ quan hàng không nào khác đều đang hợp tác với ... |
Người dân cần tránh niềm tin mù quáng
PGS - TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, cho rằng từ vụ việc của chùa Ba Vàng (thành phố Uông ... |
Ngày đăng: 11:14 | 05/04/2019
/ https://thanhnien.vn